Đồ chơi truyền thống: Nỗ lực để tìm lại thị trường
Nếu như những năm trước, đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc lên ngôi thì năm nay, dễ dàng nhận thấy các mặt hàng đồ chơi truyền thống trong nước đang cạnh tranh quyết liệt để giành lại khách hàng. Trên các tuyến phố Quang Trung, Cầu Đất, Tô Hiệu… đồ chơi truyền thống được bày bán tại khá nhiều cửa hàng với kích thước và mẫu mã đa dạng. Tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Trung Hành (phường Đằng Lâm, quận Hải An), người tiêu dùng đều có thể tìm thấy các loại đồ chơi truyền thống như đầu sư tử, đèn ông sao, trống ếch, mặt nạ chú Tễu…
Một quầy bán đầu kỳ lân trên phố Cầu Đất. Ảnh: Trường Giang |
Chị Nguyễn Thị Duyên, chủ một cửa hàng bán đồ chơi trên phố Quang Trung cho biết, chỉ tính riêng mặt hàng đầu sư tử bây giờ có khá nhiều chủng loại, mẫu mã. Bên cạnh loại đầu sư tử dán giấy đơn giản có từ mùa Trung thu trước, năm nay có loại đầu sư tử phát tiếng kêu khi múa (nhập về từ Đà Nẵng). Loại đầu sư tử sản xuất tại Huế, TP Hồ Chí Minh cầu kỳ hơn với mắt sáng nhấp nháy, trang trí đẹp, cỡ to dùng cho các đội múa kỳ lân chuyên nghiệp. Ngoài ra, còn có trống ếch, mặt nạ chú Tễu làm bằng bìa cứng, đèn ông sao...
Tuy nhiên, trong số các khách hàng hỏi mua đồ chơi truyền thống, chưa hẳn đã nhiều người chọn được món đồ ưng ý. Chị Phạm Thị Hồng Nhung, một khách mua hàng tại cửa hàng đồ chơi trên phố Quang Trung cho biết, dịp Tết Trung thu, dù muốn chọn cho con đồ chơi truyền thống để nhắc con nhớ về bản sắc văn hóa của dân tộc nhưng cuối cùng chị lại mua đèn lồng Trung Quốc. Nguyên do vì, đồ chơi Việt Nam sản xuất nếu rẻ tiền thì xấu, nếu trông đẹp một chút thì giá lại quá cao. “Chơi Trung thu cũng chỉ 1, 2 ngày mà bỏ ra cả trăm nghìn đồng thì thật lãng phí. Thôi thì cứ hàng Trung Quốc, rẻ, đẹp mà lại chơi được lâu hơn”. Vậy là, dù không giữ vị trí độc tôn nhưng các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Thờ ơ với quy định chứng nhận hợp chuẩn
Từ nhiều ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về quy định của Bộ Khoa học - Công nghệ yêu cầu dán tem kiểm định chất lượng (CR) đối với các sản phẩm đồ chơi trẻ em. Theo đó,
Loại đầu sư tử dán giấy đơn giản giá từ 30.000 - 70.000 đồng/chiếc. Loại đầu sư tử có thể phát tiếng kêu khi múa (nhập về từ Đà Nẵng) có giá từ 60.000 – 80.000 đồng/chiếc. Loại đầu sư tử sản xuất tại TP Hồ Chí Minh, Huế trang trí đẹp, giá từ 200.000 – 320.000 đồng/chiếc. Những chiếc đầu sư tử loại to, dùng cho các đội múa kỳ lân chuyên nghiệp giá dao động từ 550.000 – 900.000 đồng/chiếc. Các loại trống ếch với giá cả dao động từ 15.000 - 70.000 đồng/ chiếc (tùy trống to hay nhỏ), mặt nạ hình chú Tễu làm bằng bìa cứng giá từ 35.000 - 40.000 đồng/chiếc, đèn ông sao giá từ 5.000 - 20.000 đồng/chiếc. Các loại đèn lồng Trung Quốc giá 50.000 – 60.000 đồng/chiếc, mặt nạ nhựa 10.000 đồng/ chiếc. |
từ ngày 15-9-2010, bất cứ đồ chơi trẻ em nào lưu hành trên thị trường đều buộc phải dán tem CR, nếu không sẽ bị tịch thu và xử phạt. Đã qua thời điểm 15-9 nhưng quy định này vẫn xa lạ với cả người bán và người mua đồ chơi. Cửa hàng sách và đồ chơi gần Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố là một trong những địa chỉ đã thực hiện việc dán tem nhưng vẫn có những sản phẩm tại đây không có tem CR. Nhiều sản phẩm dán tem nhưng do dán ngay bên ngoài bao bì, túi ni-lông tem rơi lúc nào cũng không biết. Thậm chí, tại cửa hàng đồ chơi đầu phố Quang Trung, cùng là ô tô đồ chơi Trung Quốc nhưng có chiếc dán tem, có chiếc không. Nhân viên bán hàng cho biết, “dán tem hay không còn tùy thuộc vào đơn vị nhập khẩu và xuất xứ hàng. Chiếc ô tô có dán tem là hàng Thượng Hải còn chiếc kia là hàng Quảng Châu”. tại các cửa hàng đồ chơi mùa vụ nhân dịp Trung thu, thật khó để tìm thấy một sản phẩm đồ chơi dán tem CR.
Chị Bùi Thị Kim Nhung, chủ cửa hàng đồ chơi trên đường Trung Hành cho biết, người mua chẳng mấy ai hỏi đến tem, cứ dẫn con, cháu ra đấy, tụi nó thích món đồ chơi nào thì mua. Thấy tôi hỏi về tem CR trên sản phẩm đồ chơi, một bác mua hàng đứng ngay đó quay sang: “Tem hay không cũng thế. Có ai đi kiểm tra được từng thứ đâu, dán tem cũng chỉ là hình thức thôi. Mình mua hàng, kiểm tra cẩn thận, thấy không vấn đề gì là được”. Chính thái độ và nhận thức thờ ơ của những người bán và người mua đồ chơi khiến quy định có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có cũng được mà không có cũng… chẳng sao. Và trẻ em Hải Phòng có được chơi những đồ chơi an toàn hay không vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào các bậc phụ huynh khi chọn mua quà cho con em mình dịp Trung thu về.
Hồng Châm