Ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (TƯ), Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: “Phải gắn trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính với công tác tiếp công dân (TCD) và giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) để giải quyết những bức xúc từ cơ sở, hạn chế KNTC kéo dài, vượt cấp”.
Bộ trưởng tiếp dân để “Chính phủ gần dân”
- PV: Luật TCD được ban hành với kỳ vọng đem lại những thay đổi cơ bản về chất cho công tác quan trọng này. Vậy, sau nửa năm được thi hành, theo ông, Luật đã đem lại những thay đổi nào cho công tác TCD?
- Ông Nguyễn Hồng Điệp: Trước hết phải khẳng định rằng, TCD và KNTC là công tác được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Năm 2014, với việc Bộ Chính trị có Chỉ thị 35 và Quốc hội ban hành Luật TCD, chất lượng công tác TCD đã được nâng cao. Luật TCD là một trong những đạo luật được “đón nhận và đi vào cuộc sống nhanh nhất”, được người dân quan tâm và giám sát.
Cụ thể là những qui định gắn trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là thủ trưởng các cơ quan Nhà nước thực hiện công tác TCD và giải quyết KNTC theo qui định như trước đây.Tuy nhiên phải có sự tăng cường hơn với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị (cả cấp ủy và mặt trận tổ quốc các cấp) và ngày TCD phải được công bố công khai.
Có thể nói chính vì việc vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà năm 2014 công tác TCD và giải quyết KNTC đã đi vào nền nếp. Và việc các Bộ trưởng trực tiếp TCD trong năm qua định kỳ theo luật đã đem lại cho người dân cảm giác gần gũi với Chính phủ, thấy được Chính phủ gần dân, tôn trọng, lắng nghe dân. Nhiều vụ việc được giải quyết từ những cuộc TCD này đã giảm tải được nhiều bức xúc, việc đông dân khiếu kiện lên TƯ.
Chuyển biến tích cực mà Luật mang lại là qui định sự kết nối thống nhất giữa TƯ với địa phương, giữa các cơ quan giải quyết KNTC của địa phương với nhau, giữa tỉnh với huyện, huyện với xã trong công tác TCD. Từ đó góp phần hạn chế rất nhiều tình trạng các cơ quan giải quyết KNTC ngược nhau, chuyển đơn lòng vòng làm người dân mất lòng tin, dẫn đến KNTC kéo dài.
Bên cạnh đó, theo tôi, thay đổi về chất từ những qui định của Luật TCD là gắn công tác TCD với công tác giải quyết KNTC thông qua đối thoại với người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân.Vì người dân không chỉ đến KNTC mà còn để kiến nghị, phản ánh với cơ quan nhà nước. Cũng từ đó, “tiếng dân” đến được các nhà hoạch định chính sách, xây dựng chủ trương, pháp luật.
Quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính và cấp ủy trong công tác TCD đã được nêu rất rõ trong Chỉ thị 35 và Luật TCD còn góp phần đưa chất lượng giải quyết KNTC được nâng lên. Bởi thủ trưởng các cơ quan hành chính trước khi ban hành quyết định giải quyết KNTC cũng phải xem xét kỹ càng, không thể ký “vô trách nhiệm”.
Như vậy, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính với công tác TCD và giải quyết KNTC là giải pháp để giải quyết những bức xúc từ cơ sở, hạn chế KNTC kéo dài, vượt cấp. Điều đáng nói là qua đó, hiệu quả công tác TCD và giải quyết KNTC cũng còn là “kênh” đánh giá năng lực cán bộ.
- PV: Nếu các Bộ trưởng TCD tại Ban TCD TƯ hoặc trụ sở Bộ, ngành như vậy thì chắc chắn người dân vẫn phải “kéo” về Thủ đô. Có cách nào để dung hòa được vấn đề này, thưa ông?
- Ông Nguyễn Hồng Điệp: Quả đúng là như vậy. Mỗi kỳ TCD của Tổng Thanh tra Chính phủ, người dân đến Ban TCD TƯ rất đông, vừa gây mất trật tự, vừa khó khăn, vất vả cho người dân và cũng gây sức ép cho Ban TCD TƯ cũng như Tổng Thanh tra. Vì thế, Ban TCD TƯ đã đề xuất phương án để các Bộ trưởng TCD tại địa phương cùng chính quyền tỉnh, các cơ quan chuyên môn của địa phương và đã được Thủ tướng đồng ý.
Khi TCD tại địa phương, các Bộ trưởng ngoài giải quyết KNTC còn có nhiều thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để báo cáo Chính phủ, lắng nghe và kết nối với chính quyền địa phương. Những cuộc TCD của Tổng Thanh tra Chính phủ tại địa phương thời gian qua đã minh chứng đây là cách làm hiệu quả, địa phương và người dân phấn khởi.
Nhưng rất nhiều vụ việc KNTC, các Bộ trưởng không thể đi giải quyết được hết nên phải chọn các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh đông người tại địa phương, nhiều lần KNTC, thậm chí có khả năng tạo thành “điểm nóng” để ưu tiên giải quyết tại địa phương.
Tuyên truyền tốt mới có đồng thuận
- PV: Từ kinh nghiệm nhiều năm làm công tác TCD và giải quyết KNTC, theo ông, những yếu tố nào cần chú trọng để dần cải thiện chất lượng công tác này?
- Ông Nguyễn Hồng Điệp: Trong công tác TCD và giải quyết KNTC, tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất là trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính trong TCD và giải quyết KNTC gắn liền với trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách.
Bởi vì tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không hợp lòng dân, không đảm bảo đời sống của người dân sẽ khiến người dân phản ứng. Nếu cưỡng chế thi hành thì hiệu quả không cao. Xét cho cùng, mọi hoạt động của Nhà nước là đều để phục vụ cho đời sống người dân.
Nếu làm không hợp lòng dân hoặc làm đúng nhưng tuyên truyền không đủ sẽ khiến người dân không hiểu, không đồng thuận thì cũng không hiệu quả, không giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh, bức xúc của người dân thì người dân mất lòng tin.
Đồng thời phải nhấn mạnh đến yếu tố công khai, minh bạch từng nội dung cụ thể, thậm chí cả xây dựng nghị quyết để người dân được tham gia. Họ thấy được tôn trọng, thấy được quyền lợi của mình, con cháu mình trong tương lai thì mới đạt được sự đồng thuận, hạn chế được những bất cập để chủ trương, chính sách khi được ban hành đi vào cuộc sống. Đây cũng là cách để đả phá những luận điệu xuyên tạc, thù địch gây hoang mang trong dư luận, dẫn đến KNTC.
Và để xử lý tận gốc KNTC thì việc quan trọng là phải chăm lo đời sống người dân, đây là việc lớn. Dù nói gì thì nếu đời sống người dân, nhất là những người trong vùng dự án, không được đảm bảo, cải thiện thì tỷ lệ những vụ KNTC về đất đai vẫn sẽ tiếp tục tăng. Không chỉ vì tiền đền bù mà quan trọng là sinh kế của người dân thời hậu dự án, thu hồi đất.
Ngoài ra, bản thân mỗi cán bộ làm công tác TCD và giải quyết KNTC phải có “tâm”, không thể xấc láo, hỗn xược, coi thường người dân mà phải đặt mình vào vị trí của người KNTC như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần nhắc.
Nhiều năm làm công tác này, bản thân tôi cũng thấy nếu không đặt mình vào vị trí của người dân thì không hiểu, không biết họ bức xúc đến đâu, không thể phổ biến, tuyên truyền giáo dục, không có sự đồng cảm để người dân chia sẻ. Nhiều vụ việc KNTC kéo dài chỉ vì chính quyền không gần dân, nghe dân, thậm chí không mạnh dạn xin lỗi, sửa sai nên dân quyết “thắng thua” mà đi khiếu kiện.
Vì thế, cán bộ làm công tác TCD và giải quyết KNTC không chỉ cần trình độ chuyên môn mà phải am hiểu kiến thức xã hội và có kỹ năng TCD nhất định. Phải có tầm nhìn, không ngại va chạm để có thể đưa ra những kiến nghị chính xác, hợp lý, có lợi cho người dân, biết chọn những vụ việc “xương xẩu” có thể xảy ra điểm nóng để tham mưu cho Thủ tưởng giải quyết kịp thời. Vừa tăng uy tín cho Nhà nước, vừa đảm bảo ổn định tình hình trật tự. Hơn nữa, phải rất quan tâm đến việc thực hiện các kết luận thanh tra, giải quyết KNTC để người dân tin tưởng.
Kết nối chặt chẽ với địa phương để hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp
- PV: Năm 2015, dự báo tình hình KNTC chưa giảm tính phức tạp. Là cơ quan “đầu não” của công tác TCD và giải quyết KNTC, Ban TCD TƯ đã đề xuất những giải pháp để công tác này sẽ góp phần làm “yên lòng dân” và ổn định tình hình kinh tế - xã hội?
- Ông Nguyễn Hồng Điệp: Các vấn đề được dự báo sẽ nảy sinh nhiều KNTC phức tạp trong năm 2015 là chuyển đổi mô hình chợ, chuyển đổi mô hình nông, lâm trường quốc doanh, đất đai có liên quan đến tôn giáo, vệ sinh môi trường… Từ thực tiễn ở một số địa phương, sự phản kháng của người dân với chính quyền tới mức cực đoan, sẵn sàng dùng tính mạng để phản kháng nên phải đánh giá đúng sự việc, tình hình để có biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồng Điệp |
Vì thế, ngay từ những ngày đầu năm, chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch TCD cụ thể, nhất là phục vụ các sự kiện chính trị, kỷ niệm lớn trong năm 2015. Có chương trình tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác TCD bằng việc tự đào tạo, tuyên truyền phổ biến chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường trao đổi kinh nghiệm với cán bộ tại Ban và tại địa phương. Từ đó tạo thành cầu nối kết nối chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên giữa Ban và địa phương, xây dựng qui định gắn trách nhiệm của cán bộ làm công tác TCD với cơ quan, công việc và với dân để có biện pháp xử lý tình trạng KNTC vượt cấp lên TƯ…
Cùng với đó, chúng tôi sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu về TCD và giải quyết KNTC trên phạm vi toàn quốc và đề án TCD “một cửa”, TCD trực tuyến như một số địa phương (Quảng Ninh) đã làm. Tăng cường cơ sở vật chất, chọn ra một số chuyên đề có nguy cơ tiềm ẩn KNTC để đề nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thực hiện giám sát như chuyển đổi mô hình chợ, cải tạo nông, lâm trường quốc doanh…
Hy vọng cùng với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong công tác TCD và giải quyết KNTC, cùng với việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin cho người dân tốt hơn sẽ ngày càng giảm những vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài và giảm “sức ép” cho Ban TCD TƯ cũng như các Ban TCD ở địa phương, ổn định trật tự cho sự phát triển chung của đất nước./.