(LĐ online) - Nghệ thuật luôn kêu đòi mới lạ. Do đó mà người nghệ sĩ cũng phải thay đổi lề thói tư duy, tự kiếm tìm phương thức biểu đạt không lặp lại những người đi trước, có như vậy nghệ thuật mới tồn tại, phát triển và cần thiết cho đời. Là một thần đồng hội họa, hơn ai hết Picasso ý thức rất rõ “sứ mệnh nghệ thuật” của mình, ông du họa qua nhiều trường phái: Cổ điển, Siêu thực, Linh cảm, Biểu hiện, Ấn tương… và ở đâu Picasso cũng để lại những dấu ấn cá nhân đậm nét. Qua đó phản ánh một cách sinh động những bước tiến của ông trong hành trình nghệ thuật.
Tranh Picasso là đỉnh cao về màu. Hòa sắc của ông đa dạng, biến hóa, tung hoành trong tất cả các gam. Nhưng phải đến năm 1907, với bức tranh Các cô gái ở Avignon, Picasso mới chính thức đưa nền nghệ thuật Tây phương đường hoàng bước vào thế kỷ XX bằng một ngôn ngữ tạo hình mới: Ngôn ngữ Lập thể. Bức tranh hoàn toàn chối bỏ những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật cổ điển hàn lâm kinh viện, chối bỏ cả cái nhìn thấu thị. Picasso đã nhào nặn các hình thể, mảng màu thành những khối và mặt phẳng hình học méo mó, góc cạnh, đầy biểu cảm. Các chuyển động được đan cài vào nhau, ở đó ta thấy sự tổng hòa giữa không gian và hình thể, nhiều điểm nhìn đồng thời trong một bức họa.
Ly dị với truyền thống Hy Lạp – La Mã, Phục hưng, đi tìm lại sự tươi mát hoang nhiên cho xúc cảm, sự giản đơn của bản năng ngôn ngữ hình thể, tính vô tư trong kỹ thuật… là một trong những xu hướng của nghệ thuật Tây phương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Picasso cũng nằm trong dòng chảy trào lưu đó. Năm 1900, người con trai của một vị giáo sư hình họa từng gây kinh hoàng cho giới mỹ thuật Barcelona ấy đã từ giã quê hương Tây Ban Nha để đến với kinh thành Paris hoa lệ. Lẽ dĩ nhiên, như bao họa sĩ khác buổi đầu lập thân nơi đất khách quê người, chàng cũng không tránh khỏi cảnh túng thiếu, bần hàn. Nhưng với sức trẻ cộng thêm bản năng của một kẻ sáng tạo thiên bẩm, như sinh ra là để vẽ, và khát vọng tự khẳng định mình bằng con đường nghệ thuật, Picasso đã sáng tạo nên những bức tranh mang phong cách hội họa Biểu hiện, tê tái ảm đạm mà các sử gia nghệ thuật đã gọi đó là “Thời kỳ lam” (1901-1904), nhân vật trung tâm của thời kỳ này là những người lao động khốn khổ, nghèo hèn, những kẻ hành khất, những xẩm già lệch gối xô vai buồn so, những em bé lang thang, và cả những người đàn bà hẩm hiu dưới đáy xã hội…
Chính thức định cư tại Paris vào năm 1905, Picasso đã chuyển dịch từ màu lam sang màu hồng, và cũng theo các sử gia nghệ thuật, thì đó là “Thời kỳ hồng” (1905-1906), nhưng vẫn là những ánh hồng xam xám, héo úa. Tuy có bớt buồn mà vẫn không bớt tư lự, âu lo. Đột nhiên, năm 1907, Picasso bất ngờ “trình làng” một bức tranh ngược hẳn: bức Các cô gái ở Avignon không hồng mà cũng chẳng lam. Đó là kết quả của những lần xông xáo, khám phá vô cùng gian khó mà hứng khởi. Và đời đã không phụ lòng kẻ mê đắm cái mới: Cuộc hạnh ngộ giữa khoa học, kỹ thuật sành sỏi Tây phương với sự sơ khai, nguyên bản, thuần khiết của nghệ thuật điêu khắc Phi châu sơ thủy đã giúp Picasso sáng tạo nên một hiện thực mới, hiện thực được cảm nhận chứ không phải hiện thực được thấy. Sự vật ở đây không còn là khách thể thuần túy, ở đó còn có cả người nhìn, và người nhìn mới đóng vai trò chủ soái. Picasso dẫn vào miền đất lạ: giản hóa tột độ về màu và hình, chỉ giữ lại những đường nét đủ cho người xem cảm đoán mơ hồ hình người, cảnh vật. Trường phái Lập thể ra đời từ đó, cùng lúc nhiều anh tài đã qui tụ về đây làm mưa làm gió như: Georges Braque, Juan Gris, Albert Gleizes, Jean Metzinger, Fernand Léger, Robert Delaunay, Roger de La Fresnaye, Marcel Duchamp… Và tài nghệ của Picasso là đã tạo được cho mình một “tiếng nói” không bị lu mờ đi giữa nhiều “tiếng nói” khác.
Ngôn ngữ hội họa Picasso rất mới, mới một cách bất ngờ và phi truyền thống. Chính cái mới, cái bất ngờ phi truyền thống ấy là một điểm nhấn của nghệ thuật, nó tạo nên sự đa dạng, sống động, tránh được cái khuôn sáo cũ mòn xưa nay. Picasso vĩ đại bởi ông không dẫm lên bước chân của những người đi trước và được mọi người thừa nhận. Từ đó bất kỳ cái gì dính lứu đến Picasso cũng đều trở nên vĩ đại: chiếc áo Picasso mặc, cây cọ Picasso vẽ, cái ghế Picasso ngồi, thậm chí... cả cái giẻ Picasso lau bút cũng trở thành vưu vật. Vì đó là của Picasso, của một họa sĩ thiên tài. Và... cái điều tưởng chừng phi lý ấy lại hết sức hợp lý và có lý trong đời sống sinh hoạt văn hóa thế giới.
Ngược dòng lịch sử ta thấy nhãn thức Lập thể được manh nha từ Paul Cézanne. Thật ra trong dân gian vốn đã có nhãn thức này. Đơn cử ngay ở Việt Nam ta nhãn thức Lập thể cũng đã xuất hiện: Bức Con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ nhìn nghiêng mà vẫn có đủ hai lỗ mũi, chỉ có điều đến Cézanne cái nhìn Lập thể mới định hình khá rõ rệt và có đủ cơ sở lý luận để tạo nên một cuộc cách mạng trong tương lai. Năm 1877, rời bỏ chủ nghĩa Ấn tượng, P.Cézanne thách thức chính không gian của các nhà Ấn tượng, với những gợi ý “đào bới không gian”, qui không gian về những “khối trụ, khối nón, khối cầu”, Cézanne đã gián tiếp dắt dẫn các thế hệ kế cận vào một nhãn thức tạo hình mới mẻ, gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới họa sĩ trẻ. Chính cách đặt lại vấn đề về khối, dáng trong tranh, Cézanne đã góp phần rất lớn vào cảm thức Lập thể mà Picasso là người thụ giáo, kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới.
Với tham vọng nhìn ngắm sự vật đa chiều hơn, hay nói cách khác, với mục tiêu tạo ra thể mới, Picasso đã đưa vào tranh mình các hình dạng khác thường của sự vật. Ông cự tuyệt cách vẽ phối cảnh truyền thống, và trong sáng tạo của mình, cố gắng thể hiện ấn tượng cuộc sống bằng bố cục hình học, tạo điều kiện cho sơ đồ kỷ hà và đường thẳng lên ngôi (trước đây đường cong nhiều). Đối tượng sáng tạo nghệ thuật ở tranh Lập thể không phải là điều đã được nhìn thấy một cách giản đơn bằng con mắt thấu thị ơ hờ, lãnh đạm mà Picasso muốn đi xa hơn, muốn bắt cả một gian đoạn của sự việc, những kết quả của tư duy, thậm chí cả những dòng tâm sự với đời cũng phải dừng lại trong tranh. Vì lẽ đó, hiện thực trong tranh Lập thể đạt được ở tầm cao hơn, sâu sắc hơn và biện chứng hơn. Thông qua hiện thực tranh lập thể, Picasso đã minh chứng khả năng của hội họa phi vật thể.
Không chỉ đơn thuần là một kẻ sáng tạo cuồn cuộn nên những ngôn ngữ mới lạ, để lại một số lượng tác phẩm khổng lồ, mà khi lịch sử cần tranh đấu cho hòa bình, công lý, nghệ thuật Picasso vẫn ngời chói với những tác phẩm để đời như: Thảm sát ở Triều Tiên (1951); Chiến tranh và Hòa bình (1952) và đặc biệt Guernica (1937) mang tầm vóc kinh điển, trở thành kiệt tác nhân loại, hiện đang được lưu trữ tại Viện Bảo tàng hiện đại New York.
Sống là cảm nhận đời sống. Picasso đã cho ta một cách cảm nhận mới. Phong cách biểu hiện nghệ thuật là một thói quen cá tính bảo thủ nặng nề, việc thay đổi là cực khó. Bằng khám phá sáng tạo hội họa không ngưng nghỉ, Picasso đã thay đổi được phong cách, mà chỉ cần thay đổi đã là một cái hay trong nghệ thuật. Không những thế, ông còn tạo ra một nhãn thức mới để miêu tả thế giới sống động như nó phải có, đặng khẳng định một chân lý: sai lầm lớn nhất của nghệ thuật là sự bắt chước. Trường phái Lập thể mà Picasso là thống soái đã chứng minh được chân lý đó. Picasso là một nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn của nhân loại thế kỷ XX. Tầm vóc và tài năng ông vang dội khắp năm châu, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần văn hóa nhân loại suốt thế kỷ XX, và có lẽ, còn đổ bóng dài qua nhiều thế kỷ.
Ly dị với truyền thống Hy Lạp – La Mã, Phục hưng, đi tìm lại sự tươi mát hoang nhiên cho xúc cảm, sự giản đơn của bản năng ngôn ngữ hình thể, tính vô tư trong kỹ thuật… là một trong những xu hướng của nghệ thuật Tây phương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Picasso cũng nằm trong dòng chảy trào lưu đó. Năm 1900, người con trai của một vị giáo sư hình họa từng gây kinh hoàng cho giới mỹ thuật Barcelona ấy đã từ giã quê hương Tây Ban Nha để đến với kinh thành Paris hoa lệ. Lẽ dĩ nhiên, như bao họa sĩ khác buổi đầu lập thân nơi đất khách quê người, chàng cũng không tránh khỏi cảnh túng thiếu, bần hàn. Nhưng với sức trẻ cộng thêm bản năng của một kẻ sáng tạo thiên bẩm, như sinh ra là để vẽ, và khát vọng tự khẳng định mình bằng con đường nghệ thuật, Picasso đã sáng tạo nên những bức tranh mang phong cách hội họa Biểu hiện, tê tái ảm đạm mà các sử gia nghệ thuật đã gọi đó là “Thời kỳ lam” (1901-1904), nhân vật trung tâm của thời kỳ này là những người lao động khốn khổ, nghèo hèn, những kẻ hành khất, những xẩm già lệch gối xô vai buồn so, những em bé lang thang, và cả những người đàn bà hẩm hiu dưới đáy xã hội…
Chính thức định cư tại Paris vào năm 1905, Picasso đã chuyển dịch từ màu lam sang màu hồng, và cũng theo các sử gia nghệ thuật, thì đó là “Thời kỳ hồng” (1905-1906), nhưng vẫn là những ánh hồng xam xám, héo úa. Tuy có bớt buồn mà vẫn không bớt tư lự, âu lo. Đột nhiên, năm 1907, Picasso bất ngờ “trình làng” một bức tranh ngược hẳn: bức Các cô gái ở Avignon không hồng mà cũng chẳng lam. Đó là kết quả của những lần xông xáo, khám phá vô cùng gian khó mà hứng khởi. Và đời đã không phụ lòng kẻ mê đắm cái mới: Cuộc hạnh ngộ giữa khoa học, kỹ thuật sành sỏi Tây phương với sự sơ khai, nguyên bản, thuần khiết của nghệ thuật điêu khắc Phi châu sơ thủy đã giúp Picasso sáng tạo nên một hiện thực mới, hiện thực được cảm nhận chứ không phải hiện thực được thấy. Sự vật ở đây không còn là khách thể thuần túy, ở đó còn có cả người nhìn, và người nhìn mới đóng vai trò chủ soái. Picasso dẫn vào miền đất lạ: giản hóa tột độ về màu và hình, chỉ giữ lại những đường nét đủ cho người xem cảm đoán mơ hồ hình người, cảnh vật. Trường phái Lập thể ra đời từ đó, cùng lúc nhiều anh tài đã qui tụ về đây làm mưa làm gió như: Georges Braque, Juan Gris, Albert Gleizes, Jean Metzinger, Fernand Léger, Robert Delaunay, Roger de La Fresnaye, Marcel Duchamp… Và tài nghệ của Picasso là đã tạo được cho mình một “tiếng nói” không bị lu mờ đi giữa nhiều “tiếng nói” khác.
Các cô gái ở Avignon – Sơn dầu. |
Ngược dòng lịch sử ta thấy nhãn thức Lập thể được manh nha từ Paul Cézanne. Thật ra trong dân gian vốn đã có nhãn thức này. Đơn cử ngay ở Việt Nam ta nhãn thức Lập thể cũng đã xuất hiện: Bức Con lợn trong tranh dân gian Đông Hồ nhìn nghiêng mà vẫn có đủ hai lỗ mũi, chỉ có điều đến Cézanne cái nhìn Lập thể mới định hình khá rõ rệt và có đủ cơ sở lý luận để tạo nên một cuộc cách mạng trong tương lai. Năm 1877, rời bỏ chủ nghĩa Ấn tượng, P.Cézanne thách thức chính không gian của các nhà Ấn tượng, với những gợi ý “đào bới không gian”, qui không gian về những “khối trụ, khối nón, khối cầu”, Cézanne đã gián tiếp dắt dẫn các thế hệ kế cận vào một nhãn thức tạo hình mới mẻ, gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới họa sĩ trẻ. Chính cách đặt lại vấn đề về khối, dáng trong tranh, Cézanne đã góp phần rất lớn vào cảm thức Lập thể mà Picasso là người thụ giáo, kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới.
Xẩm già choi guitar – Sơn dầu. |
Không chỉ đơn thuần là một kẻ sáng tạo cuồn cuộn nên những ngôn ngữ mới lạ, để lại một số lượng tác phẩm khổng lồ, mà khi lịch sử cần tranh đấu cho hòa bình, công lý, nghệ thuật Picasso vẫn ngời chói với những tác phẩm để đời như: Thảm sát ở Triều Tiên (1951); Chiến tranh và Hòa bình (1952) và đặc biệt Guernica (1937) mang tầm vóc kinh điển, trở thành kiệt tác nhân loại, hiện đang được lưu trữ tại Viện Bảo tàng hiện đại New York.
Sống là cảm nhận đời sống. Picasso đã cho ta một cách cảm nhận mới. Phong cách biểu hiện nghệ thuật là một thói quen cá tính bảo thủ nặng nề, việc thay đổi là cực khó. Bằng khám phá sáng tạo hội họa không ngưng nghỉ, Picasso đã thay đổi được phong cách, mà chỉ cần thay đổi đã là một cái hay trong nghệ thuật. Không những thế, ông còn tạo ra một nhãn thức mới để miêu tả thế giới sống động như nó phải có, đặng khẳng định một chân lý: sai lầm lớn nhất của nghệ thuật là sự bắt chước. Trường phái Lập thể mà Picasso là thống soái đã chứng minh được chân lý đó. Picasso là một nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn của nhân loại thế kỷ XX. Tầm vóc và tài năng ông vang dội khắp năm châu, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần văn hóa nhân loại suốt thế kỷ XX, và có lẽ, còn đổ bóng dài qua nhiều thế kỷ.
Trịnh Chu