Quan hệ của Mỹ với bán đảo Triều Tiên: Liệu có khả năng thượng đỉnh ba bên?

Lãnh đạo Kim Jong Un và tổng thống Moon Jae In bất ngờ gặp nhau tại Bàn Môn Điếm sau thông báo hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên của tổng thống Mỹ.
Lãnh đạo Kim Jong Un và tổng thống Moon Jae In bất ngờ gặp nhau tại Bàn Môn Điếm sau thông báo hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên của tổng thống Mỹ.
(PLO) - Seoul không thể cùng một lúc vừa là người trung gian vừa là một bên tham gia thảo luận vì điều này có nguy cơ gây khó hiểu về vị trí của Hàn Quốc trong hoạt động ngoại giao và làm suy yếu vị thế của Seoul trong đàm phán. 

Cho đến lúc này, các bên liên quan vẫn còn đang thảo luận về việc tạo dựng khuôn khổ đàm phán. Vả lại, nếu cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 diễn ra thì vẫn còn có khả năng đó là thượng đỉnh ba bên.

Ngày 24/5/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo hủy thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un, dự kiến diễn ra vào ngày 12/6/2018 tại Singapore. Trong vòng chưa đầy 24 giờ sau, ông lại đề cập đến khả năng duy trì thượng đỉnh như kế hoạch ban đầu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc nguyên thủ Hoa Kỳ thay đổi thái độ liên tục đang tạo lợi thế cho Bình Nhưỡng, đồng thời càng khẳng định quyết tâm của tổng thống Hàn Quốc duy trì đàm phán với Triều Tiên, cơ hội duy nhất mang lại hòa bình cho bán đảo.

Điều các bên đều cần

Trong hai ngày 24 và 25/5/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục làm thế giới giật mình và làm cho đồng minh là Hàn Quốc ngỡ ngàng. Ngay sau khi có bức thư của Donald Trump gửi Kim Jong Un, thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh, tổng thống Moon Jae-In ngay trong đêm 24/5 đã phải triệu tập cuộc họp bất thường, tìm giải pháp đối phó với tình huống không ngờ tới này. 

Bất chấp tuyên bố của Donald Trump vào ngày hôm sau, 25/5, về khả năng duy trì thượng đỉnh Singapore, không khí ngờ vực về việc tổ chức sự kiện lịch sử này vẫn ngự trị. Chuyên gia Antoine Bondaz, giáo sư đại học Khoa học Chính trị, cho rằng vẫn có hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra chừng nào cả Kim Jong Un và Donald Trump đều thấy có lợi ích khi tiến hành đối thoại với nhau.

“Về phía Triều Tiên, tiếp tục theo đuổi đàm phán là quan trọng. Điều đó cho phép Bình Nhưỡng giảm bớt áp lực quân sự và khả năng đánh phủ đầu của Mỹ, tránh được các biện pháp trừng phạt kinh tế mới. Đồng thời điều chỉnh để nền kinh tế đất nước thích ứng với các trừng phạt hiện có, và xích lại gần hơn với các nước láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc sau nhiều năm căng thẳng quan hệ song phương.

Do vậy, Triều Tiên đã làm tất cả để ngay từ đầu, Donald Trump chấp nhận cuộc gặp thượng đỉnh này và sao cho các cuộc thương thuyết kéo dài. Các phát biểu hô hào hiếu chiến năm 2017 đã nhường chỗ cho những lời hứa hẹn mơ hồ về giải trừ hạt nhân “nếu như có đầy đủ các điều kiện” và các nhượng bộ chính trị có thể đảo ngược được liên tiếp được đưa ra, như thông báo tạm ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa.

Bình Nhưỡng cũng ý thức được rằng tổng thống Mỹ cần một thỏa thuận, nhất là từ khi Mỹ rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, nhằm chứng minh với các cử tri của mình rằng Donald Trump có khả năng thương lượng và đạt được một thỏa thuận quan trọng. 

Vấn đề là từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ và Triều Tiên lại không cùng một quan điểm về nội dung cốt lõi các cuộc thương thuyết: Đó là vấn đề giải trừ hạt nhân. Bình Nhưỡng đánh cược vào việc Donald Trump cần đúc kết nhanh chóng một thỏa thuận mang tính chính trị hơn là kỹ thuật, xem vấn đề giải trừ hạt nhân là mục tiêu dài hạn; trong khi tổng thống Mỹ có thể xem việc giải trừ hạt nhân của Triều Tiên trong ngắn hạn là điều không thể thiếu. Thực tế về những bất đồng này không buông tha cả Bình Nhưỡng lẫn Washington”. 

Khả năng thượng đỉnh ba bên

Trước thái độ “sáng nắng chiều mưa” của Donald Trump, tổng thống Hàn Quốc đã có một bước đi táo bạo, khi chấp nhận lời mời gặp đột xuất từ phía lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm hôm 26/5, ngay sau những thông báo thay đổi chóng mặt của Hoa Kỳ. 

Cuộc họp được tổ chức nhanh chóng trong vòng 24 giờ và diễn ra âm thầm. Trong vòng một tháng, nguyên thủ Hàn Quốc - Triều Tiên gặp nhau hai lần. Đối với giới quan sát, đây là một điều bất thường. 

Chuyên gia Théo Clément, một nhà nghiên cứu về Triều Tiên, từng có thời gian đến giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, đưa ra một số nhận định.

Một điều bất thường đã diễn ra: “Lãnh đạo Triều Tiên đã đến gặp đồng nhiệm Hàn Quốc một cách âm thầm và khẩn cấp. Làm thế nào lãnh đạo hai bên lại có thể gặp nhau dễ dàng như vậy ? Liệu đó có là một cuộc cách mạng trong quan hệ liên Triều ?

Phải chăng chính thông báo hủy thượng đỉnh của ông Donald Trump đã tạo ra một hiệu ứng tức thì mà hệ quả là cuộc gặp ngoài mong đợi của hai lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc?” 

“Một cuộc gặp tự phát như vậy là chưa từng có trong mối quan hệ liên Triều, và là kết quả của hai yếu tố chính trị khác nhau : Yếu tố thứ nhất, có tính chất nội bộ, đó là thiện chí của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In muốn đối thoại với Triều Tiên. Và một cách bao quát hơn, đó là ý tưởng cho rằng thảo luận với Bình Nhưỡng sẽ tạo thuận lợi cho việc giảm căng thẳng.

Yếu tố thứ hai, đến từ bên ngoài, là việc Donald Trump bất ngờ hủy thượng đỉnh. Điều này cùng lúc thúc đẩy cả Triều Tiên (thông qua lời thứ trưởng ngoại giao Kim Gye-gwan) và Hàn Quốc phải thể hiện sự thống nhất bề ngoài nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và thương lượng. 

Tôi không nghĩ đây là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, hiện nay, đó chỉ là những khuôn mẫu ngoại giao và tiến hành các cuộc thảo luận. Sắp tới sẽ là vấn đề chính, khó khăn hơn và có thể nói một cách ngắn gọn rằng Hàn Quốc và Triều Tiên không chỉ có những lợi ích tương đồng”.

Khi chấp nhận gặp Kim Jong Un khẩn cấp, phải chăng tổng thống Hàn Quốc muốn đưa ra một vài tín hiệu với chính quyền Donald Trump?

“Đó là một tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Washington, cho dù rất có thể là trước đó, Seoul đã báo trước cho đồng minh Hoa Kỳ. Thông điệp này rất rõ ràng: Tổng thống Moon Jae In ủng hộ và nếu cần, sẽ đồng hành hỗ trợ tiến trình thương lượng. Hiện tại, chính sách ngoại giao này là một sự hỗ trợ quý báu. 

Thế nhưng, Seoul không thể cùng một lúc vừa là người trung gian vừa là một bên tham gia thảo luận vì điều này có nguy cơ gây khó hiểu về vị trí của Hàn Quốc trong hoạt động ngoại giao và làm suy yếu vị thế của Seoul trong đàm phán.

Cho đến lúc này, các bên liên quan vẫn còn đang thảo luận về việc tạo dựng khuôn khổ đàm phán. Vả lại, nếu cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 diễn ra thì vẫn còn có khả năng đó là thượng đỉnh ba bên”.

Mở đầu cuộc đấu trí cam go

Về phía Bình Nhưỡng, họ muốn gì khi vẫn khẳng định muốn có cuộc họp thượng đỉnh này?

“Bình Nhưỡng tìm cách đến dự thượng đỉnh trong thế mạnh và cho đến lúc này, họ đã rất thành công. Bắc Triều Tiên có khả năng răn đe hạt nhân hoặc gần như vậy. Trung Quốc dường như rất sẵn sàng ủng hộ Triều Tiên còn Hàn Quốc thì đã nói đến chương trình hỗ trợ kinh tế Bình Nhưỡng.

Nếu khai thác tốt các lá bài của mình, qua việc đánh đổi phi hạt nhân hóa bán phần hoặc toàn bộ, Triều Tiên có thể gặt hái được những kết quả quan trọng, vững chắc về chính trị, ngoại giao và nhất là về kinh tế”.

Tổng thống Mỹ liên tục thay đổi ý kiến những ngày gần đây sẽ có lợi cho nước nào? Triều Tiên? Hay là Trung Quốc?

“Khó có thể hiểu được những tập quán không hay trong ngoại giao của Hoa Kỳ. Có thể Donald Trump muốn dập tắt động lực thúc đẩy sự xích lại gần nhau nhằm buộc Bình Nhưỡng phải biểu hiện mong muốn đối thoại hoặc đàm phán, và nếu như vậy thì ông ta đã thành công cho dù cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày hôm sau, là một sự đáp trả nhanh chóng. 

Nhưng cũng có thể là các cố vấn bảo thủ nhất của Donald Trump tìm cách tác động đến một vị tổng thống rõ ràng là không làm chủ được toàn bộ các yếu tố trong hồ sơ này. 

Chính sách ngoại giao không có định hướng của Hoa Kỳ rất có lợi cho Triều Tiên, giúp cho nước này từng bước thể hiện là một bên đàm phán đáng tin cậy. Hàn Quốc cũng hưởng lợi một phần vì Seoul đã thành công trong việc tự khẳng định là một trong những động lực thúc đẩy đối thoại.

Cuối cùng, Trung Quốc cũng hưởng lợi vì có lập trường tương đối kiên định, thường xuyên đối nghịch với các chính sách bất định của Hoa Kỳ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Kim Jong Un hai lần và rõ ràng là có một lỗ hổng trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên ở vùng biên giới: dường như Trung Quốc tìm cách tận dụng các bước đi sai lầm của Mỹ để tạo ra một bối cảnh thuận lợi cho việc duy trì quan hệ chặt chẽ (nhưng cũng khó khăn) với Bình Nhưỡng và tránh được sự nhích lại gần nhau quá đột ngột giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ”.

Tóm lại, tiến trình đàm phán này sẽ là cuộc đấu trí cam go, mà thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong Un tới đây tại Singapore vào ngày 12/06 (nếu có) chỉ mới khúc dạo đầu. Chỉ có tài năng mới đem lại “hòa bình và thịnh vượng bền vững” cho Bắc Triều Tiên, như những dòng tweet của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Và “tài năng” đó đã được thể hiện rõ qua “Trò chơi vờ đoạn tuyệt giữa Kim và Trump”, như bài nhận định trên một tờ báo nước ngoài. Bởi vì, cả Donald Trump và Kim Jong Un đều là những người khó đoán khó lường. Lãnh đạo Triều Tiên cũng thích hành động đơn lẻ, bất định như tổng thống Donald Trump.

Tin cùng chuyên mục

Hình ảnh tại cuộc họp.

Hoạt động mới của Tổng thống Ukraine Zelensky

(PLVN) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/3 đã gặp phái đoàn của nhóm Đổi mới châu Âu thuộc Nghị viện châu Âu do Chủ tịch nhóm Valérie Hayer đứng đầu, tờ Ukrinform dẫn thông tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết.

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.