“Vua rắn chết”, hàng xóm cũng lê lết
“Vua rắn” hiện trắng tay sau gần 10 năm đi khiếu nại. Hai người con trai có bằng kỹ sư nuôi trồng thủy sản nhưng nhìn thấy cảnh cha già thương tật bị “vùi dập” nên ớn lạnh đành ở nhà bán... lẩu rắn sống qua ngày.
Kế đó không xa, ba hộ dân nằm trong khu giải phóng xây cầu Nhu Gia gồm ông Đoàn Quốc Hải (72 tuổi, căn nhà 131m2), bà Trương Thị Lê (SN 1953, căn nhà 88m2) và bà Trương Thị Cẩm Vân (SN 1958, em ruột bà Lê, căn nhà 92m2).
Trở lại ngày 28/12/2010, Đoàn cưỡng chế do Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Mã Thạnh dẫn đầu tiến hành cưỡng chế 3 căn nhà của ông Hải, bà Lê và bà Vân. Khi đó, ông Hải có đem văn bản của Văn phòng Chính phủ ra trình bày nhưng đều bị bác bỏ. Hai chị em bà Lê, bà Vân khóc lóc van xin Đoàn cưỡng chế nên xem văn bản của Thủ tướng Chính phủ thì bị hốt lên xe chở về trụ sở Công an xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên). Ngay sau khi dọn sạch đồ đạc, Đoàn cưỡng chế cho xe cuốc san bằng 3 căn nhà của 3 hộ dân khiến ông Hải như “chết đứng”; chị em bà Lê, bà Vân chỉ biết ôm nhau khóc ngất.
Ông Hải cho biết, trong quá trình cưỡng chế, không ai kê biên tài sản mà chỉ gom lên xe chở đi. Sau đó, ngày 05 Tết năm 2011, do sức khỏe yếu và vì lo buồn chuyện nhà của hai con nên bà Lê Thị Đào (79 tuổi, mẹ bà Lê, bà Vân) đã qua đời.
Do tài sản trong gia đình bị Đoàn cưỡng chế chuyển đi hết nên bà Lê đến chính quyền xã Thạnh Phú xin lại áo quần về tẩm liệm cho mẹ nhưng cán bộ nơi đây bảo rằng họ không có thẩm quyền, muốn gì đến UBND huyện Mỹ Xuyên gặp đại diện Đoàn cưỡng chế mà trình bày. Bà Lê cùng người thân đến UBND huyện Mỹ Xuyên thì cán bộ nơi đây bảo không biết, không có thẩm quyền và đùn đẩy cho nhau.
Ngày 11/01/2011, UBND huyện Mỹ Xuyên thông báo mời đến nhận lại tài sản nhưng cả 3 hộ dân không đi lấy vì khi tịch thu không kê biên, bây giờ biết cái gì của mình mà lấy?! Cách đây khoảng 6 tháng, do hoàn cảnh gia đình quá nghèo, bà Lê bị ung thư vú giai đoạn cuối, bà Vân bị bệnh tiểu đường nặng nên hai bà đành nhận lại áo quần để mặc. “Nhưng áo quần đã bị mục nát, rách tả tơi như nùi giẻ; chị em tôi chọn được cái gì thì mặc cái đó”- bà Lê nghẹn ngào.
Cần nhìn thẳng sự thật, giải quyết quyền lợi cho dân
Trở lại Quyết định số 08 do Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên ký ngày 05/10/2010 thì bà Lê được nhận 289.256.800 đồng và Quyết định số 10 ngày 05/10/2010, bà Vân được nhận 299.504.118 đồng. Do thời gian kéo dài và không có tiền chữa bệnh nên chị em bà làm đơn xin nhận tiền.
Nhưng không hiểu sao ngày 24/4/2013, hai bà nhận được Công văn số 947 do ông Võ Thanh Văn - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng ký với nội dung số tiền bà Lê được nhận chỉ còn 167.337.800 đồng, bà Vân được nhận 186.632.118 đồng. Thấy vô lý nên hai bà không nhận nữa.
Quá bức xúc, bà Vân, bà Lê và ông Hải đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Ngày 30/7/2013, bà Nguyễn Tuyết Liên - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng ký Thông báo số 100 gửi Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên yêu cầu thực hiện đúng Quyết định số 08 và số 10 nhưng Chủ tịch UBND huyện này vẫn phớt lờ không thực hiện.
Khi vụ việc chưa được giải quyết thấu đáo thì ngày 09/8/2013, ông Lê Thành Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 76 giao UBND huyện Mỹ Xuyên thực hiện Quyết định số 08 và số 10, yêu cầu 2 hộ bà Lê, bà Vân nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và nhận nền tái định cư theo dự toán đã được phê duyệt (nghĩa là cho nhận đủ số tiền như Quyết định số 08 và số 10, nhưng phải trừ lại số tiền nhận nền tái định cư); nếu 2 hộ không nhận thì lập biên bản gửi số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước; đồng thời giao Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư theo quy định (đây là sự ép buộc vì không mua nền tái định cư cũng phải nhận để trừ tiền lại).
Không đồng ý, chị em bà Vân và ông Hải tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ. Ngày 15/1/2014, Văn phòng Chính phủ có thông báo đến UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét giải quyết vụ việc. Khi ông Hải đến Phòng tiếp công dân của UBND tỉnh Sóc Trăng thì bị từ chối không tiếp, không nhận đơn và bảo phải chờ ý kiến cấp trên.
Với mong muốn làm rõ thông tin, chúng tôi liên hệ với ông Mã Thạnh nhưng được trả lời: “Tôi không biết, vụ việc tỉnh đang thụ lý...”, rồi ông này cắt máy. Liên lạc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Trí thì ông Trí chỉ sang làm việc với Thanh tra tỉnh. Sang Thanh tra tỉnh thì tại đây hầu như không nắm được gì và không có thẩm quyền giải quyết.
Để chấm dứt khiếu kiện, thiết nghĩ UBND tỉnh Sóc Trăng cần nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết thấu đáo, có tình, có lý nhằm đảm bảo công bằng cho người dân và sự nghiêm minh của pháp luật.