Cơ duyên gặp quả trứng “lạ”
Ông Hà là người Hà Nội gốc nhưng sau khi xuất ngũ vào miền Nam sinh sống, giữa những năm 1980 mới khăn gói về lại Hà Nội. Trở về quê, ông làm đủ công việc, từ bán hàng chợ đêm đến chụp ảnh dạo quanh Hồ Gươm kiếm sống. Mấy năm sau, máy ảnh kỹ thuật số ra đời, những thợ chụp máy cơ như ông Hà “chết” dần, phải bỏ nghề.
Vốn đam mê nghệ thuật nên những ngày thất nghiệp, ông lang thang xem vẽ tranh, thư pháp. Không viết từ lúc nào ông mê mẩn những nét chữ “rồng bay phượng múa”. Trong số đó, ông Hà cảm phục tài năng thầy đồ tên Hoàng quê gốc Thái Bình.
Sau cả chục lần lân la làm quen, ông mới bắt chuyện với cụ. Ông tìm đến tận nhà cụ đồ xin học nghề: “Hơn 3 lần trà đạo tại nhà, cụ mới nhận tôi làm đệ tử. Lúc đầu tôi được thầy tập viết chữ trên đá cho đỡ tốn giấy. Khó nhất là lớn tuổi nên học chữ Hán nhanh quên”. Khi đó ông Hà đã chạm tuổi 50.
Khéo léo chạm khắc trên vỏ trứng |
Lúc đầu ông lén mua trứng đà điểu về cho nhà ăn ruột, còn mình “ăn” vỏ, vợ tấm tắc khen ngon. Nhưng sau đó thấy chồng liên tục mua trứng đà điểu, chỉ chăm chăm lấy vỏ, nhà ăn trứng mãi cũng ngán, bà mới bà cáu gắt trách chồng lãng phí. Hiểu ra ý tưởng của chồng, may mắn là vợ ông nhiệt tình ủng hộ.
Kì công tập luyện, sau 3 năm ông mới được sư phụ cho ra ngồi hầu chiếu ở Văn Miếu, phố cổ. Hầu chiếu 2 mùa Tết, ông mới được thầy cho phép viết chữ. “Thấy chữ nào dễ, thầy mới bảo tôi viết. Dần dần tôi có thể ngồi cho chữ độc lập đến bây giờ”, ông kể.
Cách đây 3 năm, có vị khách mang theo quả trứng lạ đến nhờ ông Hà viết chữ. Đó là lần đầu tiên ông thực hiện viết thư pháp trên chất liệu mới. Dù có phần “ngợp” nhưng lúc viết xong, cả chủ lẫn khách đều khoái chí. Ông chỉ kịp biết quả trứng lạ kia là trứng đà điểu. Khách đi rồi, nhà thư pháp tự vấn: “Tại sao không khắc chạm thêm nhiều hoạ tiết nữa, chắc sẽ đẹp lắm”.
Chân dung Bill Gates và thi sĩ Văn Cao trên vỏ trứng đà điểu |
Ông về nhà lấy vỏ trứng vịt, trứng gà làm thử. Vỡ vô số vỏ trứng. “Cái khó ló cái khôn”, ông nghĩ cách làm vỏ trứng cứng hơn: “Tôi bỏ trứng vào ngăn đá làm lạnh, đổ sáp lên ngoài. Tuy vỏ trứng cứng hơn thật nhưng rất khó chạm khắc. Hơn nữa chất sáp khiến lưỡi dao bị rít”. Đang lúc bế tắc, bất chợt ông sực nhớ đến quả trứng vị khách nhờ viết chữ trước đó: Trứng đà điểu. Phải chăng vỏ trứng đà điểu kích thước lớn, vỏ dày hơn, nên dễ chạm khắc hơn.
Dò hỏi rồi chạy xe máy về Hải Dương hỏi mua tại một trang trại. Chủ trang trại không có nhu cầu bán trứng, ông quay về tay không. Không bỏ cuộc, ông tiếp tục lên Bà Vì hỏi mua. Lần này năn nỉ hoài mới được chủ trang trại đồng bán đúng 1 quả giá 230 ngàn đồng. Có trứng rồi, ông háo hức thử nghiệm. Quả đúng khắc chạm trên vỏ trứng đà điểu dễ hơn nhiều.
Bao năm chạm khắc, nay ông đã có thể đúc rút kinh nghiệm chọn vỏ trứng càng dày càng tốt, bề mặt bóng nhẵn sẽ dễ “hạ nền” (tức chạm thô). Kích thước trứng lý tưởng có cân nặng từ 1,4kg trở lên. Nếu ước lượng thủ công, dùng ngón tay cái và ngón trỏ hai bàn tay ôm lấy quả trứng. Nếu ôm vừa khít hoặc vòng tròn hụt chừng 5cm là đạt chuẩn.
Chân dung Bill Gates và thi sĩ Văn Cao trên vỏ trứng đà điểu |
Kỳ công chế tác
Khắc chạm trên vỏ trứng rất kì công. Trước tiên là kĩ năng lấy sạch lòng trứng. Nguyên tắc là mở miệng trứng càng hẹp càng tốt, ông Hà bật mí: “Dùng chiếc đũa đục lỗ bé dưới đáy quả trứng, sau đó khuấy tan lòng trứng rồi lấy ống hút gấp hình chữ “L” để thổi hơi vào, đẩy lòng trứng chảy ra ngoài. Lúc đầu tôi cố dốc ngược quả trứng nhưng không chảy. Mãi sau mới nghĩ ra cách gấp ống hút”.
Khi đã lấy sạch phần ruột, tiếp tục ngâm dấm khử tanh và phơi nắng vỏ trứng. Trường hợp tiết trời ẩm ướt, dùng máy sấy tóc làm khô vỏ trứng. Cần chú ý không được làm gấp gáp, sấy lần 1 xong, để vài phút mới sấy tiếp lần 2.
Công đoạn tiếp theo là chọn trứng để khắc chạm. Căn cứ vào kích thước hoa văn, chân dung định chạm để chọn trứng có kích thước tương ứng, tránh lãng phí. Sau đó vẽ hình mẫu lên vỏ trứng, phân chia bố cục. Thao tác cuối cùng, đục thủng vỏ trứng theo hình mẫu đã vẽ.
Ông chia sẻ kinh nghiệm: Chạm khắc chi tiết mảnh và khó trước, sau đó “đục khoét” chi tiết dễ. Chẳng hạn như khắc hình Chùa Một cột, ông thực hiện các chi tiết cửa sổ, hệ thống cột kèo trước rồi mới “đâm thủng” tạo hình cột chính. “Thực hiện nét mảnh trước mới có điểm tựa. Còn khi vỏ trứng đã bị đục khoét nhiều, điểm tựa ít dần sẽ rất dễ vỡ. Đối với những chi tiết thường đứng độc lập, cần phải gắn chúng với chi tiết nào đó tạo liên kết”, ông Hà nói.
Một số sản phẩm lưu niệm từ vỏ trứng |
Nguyên tắc khác chạm khắc trên vỏ trứng là tất cả chi tiết liên kết với nhau thành mạng lưới. Kỳ công hơn, trong lúc đục khoét vỏ trứng, phải tự ước lượng lực tác động vừa đủ. Tư thế cầm vỏ trứng phải ôm gọn toàn bộ, nêu không khéo, dễ làm vỡ trứng.
Chạm khắc chân dung trên vỏ trứng là khó thực hiện nhất. Không chỉ nhiều chi tiết, khắc tạc chân dung phải thể hiện ra cái thần. “Hiểu nôm na rằng khắc chạm người nào đó nhưng nhìn không giống, nghĩa là thất bại”, ông vắn tắt. Kỳ công như thế, nên mỗi sản phẩm phải 3-5 ngày mới hoàn thành. Với mẫu chạm khắc phức tạp, thời gian có thể dài hơn.
Đam mê, khéo léo, kiên trì
Ông Hà trải lòng: “Muốn thành công trước tiên phải có niềm đam mê. Thứ nữa là năng khiếu trời phú từ thi hoạ đến sự khéo léo. Tuy nhiên người khắc chạm vỏ trứng không thể thiếu tính kiên trì. Sản phẩm hoàn thiện không chỉ đẹp ngoại hình mà cần chuyển tải được nội dung bên trong”.
Ông thú thực, ban đầu bỏ tiền mua trứng, kỳ công chạm khắc vỏ trứng hoàn toàn để thoả lòng đam mê. Ngặt nỗi trứng đà điểu giá cao lại khó mua, cứ bỏ tiền túi mãi ắt có ngày “giết” niềm đam mê. Rồi thoáng nghĩ: “Tại sao không đem bán sản phẩm lấy tiền quay vốn sản xuất”. Nhưng ông không giỏi bán buôn, rồi còn thuê nhân viên, mặt bằng rắc rối đủ chuyện.
Một số sản phẩm lưu niệm từ vỏ trứng |
Cách đây vài năm, có người bạn nghe ông tâm sự đã khuyên: “Sao không bán trên chợ trời”. “Chợ trời” bạn ông muốn nhắc đến ở đây là mạng internet. Ngẫm có lý, ông thuê người lập website. Sau 10 ngày đăng tải, điện thoại bắt đầu tiếp nhận những ý kiến đóng góp về sản phẩm mới lạ này. Tuy lúc đó chưa ai hỏi mua nhưng ông thấy mở cờ trong bụng, ít nhất cũng có người quan tâm đến “đứa con tinh thần” của mình.
Không lâu sau đó, nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội tìm đến tận nhà hỏi mua sản phẩm lưu niệm từ vỏ trứng. Ông Hà vui quá “vừa bán vừa cho”. Cũng từ đó, khách hỏi mua ngày càng nhiều. Hôm ngồi trò chuyện với chúng tôi, điện thoại ông Hà liên tục. Đầu dây bên kia, khách hàng hỏi thăm giá cả, cách giao nhận hàng. Cũng có những người đề nghị bán vỏ trứng đà điểu cho ông.
“Vui lắm, không ngờ nhiều người quan tâm đến sản phẩm vỏ trứng như thế. Tôi có tìm hiểu mới biết ở nước ngoài người ta sản xuất sản phẩm từ vỏ trứng nhiều rồi. Riêng tại Việt Nam mới có vài người. Sắp tới tôi sẽ sáng tạo thêm nhiều mẫu mới đáp ứng thêm nhu cầu của khách hàng”, ông Hà chia sẻ dự định.
Ngoài trứng đà điểu, ông Hà còn chạm khắc trên vỏ trứng bồ câu, trứng vịt, trứng ngỗng. Giá mỗi sản phẩm chạm khắc trên vỏ trứng dao động từ 400 ngàn đến 6 triệu đồng. Trứng khắc hình chân dung có giá 2 triệu đồng. Về tuổi thọ, sản phẩm vỏ trứng có thể để rất lâu sau khi xử lý kĩ lưỡng.
Để chạm khắc trên vỏ trứng, ông Hà từng thử nghiệm nhiều dụng cụ khác nhau. Hiện ông đang sử dụng dụng cụ y khoa. Ngoài ra ông còn sáng tạo thêm giá đặt, đèn nhiều màu tự xoay, biến quả trứng trang trí thành đèn ngủ.