Ngay trong thời gian tới, cơ cấu quản lý quân đội Nga có thể thay đổi về cơ bản. Trong bố cục lực lượng vũ trang Nga sẽ không còn các quân khu – như hệ thống quản lý quân đội vẫn sử dụng từ 150 năm nay. Hiện nay, giới chuyên viên nghiên cứu phương án phân chia ban chỉ huy theo tên gọi bốn hướng, thay cho các quân khu và hạm đội.
Bộ Quốc phòng Nga tiếp tục hoạt động cải cách quân đội, kể cả hệ thống quản lý lực lượng vũ trang. Cơ quan quân sự thảo luận kế hoạch biến 6 quân khu và 4 hạm đội thành 4 bộ tư lệnh tác chiến chiến lược mang tên “Bắc”, “Nam”, “Tây” và “Đông”. Các tác giả của đề án này cho rằng, hệ thống mới sẽ nâng cao tính hiệu quả về quản lý lực lượng nhân sự và kỹ thuật quân sự của các liên khu, giảm hẳn số cấp chỉ huy, và kết quả là các chỉ thị sẽ được thực hiện nhanh hơn.
Bộ Quốc phòng không loại trừ khả năng, ngay sau 2 năm tới, hệ thống phân cấp mới sẽ được áp dụng trong quân đội Nga. Đồng thời cần lưu ý rằng, giai đoạn hiện nay, đó là một dự án đang được nghiên cứu. Theo nhận định của các tác giả, một số quốc gia đã tập hợp kinh nghiệm hữu ích trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, trong quân đội Hoa Kỳ có những tập đoàn quân và đại đoàn. Điều chính yếu trong cách tổ chức như vậy là bảo đảm yêu cầu linh hoạt để thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, như dự định, cơ cấu mới sẽ liên quan trực tiếp đến hệ thống tự động quản lý về khâu chiến thuật. Đối với quân đội Nga, hệ thống mới này mang tính chất bước ngoặt, cho phép từ một trung tâm thống nhất ngay trong điều kiện một địa bàn chiến sự có thể điều khiển đồng bộ quân lực và kỹ thuật chiến đấu – đủ cả không quân, pháo binh, xe quân sự và cơ số quân nhân của liên khu.
Các chuyên viên đều đồng ý với việc, cần phải cải cách quân đội Nga, nâng cao tính hiệu quả để đáp ứng những đòi hỏi của ngày hôm nay. Song, nhiều người kêu gọi không nên “thô bạo và vội vã”. Trong số các chuyên viên theo quan điểm này có ông Igor Korotchenko, Tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” của Nga: “Từ bỏ hệ thống quân khu là một quyết định mang tính cách mạng, vì thế, cần phải có sự nghiên cứu tỷ mỷ mọi nội dung liên quan. Trước khi chuyển toàn bộ cơ cấu chỉ huy quân đội sang chế độ làm việc mới, cần phải thực hiện cuộc thử nghiệm quy mô. Bởi có thể thông qua những quyết định đúng đắn và đẹp đẽ trên giấy tờ, nhưng sau đó vấp phải vướng mắc với thiết bị tự động quản lý qúa trình này. Tức là, khi cải tổ hệ thống quản lý quân đội, khả năng của Bộ Tổng tham mưu phần nhiều phụ thuộc vào khả năng kỹ thuật của nền công nghiệp Nga”.
Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch áp dụng gói quy chế mới. Chẳng hạn, các binh lính tại ngũ sẽ làm việc 5 ngày trong tuần và có 2 ngày nghỉ. Chắc chắn là, thực hiện kế hoạch này sẽ rất khó khăn, nhưng rõ ràng phục vụ mục đích nhân đạo. Cần phải xóa bỏ tâm trạng gò bó ép buộc của các quân nhân trong doanh trại, xóa bỏ tính chất khép kín và tách biệt của các tập thể chiến sĩ. Làm được như vậy mới có thể bảo vệ quyền lợi của những người lính khi thi hành nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc.
Theo Đài TNNN/Mekongnet