Các vận động viên thuyền buồm Nga có ý định lập kỷ lục thế giới mới. Vào mùa bơi năm nay, thủy thủ đoàn “Piotr Đệ Nhất” lên kế hoạch thực hiện chuyến du hành Bắc cực vòng quanh Trái đất. Chưa một con thuyền nào trên mặt nước dự định vượt qua chặng đường vòng thế giới ngắn nhất và nguy hiểm nhất như vậy trong một mùa bơi và không có sự giúp đỡ của tầu phá băng.
Đây là chuyến thám hiểm phức tạp nên đòi hỏi một con tầu đáp ứng điều kiện bơi trên Bắc Băng dương. Thuyền buồm “Piotr Đệ Nhất” đã được lựa chọn. Chiếc thuyền được đóng năm 1992 tại Maknitogorsk để tham dự cuộc đua xuyên Đại Tây dương nhân 500 năm khám phá châu Mỹ. Thuyền đã nhiều lần có mặt tại các cuộc đua thuyền buồm huấn luyện. Tuy nhiên, để tham gia vào chuyến thám hiểm Bắc cực “Piotr Đệ Nhất” cũng phải cần đến sự cải tiến và hoàn thiện. Thân tầu được kéo dài đến 19 mét nhằm nâng cao chất lượng vận hành.
Bước quan trọng tiếp theo là thủy thủ đoàn. Ông Daniel Gavrilov, thuyền trưởng và là người lãnh đạo đề án cho biết, đoàn gồm 8 người đều chưa tròn 25 tuổi: “Bơi ở Bắc Cực là chuyến thám hiểm đầy phức tạp, đối với người đàn ông 40 tuổi, cũng như các thanh niên mới 17, khó khăn đều như nhau. Các thủy thủ là những người giàu kinh nghiệm, vì vậy tôi không lo lắng về thủy thủ đoàn”.
Trước các thuyền viên là chặng bơi 12.500 dặm trong những điều kiện khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở Bắc cực không vượt quá 10 độ C. Khó khăn chủ yếu khi bơi trong vùng biển Bắc Băng dương là các đá băng. Mùa tầu chạy ở đây rất ngắn, chỉ từ tháng Bảy đến cuối tháng Chín. Đôi khi, các tầu bị kẹt giữa băng đá phải đứng đợi cả ngày chờ thông luồng. Xét từ mọi yếu tố, đội lái sẽ luôn căng thẳng vì chuyến bơi không có tầu phá băng trợ giúp. Thuyền trưởng Daniel Gavrilov nói: “Chúng tôi có bản đồ đá băng được thu nhận qua vệ tinh. Các chuyên gia của Viện Bắc Cực và Nam Cực hỗ trợ chúng tôi lập đường lái. Đây là đối tác truyền thông của chúng tôi. Chúng tôi sẽ thấy trên bản đồ nơi nào không có đá băng thì lái tầu theo hướng đó. Quả thật, thuyền không được thiết kế để bơi giữa băng đá, nó không có đủ trọng lượng cũng như trang thiết bị đòi hỏi”.
Thủy thủ đoàn sẵn sàng mời các du khách cùng bơi. Thuyền có khoang dành cho khách. Những ai mong muốn có thể đăng ký vào bất kỳ giai đoạn nào của chuyến bơi. Ông Daniel Gavrilov cho biết, chi phí cho 10-12 ngày trên biển trong một cabin tiện nghi là 350 nghìn rúp (tức khoảng 12.000 USD). “Thủy thủ đoàn đủ sức bảo đảm an toàn chuyến bơi. Các vị khách nếu muốn có thể nghiên cứu quan sát khí tượng và quản lý thuyền. Nếu thích đứng cầm lái sẽ được cầm lái, muốn rửa sàn sẽ được rửa sàn, chúng tôi sẽ dạy hết. Thuyền có thể bốc lên boong lương thực, nước ngọt và nhiên liệu cho 45 ngày, nên chúng tôi có khả năng không phải cập bến trong 6 tuần”.
Cuộc thám hiểm sẽ khởi hành ngày 01/06/2010 từ cảng St Petersburg. Chạy vòng bán đảo Scandinavia, Piotr Đệ nhất sẽ đến Murmansk và bắt đầu chuyến bơi Bắc Cực từ đó. Trong thời gian thám hiểm, thuyền buồm dự định cập bến các cảng của Nga và nước ngoài tại Bắc Cực: Dixon, Pevek, Providence, Barrow (Mỹ), Tuktoyaktuk, Cambridge Bay (Canada), Fort Ross, Clyde, Godthab (Greenland) và Reykjavik (Iceland). Theo kế hoạch chuyến bơi sẽ kết thúc vào tháng 11 năm 2010 tại St Petersburg.