Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Thọ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã xây dựng và triển khai Quy chế phối hợp thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Qua đó, công tác phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả có bước chuyển biến tích cực, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại đã hạn chế, không có các vụ việc vi phạm nghiêm trọng xảy ra.
Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và xử lý 761 vụ, giảm 112 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 15,5 tỷ đồng.
Cũng theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Thọ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp một số khó khăn trong quản lý hoạt động mua bán hàng trực tuyến; công tác kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thời gian kiểm tra mẫu còn mất nhiều thời gian, chi phí lớn... ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa tốt; đôi khi còn có hành vi cố tình chống đối hoặc cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế, từ đó, đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng phạm tội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nhận định, trong thời gian tới tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, nhất là công tác quản lý chất lượng hàng hóa, vấn đề trốn thuế, gian lận trong hoạt động thương mại điện tử cần phải có giải pháp khắc phục.
Vì vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 đề nghị các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ động triển khai hiệu quả nhiệm vụ được phân công, tăng cường công tác đánh giá, dự báo về biến động giá cả thị trường, đảm bảo duy trì thị trường hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng tiêu chuẩn chất lượng, nhất là các sản phẩm OCOP; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, thực hiện ký cam kết trong công tác phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường với các cơ quan liên quan. Quan tâm thường xuyên tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, lực lượng chức năng đảm bảo để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.