Gây ô nhiễm môi trường
Theo tìm hiểu được biết, một năm có 2-3 lần theo từng đợt việc vận chuyển, tập kết lưu huỳnh từ cảng biển Quảng Ninh rồi dùng tàu tự vận hành khoảng 400-500 khối/tàu chở lên cảng Tây Bắc, cảng Việt Trì, cảng An Đạo... nhập hàng lưu huỳnh rồi cẩu lên các bãi tập kết không che đậy, thuê ô tô chở đến Công ty CP Supe Phốt Phát và Hóa Chất Lâm Thao, xe ô tô chở lên tỉnh Lào Cai tiêu thụ. Riêng Cảng Việt Trì, năm 2016, theo kế hoạch thì đợt vận chuyển lưu huỳnh này, kéo dài từ ngày 26/12/2015 đến 12/01/2016, với khối lượng khoảng 12 nghìn tấn.
Lưu huỳnh được vận chuyển cảng Tây Bắc - Ảnh: Xuân Hồng |
Chứng kiến việc ô tô chở quá khổ, quá tải trở lưu huỳnh rơi vãi, bà Nguyễn Thị Đào, phố Hồng Hà, phường Bến Gót bức xúc chia sẻ: “ Nhiều khi chứng kiến cảnh rơi vãi của ô tô chở lưu huỳnh quá khổ, chúng tôi còn phải quét thu lại không gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người khi ra đường hoặc nhà dân không có cửa kính bị hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, khó thở, khô cổ rất khó chịu”.
Cùng với bức xúc, ông Nguyễn Văn Quý, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì cho biết: “Khi các loại phương tiện chạy qua, bụi cuốn lên mù mịt, bay phát tán vào người đi đường, nhà dân. người dân rất bức xúc việc vận chuyển lưu huỳnh rơi vãi dày đặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên đã phản đối gay gắt...”
Người dân thấy lưu huỳnh rơi vãi ra đường thu gom lại - Ảnh: Xuân Hồng |
Có mặt hiện trường tại cảng Việt Trì, cảng Tây Bắc, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận được việc tập kết, lưu bãi lưu huỳnh cảng chất thành đống to, trải rộng, cao “ngút trời”. Đặc biệt, kho chứa không hề có mái che chắn, không có tường xây bao quanh, không thấy các phương tiện thiết bị về PCCC… Ô tô chở lưu huỳnh từ cảng đi ra làm vương vãi dày đặc trên đường. Tuy nhiên, mọi hoạt động bốc xếp, vận chuyển đều không gặp phải sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng(!?).
Bao che hay buông lỏng quản lý?
Do lưu huỳnh là loại hóa chất dễ cháy, việc tập kết, vận chuyển lưu huỳnh không đáp ứng đầy đủ những quy định pháp luật sẽ dễ gây cháy nổ, rất nguy hiểm...
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, Đại tá Nguyễn Tiến Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh Phú Thọ) cho biết, liên quan việc tập kết vận chuyển kinh doanh lưu huỳnh tại Phú Thọ thì chỉ có duy nhất cảng Việt Trì làm phương án và có biên bản kiểm tra đáp ứng đầy đủ yêu cầu cơ sở được phòng lập, còn lại là không có. Chúng tôi đã cho kiểm tra cảng An Đạo, phát hiện chưa được cấp phép đã thực hiện vận chuyển, cảng Tây Bắc, chúng tôi chưa nắm được thông tin, nếu có sẽ cho kiểm tra lại, vi phạm sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu ông Hưng cung cấp những tài liệu liên quan về việc cấp phép cho cảng Việt Trì và biên bản kiểm tra các đơn vị về vận chuyển lưu huỳnh thì ông Hưng nói là Phòng không có lưu giữ lại, không cung cấp được cho PV.
Trái ngược với ý kiến của ông Hưng, ông Đỗ Quang Tĩnh, Trưởng phòng Kinh doanh, Cảng Việt Trì cho biết: “Cảng Việt Trì thực hiện việc vận chuyển kinh doanh lưu huỳnh từ nhiều năm nay. Việc thực hiện lưu bãi cũng như chấp hành quy định về cơ sở hạ tầng để tập kết lưu huỳnh là chưa tốt. Lưu huỳnh để ngoài trời không che chắn, không có tường bao quanh, chất cao, để lưu bãi lâu ngày so với quy định… Việc này cũng ảnh hưởng đến môi trường, cảng sẽ cố gắng khắc phục”.
Tương tự, ông Đỗ Đức Diện, Phó GĐ công ty phụ trách sản xuất cảng Tây Bắc cho biết: Cảng Tây Bắc hoạt động vận chuyển lưu huỳnh theo kế hoạch của Cảng. Khi PV đề nghị cung cấp tài liệu thủ tục cấp phép nhập hàng lưu huỳnh và vận chuyển lưu huỳnh thì ông Diện không cung cấp được.
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cho biết: “Hiện nay, việc vận chuyển tập kết lưu huỳnh tại cảng Việt Trì đã phát hiện những sai phạm và chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên, UBND tỉnh và Công an tỉnh đang vào cuộc làm rõ, xử lý những sai phạm nếu có(!?)”.
Theo chuyên gia về hóa học cho biết, lưu huỳnh là chất hóa học độc hại, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, lưu huỳnh rất dễ cháy, do đó nếu cơ sở tập kết kinh doanh cần có đầy đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng quy chuẩn về PCCC, về giấy phép hoạt động… các xe chở phải là chuyên dụng, trang bị tập huấn đầy đủ về vấn đề an toàn, vận chuyển thì mới được cấp phép.
Việc chuyên chở, tập kết khối lượng “khổng lồ” lưu huỳnh tại tỉnh Phú Thọ đang diễn ra thường xuyên, liên tục mà không hề được cấp phép(?), không đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật, gây những bức xúc trong nhân dân, dư luận. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ vào cuộc kiểm tra, xử lý.