Công trình được xây dựng trên diện tích gần 24.000 m2 trong khu Công nghiệp Sao Mai - Vàm Cống. Nhà máy có công suất 120 tấn nguyên liệu/ngày, sản lượng cá Fillet đông lạnh dự kiến khoảng 20.000 tấn/năm.
Nhà máy được lắp đặt dây chuyền thiết bị sản xuất hoàn toàn nhập khẩu từ Châu Âu, có quy trình nạp liệu tự động, hệ thống cấp đông hiện đại. Dự kiến thời gian xây dựng từ 12 - 14 tháng. Sau khi hoàn thành, Nhà máy chế biến thủy sản Hoa Kỳ sẽ góp phần nâng tổng công suất chế biến của IDI hơn 500 tấn nguyên liệu/ngày.
Ông Lê Văn Cảnh – Tổng Giám đốc IDI phát biểu khai mạc. |
Ông Lê Văn Cảnh – Tổng Giám đốc IDI cho biết, việc IDI sử dụng “nguồn tài chính xanh” để xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Hoa Kỳ đã cho thấy sức bật mạnh mẽ của doanh nghiệp chế biến thủy sản hàng đầu Việt Nam quyết tâm trở thành người tiên phong thực hiện “Hành trình xanh - Giá trị xanh”. Lợi thế về thị trường xuất khẩu thủy sản vào Mỹ đang rộng cửa cho doanh nghiệp này từ chính sách thuế suất ưu đãi.
Trước đó, vào tháng 7/2024, Cty IDI đã thành công trong Ký kết đối tác chiến lược phát triển thị trường Mỹ và Nam Mỹ với Công ty PATAGONIA CUISINE LLC - ATLANTA, bang GEORGIA.
Lãnh đạo và đại biểu thực hiện nghi thức khởi công |
Ở góc độ địa phương, bà Trương Thị Diệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, huyện rất vui mừng khi công ty đồng hành để đầu tư, biến khu vực vườn tạp và ruộng lúa năng suất thấp thành một điểm sáng về kêu gọi và thu hút đầu tư.
“Với chiến lược đầu tư vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, đầu tư vào chiều sâu theo chuỗi sản phẩm khép kín con cá tra, Công ty IDI sẽ tạo được lợi thế doanh nghiệp và là nền tảng để công ty khẳng định vị thế và giá trị doanh nghiệp trong ngành thủy sản Việt Nam và thế giới”, bà Diệp tin tưởng.
Bà Trương Thị Diệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò phát biểu tại Lễ khởi công. |
Để dự án được triển khai đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò đề nghị, đơn vị cần quản lý chặt về chất lượng và tiến độ công trình, đặc biệt là tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần tăng cường giám sát, phối hợp với các đơn vị thực hiện để công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả cao nhất.
Máy móc được vận hành chuẩn bị thi công dự án |
Hiện, Đồng Tháp có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản có tổng công suất thiết kế trên 500.000 tấn/năm, chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu với tỷ trọng kim ngạch chiếm khoảng gần 40% của cả nước. Các doanh nghiệp đã thu hút hơn 25.000 lao động. Trong đó Cty IDI là doanh nghiệp lớn, đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra của tỉnh nhà.