Bệnh hen suyễn (HS) là một bệnh mạn tính thuộc hệ thống đường dẫn khí (Chủ yếu là các phế quản), HS ở người cao tuổi (NCT) trong những trường hợp cấp tính là một bệnh cấp cứu và có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề.
Nguyên nhân chính gây nên bệnh
Có thể bị mắc bệnh HS từ lúc còn rất nhỏ mà người ta thường gọi là “hen sữa”. Có nhiều trường hợp càng lớn lên bệnh càng thuyên giảm và hết hẳn, nhưng cũng có không ít trường hợp bệnh không dứt điểm và cũng có trường hợp lúc nhỏ không bị HS nhưng về già lại mắc chứng bệnh này.
Tập thể dục đều đặn hàng ngày cũng là một biện pháp phòng ngừa hen suyễn. |
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh HS nhưng chủ yếu là do yếu tố cơ địa dị ứng. Cơ thể khi gặp các dị ứng nguyên (chất lạ đối với cơ thể) hoặc các chất có tính chất kích ứng thì gây nên phản ứng dị ứng và bị lên cơn HS. Người ta cũng đề cập đến HS dễ gặp ở những người có cơ địa dị ứng như: viêm mũi dị ứng, bệnh mề đay, bệnh viêm da dị ứng, bệnh tổ đĩa, bệnh chàm.
Đối với NCT, do đặc điểm sinh lý đã dần dần thay đổi, mọi chức năng sinh lý đã bắt đầu hoặc đã suy giảm, trong đó chức năng sinh kháng thể suy giảm rõ rệt nên dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng, dễ bị kích ứng với tác nhân lạ như: bụi bẩn, khói thuốc, khói bếp, thời tiết thay đổi, lông một số động vật nuôi trong nhà như: chó, mèo; một số ký sinh trùng như: mạt, mò, nấm mốc… Một số thực phẩm cũng có thể kích thích gây nên cơn HS hoặc làm cho bệnh HS tăng lên như: tôm, cua, mắm tôm. Ngoài ra, một số thuốc có tác dụng phụ là gây bệnh hen hoặc làm cho bệnh hen tăng lên như một số thuốc điều trị bệnh về khớp, thuốc điều trị tăng huyết áp (atenolol…).
Triệu chứng thường thấy ở NCT bị bệnh hen
Người bệnh bị HS mạn tính thường mệt mỏi do thiếu oxy trường diễn. Hầu như ít khi bị lên cơn hen mà có triệu chứng báo trước. Khi lên cơn hen thường khó thở (chủ yếu là khó thở ra do phế quản bị co thắt), làm người bệnh rất mệt mỏi, đôi khi thấy môi bị tím tái, lồng ngực, cơ hoành bị co kéo. Người bệnh thường phải ngồi dậy để thở, kèm theo là tiếng khò khè trong ngực, xuất tiết nhiều chất đờm, giải. Bệnh nhân có thể có sốt do bội nhiễm. Ở NCT thường sốt nhẹ hoặc không sốt, do phản ứng của cơ thể bị suy giảm. Đối với người bị bệnh HS, nhất là NCT khi bị viêm nhiễm kèm theo, nhất là do các vi sinh vật gây bệnh cơ hội thì niêm mạc đường hô hấp sẽ làm sưng nề.
Khi phế quản đã bị co thắt kèm theo viêm nhiễm làm sưng nề thì bệnh càng nặng thêm. Ho là một triệu chứng gần như luôn luôn thấy ở NCT bị HS, nhất là khi thời tiết thay đổi (nóng quá, lạnh đột ngột) hoặc lao động nặng hoặc khi gắng sức (bưng bê vật nặng, lên cầu thang). Ho kéo dài nhiều ngày và xảy ra vào ban đêm nhiều hơn, nhất là lúc bệnh nặng lên và hay xảy ra vào lúc giữa đêm về sáng. Ho là một phản xạ trong bệnh HS do phế quản bị phù nề kèm theo bị co thắt mạnh.
Bệnh HS mạn tính ở NCT nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ, không thường xuyên thì có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm như: tâm phế mạn, khí phế thủng, tràn khí màng phổi hoặc nhiễm bệnh lao kèm theo…
Một số biện pháp phòng bệnh
NCT cố gắng không để mắc các bệnh về đường hô hấp. Muốn vậy cần vệ sinh răng miệng thật tốt, nhất là người mang răng giả. Khi có nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp, nhất là những người có cơ địa dị ứng cần phải đi khám bệnh ngay và điều trị dứt điểm. Cần nghe theo lời tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình.
Những người đã mắc bệnh hen thì ngoài điều trị bệnh khi lên cơn hen, việc điều trị dự phòng là hết sức quan trọng nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát, cũng như nhằm ngăn ngừa bệnh nặng thêm.
Không hút thuốc lá, thuốc lào; tránh ăn các loại thức ăn có nguy cơ cao gây HS hoặc làm cho bệnh nặng thêm như: tôm, cua...
Không nên nuôi chó, mèo trong nhà khi có người mắc bệnh HS. Tập thể dục đều đặn hàng ngày cũng là một biện pháp phòng bệnh HS và cải thiện cuộc sống, đặc biệt là vươn vai và tập hít thở thật sâu.
Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống