Khẩn trương tìm kiếm người mất tích. |
Xuyên đêm cứu hộ, cứu nạn tại Trà Leng
Chiều 28/10, tại huyện Nam Trà My liên tiếp xảy ra sạt lở đất ở các khu dân cư. Sau vài tiếng nổ lớn, đất đá từ trên núi đổ sập xuống, biến 14 nóc nhà ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) thành bình địa, khiến 53 người gặp nạn. Vụ sạt lở thứ hai xảy ra ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My khiến 20 người gặp nạn, trong đó 12 người bị thương, 8 người tử vong đã tìm thấy thi thể.
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 đã xuyên đêm tìm kiếm, cứu nạn (TKCN). Từ sáng 29/10, hàng trăm bộ đội cùng máy xúc, xe ủi khẩn trương san gạt đất đá, mở đường vào hiện trường vụ sạt lở ở xã Trà Leng để tìm kiếm những người còn mất tích ở đây.
Sau gần 10 giờ hành quân liên tục, sau khi xử lý 2 vị trí sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 40B, đến 17h30 ngày 29/10, lực lượng cứu hộ của Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Nam), Lữ đoàn Công binh 270, Lữ đoàn Thông tin 575 và các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và tích cực triển khai các phương án TKCN các nạn nhân mất tích.
Lực lượng tiếp cận thôn 1, xã Trà Leng sớm nhất gồm 20 công binh, quân y mang thùng cứu thương vào để cấp cứu nạn nhân. Khi vào Trà Leng, Lực lượng cứu hộ gặp một nhóm người dân trên đường khiêng 4 trẻ em bị thương ra ngoài cấp cứu. Bộ đội đã sơ cứu tại chỗ, điều xe cứu thương đưa các cháu vào bệnh viện.
Chiều 29/10, tại xã Trà Leng, lực lượng chức năng đã cứu được 33 người.
Đến 23h đêm 29/10, hơn 400 cán bộ chiến sĩ Quân khu 5 gồm lực lượng công binh, thông tin, LLVT địa phương... vẫn đang khẩn trương tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở xã Trà Leng để có thể đưa xe cơ giới vào hiện trường trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại vẫn được lực lượng tại chỗ triển khai tích cực.
Công tác TKCN người dân được thực hiện rất khẩn trương. Tuy nhiên, khối lượng đất đá, bùn đất, cây cối, nhà cửa bị vùi lấp quá lớn, có vị trí chất cao 3 - 7m, trong khi đó việc tìm kiếm được thực hiện bằng tay, với dụng cụ thô sơ, thủ công nên gặp vô vàn khó khăn.
Trên địa bàn huyện Nam Trà My có mưa to, khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để bảo đảm an toàn, Quân khu 5 đã tổ chức các điểm tuần tra, canh gác, chốt chặn từ xa nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và có cách xử trí phù hợp, hiệu quả trước các dấu hiệu bất thường của tự nhiên.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, theo đề nghị của Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam, Bộ Quốc phòng đã tăng cường lực lượng, phương tiện gồm: 14 cán bộ cùng thiết flycam của Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu), 3 chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.
Cấp cứu nạn nhân bị nạn. |
Sẽ đề nghị quân đội hỗ trợ máy bay thả hàng tiếp tế
Chiều 28/10, 2 vụ sạt lở đất đã xảy ra tại hai xã Phước Lộc và Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam khiến 13 người mất tích. Đến sáng 29/10, người dân xã Phước Lộc cắt rừng đến xã trình báo thông tin vụ sạt lở. Lực lượng tại chỗ, người dân đã tích cực tìm kiếm được năm thi thể nạn nhân.
Thủy điện Đăk Mi 2 nằm trên địa phận xã Phước Công và Phước Lộc (nơi vừa xảy ra 2 vụ sạt lở núi). Bão số 9 đã làm sạt lở núi và đánh sập cầu bê tông bắc qua thủy điện Đăk Mi 2 khiến hơn 200 công nhân bị cô lập.
Công tác tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn chủ lực vẫn là lực lượng dân quân thường trực tại chỗ và nhân dân địa phương. Thượng tá Lê Trung Thành, Phó Chỉ huy trưởng, Ban CHQS tỉnh Quảng Nam được phân công trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn tại chỗ.
Các tổ công tác do huyện, tỉnh và Quân khu 5 tăng cường hiện vẫn chưa thể tiếp cận khu vực này do sạt lở nhiều điểm với khối lượng rất lớn.
Lực lượng tiền trạm của Ban CHQS huyện Phước Sơn cho biết, để đến được xã Phước Lộc tiếp cận hiện trường phải đi 2 nhánh, tổng cộng là 41km đường rừng núi hiểm trở, nhiều điểm sạt lở lớn, rất nguy hiểm.
Thiếu tá Nguyễn Thành Văn, Phó Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Phước Sơn, người trực tiếp cùng đồng đội trinh sát tiếp cận khu vực Phước Lộc cho biết: “Sau hơn 1 ngày cắt rừng vượt qua rất nhiều điểm sạt lở, hiện nay lực lượng trinh sát mới tiếp cận đến ranh giới giữa Phước Công và Phước Lộc nhưng không thể đi tiếp vì nước lũ quá lớn”.
Người dân ở vùng bị cô lập đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thưc, thực phẩm và nước sạch sinh hoạt. Xã Phước Lộc (904 người) chỉ còn 4 tấn gạo, xã Phước Thành còn 700kg, và 217 công nhân thủy điện Đắk Mi 2 chỉ còn gạo ăn trong hai ngày. Nước sạch sinh hoạt đã hết. Sạt lở chia cắt khiến đường sá không tiếp cận được, tình hình cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân rất căng thẳng.
Giải cứu công nhân thủy điện Đăk Mi 2 bị cô lập gần hai ngày qua. Trưa hôm qua, lực lượng chức năng đã tiếp cận được nhà máy thủy điện, đang bắc hai ròng rọc để đưa các công nhân ra ngoài.
Nếu không có đường nào khác để tiếp cận tiếp tế cho các xã thì huyện Phước Sơn đề nghị quân đội hỗ trợ máy bay thả hàng tiếp tế cho dân.
Điều thêm trực thăng tìm kiếm các ngư dân mất tích trên biển
Bão số 9 đã làm 21 chiếc tàu cá của các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận và Bình Định bị chìm. Hôm qua (30/10), Quân chủng Hải quân đã điều thêm hai máy bay trực thăng DHC-6 mang số hiệu VNT 772 và VNT 773 của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 tham gia phối hợp cùng với các tàu kiểm ngư, tăng cường phương tiện tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển. Hai máy bay đã mang theo áo phao, phao, nước uống, bánh mì, nhu yếu phẩm, sẵn sàng ứng cứu nạn, cứu hộ các ngư dân.
Trước đó, lúc 0 giờ ngày 30/10, Sở Chỉ huy phía trước (Quân chủng Hải quân) nhận được tin báo: Tàu chở hàng Fortune Iris, quốc tịch Hồng Kông, Trung Quốc, mang số hiệu IMO9340556 trên hành trình từ Singapore đi Nhật Bản đã phát hiện và cứu 3 ngư dân của tàu cá Bình Định biển kiểm soát BĐ 97469TS trôi dạt trên biển, bàn giao cho Tàu Kiểm ngư KN 490.
Chiều 27/10, trong khi chạy tránh bão số 9, 2 tàu cá Bình Định là BĐ 96388 TS (12 thuyền viên) và BĐ 97469 TS (14 thuyền viên) bị chìm. 26 thuyền viên trên 2 tàu mất tích. Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, tàu cá BĐ 96388 TS có 12 người, do ông Lê Văn Minh (SN 1976, trú tại Tam Quan Nam, Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng. Tàu xuất bến vào ngày 5/10.
Khoảng 13h ngày 27/10, tàu chạy vào Cam Ranh tránh trú bão thì gặp nạn và chìm cách bờ khoảng 143,5 hải lý. Đến 13h30 cùng ngày, tàu cá BĐ 98658 TS do ông Nguyễn Văn Toản làm thuyền trưởng đã tiếp cận tàu BĐ 96388 TS, tuy nhiên chưa tìm thấy 12 thuyền viên trên tàu. Tàu cá của ông Toản sau đó cũng chìm luôn.
Ngư dân Lê Minh Don (SN 2000) cho biết, tàu có 14 người thì 4 ngư dân mất tích, 5 người chết trên biển do kiệt sức và 2 người chết ngay sau khi tàu chìm.
Sở Chỉ huy phía trước cho biết thêm, hiện tại trên các khu vực 23 thuyền viên còn lại gặp nạn chưa tìm được, điều kiện thời tiết rất xấu, gió Tây Nam cấp 3, cấp 4, sóng cao 1 đến 2m. Dưới sự chỉ huy từ Sở Chỉ huy phía trước, Quân chủng Hải quân, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đã khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ nỗ lực tìm kiếm ngư dân…