Chúc mừng sự ra đời của Ban Tiếp công dân TƯ theo Luật Tiếp công dân (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014), Phó Thủ tướng nhắc nhở: “Tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Làm tốt công tác này để thể hiện bản chất Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” nên nhiệm vụ của Ban Tiếp công dân TƯ rất nặng nề. Tuy nhiên, Ban Tiếp công dân TƯ không phải là cơ quan làm thay, làm hết cho thủ trưởng các cơ quan TƯ, địa phương, đơn vị trong công tác tiếp công dân”.
Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi cán bộ tiếp công dân không phải “văn thư cao cấp” chỉ nhận và chuyển đơn mà phải hiểu rõ và làm tốt từng chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng thực hiện pháp luật, xử lý, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, kém hiệu quả trong công tác này. Cùng với đó, cán bộ tiếp công dân phải luôn đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu và xử lý các yêu cầu, chu đáo, tôn trọng nhân dân vì được thay mặt cơ quan nhà nước tiếp công dân.
Phó Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan nhanh chóng ban hành các văn bản qui định chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ tiếp công dân, trang bị cơ sở vật chất cho cơ quan tiếp công dân, xây dựng Qui chế phối hợp trong công tác tiếp công dân tại Ban Tiếp công dân TƯ, làm mẫu cho các cơ quan, địa phương trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, đảm bảo cho công tác tiếp công dân góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Ban Tiếp công dân TƯ tập trung xây dựng hệ thống thông tin kết nối trong toàn quốc về công tác tiếp công dân, không để trùng lặp, chồng lấn trong việc giải quyết KNTC của công dân, không để Thủ tướng Chính phủ phải thường xuyên ban hành văn bản yêu cầu các địa phương lo việc tiếp công dân trong những dịp có các sự kiện lớn của Đảng và Nhà nước; đồng thời định kỳ và đột xuất, Tổng Thanh tra Chính phủ phải bố trí trực tiếp và phối hợp với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ tiếp công dân.
“Các cơ quan chức năng phải lắng nghe ý kiến của Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân khi giải quyết KNTC, không để ở trụ sở tiếp công dân thì rất “nóng”, lên đến cơ quan TƯ lại “im ắng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau khi Ban Tiếp công dân TƯ ra mắt, các địa phương cũng sẽ tiến hành thành lập Ban Tiếp công dân. Sự kiện này được Phó Thủ tướng đánh giá “là tín hiệu cho sự tin tưởng vào thành công của luật pháp theo tinh thần “vì dân” thông qua công tác tiếp công dân. Qua đó, không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, giảm khiếu kiện, bức xúc kéo dài”.
Ban Tiếp công dân TƯ thuộc Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các trụ sở tiếp công dân của các cơ quan TƯ, thay thế Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư (qui định tại Điều 3 Nghị định 83/2012).