Dùng “chiêu trò” móc túi BHYT
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số dịch vụ như khám bệnh, siêu âm, nội soi tai – mũi - họng, điều trị răng... mà PK PN cung cấp cho người bệnh có BHYT không đảm bảo chất lượng do không tuân thủ quy trình và thời gian thực hiện. PKPN chỉ định sử dụng một số loại thuốc bổ, thuốc hỗ trợ điều trị với giá trị cao đối với một số bệnh nhân; thực hiện KCB giáp ranh không đúng thỏa thuận giữa BHXH tỉnh - Sở Y tế tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu…
Cũng theo văn bản này, BHXH tỉnh Cà Mau sẽ từ chối thanh toán chi phí KCB BHYT quý I/2016 của PKPN với tổng số tiền 35,592 tỉ đồng. Cụ thể, gồm KCB giáp ranh không đúng quy định với chi phí 9,5 tỉ đồng; cung ứng dịch vụ quá mức quy định, không đảm bảo chất lượng với số tiền 22,3 tỉ đồng (trong đó tiền khám hơn 1,11 tỉ đồng, siêu âm hơn 13,3 tỉ đồng, nội soi tai-mũi-họng hơn 6 tỉ đồng, điều trị răng 2,16 tỉ đồng); thực hiện các xét nghiệm lâm sàng gần nhau, thuốc trùng 779 triệu đồng; sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị không cần thiết với số tiền gần 2,98 tỉ đồng...
Trước đó, trong buổi hợp báo của BHXH Việt Nam, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2016, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT ở nhiều địa phương có xu hướng gia tăng sau khi Bộ Y tế triển khai chính sách mới về thông tuyến khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc và áp dụng chính sách viện phí mới. Lãnh đạo BHXH Việt Nam khẳng định, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT ngày càng tinh vi, làm tổn thất quỹ, ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh của người tham gia BHYT.
Qua kiểm tra, cán bộ BHXH đã phát hiện một số cơ sở y tế chỉ định xét nghiệm theo “triệu chứng”, lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật. Cụ thể, một bệnh nhân bị cảm cúm với các triệu chứng đau đầu, ngạt mũi, nhức xương nhưng có thể được chỉ định đi chụp CT (vì đau đầu), nội soi tai mũi họng (vì ngạt mũi) hoặc chụp X-quang (vì nhức xương)…
Móc túi tinh vi
Được biết, chỉ trong quý I và hai tháng đầu của quý II/2016, số lượt khám chữa bệnh BHYT cũng như chi phí BHYT tại PK PN tăng đột biến. Bên cạnh lý do thực hiện quy định về thông tuyến khám chũa bệnh, có nguyên nhân từ phía PKPN đó là khuyến khích người bệnh đến KCB bằng cách triển khai chương trình tặng quà khuyến mãi như: Đồ chơi, đường, sữa, bột ngọt... cho bệnh nhân.
Theo tìm hiểu của PLVN, có những người không bị bệnh cũng mang BHYT đến khám cốt yếu là để nhận quà, còn thuốc men thì họ vứt vào sọt rác sau khi ra khỏi PKPN.
Ngoài ra, phòng khám này còn tự tiện “cho phép” người không có BHYT mượn lại của người khác để khám. Trung bình mỗi ngày, ở đây có tới hơn 2.000 lượt người tới khám. Hơn 60 bàn khám của phòng khám hoạt động hết công suất. Có bàn khám, bác sĩ phải làm việc tới 12 giờ/ngày để giải quyết bệnh nhân trong khi các phòng khám tư trên địa bàn, thậm chí cả bệnh viện công cũng vắng hoe. Chỉ trong tháng 1, phòng khám này đã thực hiện trên 37.000 lượt khám bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi; trong đó có hơn 11.000 lượt trẻ đến khám bệnh từ 4-9 lần.
Theo bà Đặng Bé Nam thì hiện tại số lượt người khám bệnh ở Phòng khám Phương Nam đã giảm đáng kể |
Hiện PKPN là đơn vị duy nhất của tỉnh được BHXH Cà Mau phê duyệt danh mục thuốc thanh toán BHYT trong năm 2016, với số tiền lên đến 900 tỉ đồng. Trong khi kết quả đấu thầu thuốc của Sở Y tế Cà Mau cho các đơn vị công lập trong tỉnh Cà Mau trong năm 2016 chỉ 440 tỉ đồng(?!).
Một điều khó hiểu là ngày 8/4/2016, ông Lưu Tri Âm, phó giám đốc BHXH Cà Mau, ký văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong tỉnh, với nội dung: “Cho các bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh Cà Mau được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh nhân ngoài tỉnh (Kiên Giang, Bạc Liêu) cư trú ở các huyện giáp ranh với tỉnh Cà Mau”.
Dù công văn nói rõ là chỉ có bệnh viện công, tuyến huyện mới được thanh toán 100% BHYT cho đối tượng này, nhưng thực tế lượng bệnh nhân ngoài tỉnh đến PKPN khám nhận quà rất lớn và họ cũng được phòng khám này cho thanh toán 100% BHYT.
Để chấn chỉnh tình trạng này, ông Nguyễn Minh Thảo – Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH tỉnh Cà Mau tổ chức giám sát chặt chẽ chi phí KCB BHYT của tất cả cơ sở y tế trên địa bàn theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Rà soát toàn bộ thẻ BHYT đã cấp cho trẻ em dưới sáu tuổi, có các giải pháp để sớm khắc phục tình trạng trẻ em đi KCB không sử dụng thẻ BHYT mà chỉ sử dụng giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh. Tổ chức kiểm điểm về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc kiểm soát chi phí và để xảy ra các sai sót tại PKPN.