Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng đang xây dựng dang dở thì buộc phải ngừng thi công khiến hàng ngàn tỷ đồng “bỏ xuống sông xuống biển”. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao PVC không đủ năng lực thực hiện dự án mà PVN vẫn ráo riết chỉ định PVC thực hiện dự án này?
“Nằng nặc” chỉ định thầu
Ngày 24/11/2016, Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận thanh tra việc đầu tư dự án Nhiên liệu sinh học có góp vốn của PVN và các đơn vị thành viên.
Theo đó, từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, PVN quyết định chủ trương đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất nhiên liệu Ethanol tại Phú Thọ, Dung Quất (Quảng Ngãi) và Bình Phước. Công suất mỗi nhà máy 100 triệu lít/năm; nguồn vốn đầu tư do cổ đông góp 30%, vay thương mại 70%.
Dự án tại Phú Thọ có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.300 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, dự án này đội vốn lên gần gấp đôi, ở mức gần 2.500 tỷ đồng (tăng hơn 1.167 tỷ đồng). Dự án Dung Quất có tổng mức đầu tư ban đầu gần 1.500 tỷ đồng, sau đó tăng lên gần 1.900 tỷ đồng. Dự án Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng (khoảng 80,6 triệu USD), sau tăng lên hơn 84,5 triệu USD.
Đến thời điểm này, hai nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước đã xây dựng xong nhưng hầu như không vận hành thương mại. Trong khi dự án tại Phú Thọ đang xây dựng dang dở thì đến tháng 11/2011 buộc phải dừng thi công.
Ngày 26/2/2009, dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ được phê duyệt và chào thầu. Đến ngày 13/3/2009, PVC gửi công văn đến PVN xin chỉ định thầu để xây dựng dự án. Ngay sau đó PVN đã chấp thuận, giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC. Việc chấp thuận này của PVN được thực hiện ráo riết.
Cụ thể, ngày 20/3/2009, Tổng Giám đốc PVN gửi văn bản chỉ đạo TCty Dầu Việt Nam (PV Oil) và người đại diện phần vốn của PVN tại TCty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí – CTCP (DMC), TCty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) xem xét năng lực và nhu cầu thực tế để giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC tại dự án Ethanol Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu.
Chỉ 4 ngày sau, tức ngày 24/3/2009, ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc PVN đã đồng ý chủ trương chỉ định thầu cho tổ hợp PVC/Alfa Laval/Delta-T thực hiện gói thầu EPC tại dự án Ethanol Phú Thọ.
Dư luận đặt câu hỏi: Chỉ 4 ngày tính cả thời gian ra công văn, liệu PVN đã đủ thời gian thẩm định năng lực PVC để công ty này thực hiện xây dựng Ethanol Phú Thọ? Sau khi buộc phải ngừng dự án, chính PVC thừa nhận đã không đủ năng lực để thực hiện dự án này. Như vậy, rõ ràng trong việc đầu tư gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng tại dự án Ethanol Phú Thọ có phần trách nhiệm không nhỏ của PVN…
Hậu quả khó khắc phục
Thanh tra Chính phủ cho biết, đến thời điểm được chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC thực hiện dự án ethanol Phú Thọ, PVC trước đó chưa thực hiện hợp đồng nào để thực hiện dự án năng lượng sinh học hoặc các dự án có tính chất tương tự. Do đó, PVC chưa có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án Ethanol. Điều này đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11: “Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu”.
Vi phạm trên của PVN chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới PVC buộc phải dừng thi công dự án Ethanol Phú Thọ từ tháng 11/2011, khiến dự án khó tiếp tục thực hiện, nguy cơ gây lãng phí số tiền đã đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, do dự án tạm ngừng nên các loại máy móc, thiết bị han gỉ, hỏng hóc. Tính từ tháng 11/2013 đến tháng 12/2014, chi phí cho việc bảo dưỡng thiết bị đã là 2,8 tỷ đồng; lãi suất vốn vay hơn 329 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 53 tỷ đồng; chi phí đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhiên liệu hơn 7 tỷ đồng…
Đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư, nhà thầu và PVN chưa có giải pháp đối với dự án Ethanol Phú Thọ. Dự án này lâm vào tình trạng bế tắc, gần như không thể khắc phục.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, việc điều chỉnh tăng mức đầu tư tại dự án Ethanol Phú Thọ là không đúng quy định. Theo đó, chủ đầu tư lập và phê duyệt tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.300 tỷ đồng, trong quá trình thực hiện đã nâng lên gần 2.500 tỷ đồng là vi phạm quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Chính phủ. Chủ đầu tư còn vi phạm do lập tổng mức đầu tư dự án nhưng không có chức năng; tổng mức đầu tư lập ra nhưng không được cơ quan chuyên môn thẩm tra, thẩm định…
Những vi phạm trên trách nhiệm thuộc về ai? PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Chuyển hồ sơ sang Cơ quan công an
Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư dự án Dung Quất, Phú Thọ do có dấu hiệu “Cố ý làm trái” và/hoặc “Thiếu tinh thần trách nhiệm” trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, chỉ định thầu, ký và thực hiện các hợp đồng EPC.