Phòng chống thiên tai sẽ có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, phù hợp hơn

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình một số nội dung.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình một số nội dung.
(PLVN) - Tại phiên họp của Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều vừa diễn ra, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tác hại của thiên tai, biến đổi khí hậu tới đời sống của người dân.

Tăng cường các nguồn lực cho phòng, chống thiên tai

Tại phiên họp, các đại biểu (ĐB) đã đóng góp nhiều ý kiến về nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai (PCTT). 

ĐB Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, để công tác PCTT có hiệu quả, chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị, trong đó trước hết phải dựa vào nhân dân là chính; chính quyền cơ sở; thứ ba là thực hiện 4 tại chỗ. Lực lượng xung kích ở cơ sở đóng góp vai trò rất quan trọng và trong việc thực hiện nhiệm vụ PCTT theo phương án 4 tại chỗ.

Vì vậy, ĐB đề nghị chỉnh sửa khoản 2 Điều 6 “dân quân tự vệ, lực lượng xung kích, các tổ chức đoàn thể của địa phương thực hiện nhiệm vụ PCTT của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền” theo hướng cần quy định rõ người chỉ huy lực lượng PCTT. 

“Thực tế như thời gian vừa rồi, một số vụ PCTT việc chỉ huy thống nhất là hết sức quan trọng. Chúng ta tổ chức một lực lượng rất đông nhưng không có người chỉ huy thống nhất thì hiệu quả rất thấp, thậm chí có thế gây cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ”, ĐB nói.

Liên quan đến quy định về huy động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, theo ĐB, cán bộ địa phương, cơ sở lúc thiên tai xảy ra rất vất vả vì ứng phó với thiên tai; thiên tai xảy ra xong rồi lại vô cùng vất vả với việc tiếp nhận, phân bổ các nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, của các tổ chức đến cứu trợ. Vì vậy, ĐB đề nghị quy định rõ trong luật cơ quan nào là chủ trì, cơ quan nào là phối hợp trong vấn đề này.

Hiện nay, có nơi thì Hội Chữ thập đỏ, có nơi thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, có nơi thì các đoàn thể tham gia cứu trợ dẫn đến hiện tượng người thì được nhận rất nhiều, nhưng có những trường hợp lại không có. Có những địa phương sau khi nhận xong vì thấy có sự không công bằng, dẫn đến người ta phải thu lại để chia ra cho công bằng nên khó khăn.

Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu tại phiên họp.
 Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu tại phiên họp.

ĐB Bùi Thanh Tùng (đoàn TP Hải Phòng) tán thành với việc Dự thảo Luật xác định lực lượng xung kích PCTT cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương hoạt động kiêm nhiệm là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ PCTT. Luật PCTT hiện hành quy định “lực lượng dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ PCTT theo phương án PCTT của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền”.

Trong khi đó, thực tế công tác PCTT ở các địa phương, nhất là các địa bàn xã ven biển, hải đảo hay vùng cao cho thấy: mỗi khi có bão, lũ, sạt lở đất hay cháy rừng ngay từ giai đoạn đầu của thiên tai, trong khi chờ chi viện từ các lực lượng chuyên ngành ở cấp trên tới hỗ trợ thì cấp ủy và chính quyền cấp xã phải huy động đội ngũ dân quân tự vệ cùng một lực lượng tại chỗ lớn hơn từ các tổ chức đoàn thể mới đủ sức để triển khai các hoạt động ứng phó… một cách nhanh nhất. 

“Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ đã có 8.000/11.000 xã, chiếm khoảng 75% số xã có mô hình lực lượng xung kích PCTT cấp xã như nêu ở trên và hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, việc nâng cấp các quy định ở các văn bản của Chính phủ lên thành luật sẽ tạo điều kiện pháp lý tốt hơn cho việc tổ chức huy động nguồn nhân lực cho công tác PCTT ở cấp cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ, đồng thời cũng thể chế hóa những yêu cầu của Chỉ thị số 42 ngày 20/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai” – ĐB Tùng nói.  

ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị cần giao trách nhiệm cho các tổ chức, đặc biệt là các lực lượng tại chỗ, nhất là dân quân tự vệ, các tổ chức khác như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, các doanh nghiệp, trường học… trên địa bàn trong quy định về nguồn lực cho PCTT để có thể ứng cứu kịp thời, hiệu quả các tình huống do thiên tai gây ra.

ĐB cũng đề nghị, trong số các lực lượng này, cần phải có lực lượng chủ trì để xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng tham gia. ĐB đề nghị quy định rõ trong luật giao cho dân quân tự vệ chủ trì lực lượng này. 

ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhận định quy định về nguồn nhân lực cho hoạt động PCTT trong Dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở nguồn nhân lực trong nước. Trong khi đó, việc PCTT trong nhiều trường hợp cụ thể đã vượt ra ngoài biên giới, lãnh thổ của quốc gia hoặc trong những trường hợp do thảm họa về thiên tai, cần có sự giúp sức, hỗ trợ, hợp tác quốc tế. Do đó, ĐB đề nghị bổ sung nhóm về nguồn lực của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế.

Cháy rừng do tự nhiên là loại hình thiên tai đặc thù

Tán thành quy định bổ sung cháy rừng là một loại hình thiên tai, ĐB Bùi Thanh Tùng (đoàn TP Hải Phòng) nhận định, cháy rừng có rất nhiều nguyên nhân và không ít vụ hoàn toàn do yếu tố tác động của thiên nhiên. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu như hiện nay thì nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao, rất khó kiểm soát, phòng ngừa.

Đặc biệt, một số vùng có yếu tố đặc thù về địa chất, nơi có các nguồn khí mê tan tự nhiên trong lòng đất, hoặc những nơi có các mỏ kim loại hay những vùng rừng núi đá vôi khi cường độ và tần suất sét dày hơn trong điều kiện cực đoan cũng có thể gây cháy rừng tự nhiên.  

ĐB Tùng cho hay, trong trường hợp những vụ cháy rừng nghiêm trọng, nếu chỉ sử dụng lực lượng kiểm lâm và lực lượng phòng cháy, chữa cháy sẽ không đủ sức để khống chế. Trường hợp này, chính quyền địa phương phải huy động một lực lượng lớn để ứng phó với những cơ chế huy động nguồn lực, bộ máy chỉ đạo, chỉ huy của Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn. Vì vậy, cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng dù do nguyên nhân tự nhiên hay sự cố khác cũng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù. 

ĐB Giàng Thị Bình (đoàn Lào Cai) đánh giá cao các quy định được bổ sung trong Dự thảo Luật này như: Cháy rừng do tác động của nắng nóng kéo dài, hạn hán khi ở mức cảnh báo nguy hiểm cấp 4, đặc biệt nguy hiểm cấp 5 để được sử dụng hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT.

Quy định như vậy là hiệu quả, phù hợp, nhất là đối với các tỉnh miền núi có diện tích rừng, mật độ che phủ rừng lớn. Cùng với đó, ĐB đề nghị bổ sung loại hình băng giá vào “hiện tượng thiên tai có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, giao thông vận tải và sức khỏe con người”.

ĐB Trần Văn Huynh (đoàn Kiên Giang) nhận định, quy định về quỹ PCTT mặc dù đã bổ sung nhưng chưa đủ chặt chẽ. Thực tế cho thấy, việc thu, sử dụng quỹ còn mang tính cục bộ, phiến diện và chưa có cơ chế nào để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Điều này thể hiện thông qua việc chưa có chế tài nào áp dụng bắt buộc phải thu quỹ, khiến tình trạng các doanh nghiệp nhìn nhau mà thu hay thậm chí có những doanh nghiệp không thu quỹ nhưng cũng không bị xử lý, từ đó gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp bị thu tiền và không thu tiền.

Việc sử dụng quỹ cũng không khả thi, mức độ hiệu quả chưa cao, khiến doanh nghiệp và người dân hoài nghi và đặt câu hỏi về số tiền này. Dự thảo dù đã bổ sung các nguyên tắc sử dụng quỹ nhưng cũng chưa làm rõ cơ chế quản lý và hình thức xử lý đối với các trường hợp sử dụng quỹ không đúng với các nguyên tắc và mục tiêu đã đề ra; một số nội dung còn chung chung thiếu định hướng, dễ dẫn đến chồng chéo trong việc áp dụng.

Vì vậy, ĐB đề nghị cần làm rõ nguồn thu và cơ chế sử dụng quỹ PCTT ở Trung ương để tránh trùng lặp với các nguồn tài trợ hỗ trợ quốc tế quy định trong Luật Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó đó, vấn đề điều chuyển giữa quỹ Trung ương và địa phương cũng cần phải được minh bạch bằng việc bổ sung 2 cơ chế điều chuyển là định kỳ và đột xuất để đảm bảo phù hợp, tránh việc mang tính cảm tính.

Giải trình cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam được xếp vào 5 nước dễ bị tổn thương lớn nhất trước tác động biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Do đó, chúng ta luôn luôn có những chủ trương, chính sách tùy từng giai đoạn cho kịp thời. Việc Quốc hội cho phép sửa một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp hơn để thích ứng trước tình hình mới.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị để phối  hợp với cơ quan thẩm tra và cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện Dự án Luật một cách tốt nhất trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Hình thành thiết chế luật sư công tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(PLVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.