Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2014 toàn ngành đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế. Từ đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, 1.682,6ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng, 1.355,9ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.280,5 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc.
Toàn ngành đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.357 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 1.160/1.670 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 69,5%), 1.479/1.504,8ha đất (đạt tỷ lệ 98,3%).
Chất lượng một số kết luận thanh tra chưa cao
Bên lề hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định: “Kết quả xử lý sau thanh tra (thu hồi tiền và tài sản sau thanh tra) có nhiều cố gắng, tiến bộ so với trước đây, đặc biệt là xử lý về đất đai. Nhưng con số này chưa đánh giá đúng thực chất và chưa thỏa mãn vì mục tiêu của ngành Thanh tra là xử lý sau thanh tra phải đạt 80-90% thì mới mang hiệu quả cao cho hoạt động của thanh tra”.
Theo Tổng Thanh tra, nguyên nhân khiến việc thực hiện kết luận sau thanh tra chưa đạt yêu cầu là do chế tài xử lý sau thanh tra chưa đủ mạnh, một số kết luận thanh tra đạt chất lượng chưa cao và ý thức chấp hành kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra chưa cao, thường viện nhiều lý do để không thực hiện…
Một buổi tiếp dân của Tổng Thanh tra Chính phủ |
Để khắc phục tình trạng này, tới đây ngành Thanh tra sẽ tập trung tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng trong các kết luận thanh tra đảm bảo đúng qui định của pháp luật và tính khả thi; nâng cao trách nhiệm, ý thức của đối tượng thanh tra để việc thực hiện kết luận thanh tra mang lại hiệu quả, đảm bảo kỷ cương.
Phòng, chống tham nhũng ngay trong cơ quan thanh tra
Để tiếp tục phát huy vai trò của hoạt động thanh tra phục vụ cho sự ổn định và phát triển của đất nước, trong năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt các kế hoạch thanh tra để phòng tránh các sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách để xử lý kịp thời. Đồng thời dành thời gian tiếp, đối thoại, giải quyết kịp thời và thực chất các khiếu kiện của người dân, không để xuất hiện điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, nhất là ở TP.HCM, Hà Nội, một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên…
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 93 vụ, 108 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Trong đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra đã phát hiện 63 vụ, 77 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 15,5 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 13,8 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 27 vụ, 25 đối tượng.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 30 vụ, 31 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước đã phát hiện 41 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đồng bộ thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý nghiêm, kiên quyết các hành vi tham nhũng để “không có vùng cấm trong phòng, chống tham nhũng”.
Phó Thủ tướng lưu ý: “Đây là công việc khó khăn nên phải bền bỉ, kiên trì, quan tâm đến xử lý sau thanh tra, trách nhiệm người đứng đầu”. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ cần có những chương trình, kế hoạch cụ thể để phòng, chống tham nhũng ngay trong cơ quan thanh tra, chống nhũng nhiễu, gây khó của các đối tượng thanh tra, ngăn chặn lọt thông tin trong quá trình thanh tra…
Theo Phó Thủ tướng: “Muốn làm tốt những nhiệm vụ trên thì phải tăng cường củng cố đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ, quan tâm đúng mức đến xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra. Phải tạo điều kiện để đội ngũ thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của Chánh Thanh tra trong hoạt động thanh tra ngành, địa phương…”.