Điều gì phía sau những “tâm sự khổ đau”?
Câu chuyện ngoại tình đang gây xôn xao nhất trên mạng có lẽ phải kể đến việc vợ một chủ homestay ở Đà Lạt lên mạng tố cáo chồng mình ngoại tình với một nữ diễn viên hài nổi tiếng trong giới showbiz. Thời điểm đầu tháng 7, người phụ nữ này tung lên mạng thông tin vừa sinh con 6 tháng thì phát hiện chồng mình ngoại tình với nữ diễn viên N.T., một khách quen của homestay, với bằng chứng là tin nhắn qua lại giữa đôi bên. Sự việc ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Những ngày sau đó, người phụ nữ này liên tục đăng tải úp mở về chuyện hai người nói trên ngoại tình, hẹn hò "ngoài luồng" thế nào... Sự việc đã khiến nữ diễn viên bị “ném đá”, phải ngưng công việc, biến mất khỏi mạng xã hội một thời gian. Mới đây, mặc dù nữ diễn viên nọ đã tổ chức cuộc gặp mặt báo chí để thanh minh, nhưng vẫn không thể xoa dịu dư luận.
Về phần mình, người vợ tố chồng phản bội vẫn chưa dừng câu chuyện. Đều đặn, lên mạng đăng bài hoặc livestream để “nhắc nhớ” chuyện mình là nạn nhân của một vụ ngoại tình. Lúc thì những câu từ úp mở, có lúc, cô đăng tải những hình ảnh nhạy cảm bị che mờ và cho biết là ảnh của “kẻ thứ ba”. Cô cũng đăng đàn tố cáo, đấu khẩu với mẹ chồng cũ của mình vì đã đứng về phía người chồng...
Từ một phụ nữ vô danh, người vợ bỗng chốc trở thành một “nhân vật nổi tiếng” trên mạng xã hội. Mới đây, cô bắt đầu nhận tiền để quảng cáo các sản phẩm, từ thức ăn cho đến thực phẩm chức năng, trong đó có cả sản phẩm giảm cân gây nguy hiểm đến sức khỏe đã bị cấm.
Đến lúc này, rất nhiều người bắt đầu đặt ra câu hỏi, việc kiên nhẫn duy trì câu chuyện trên mạng suốt 1,5 tháng qua của người vợ phải chăng đơn thuần là cách trút nỗi đau của một người phụ nữ bị chồng phản bội, hay thực chất lại là sự tận dụng chuyện nhà để “câu view”, thu hút sự chú ý và thêm những mục đích đầy lợi lộc khác?
Nhiều hệ lụy về pháp lý
Có thể thấy, nhiều người đã chọn mạng xã hội như một phương tiện để trút giận, để khiến kẻ gây tổn thương cho mình phải chịu sự chỉ trích của dư luận. Và thực tế đúng là những kẻ ngoại tình, phản bội đã phải nhận lãnh sự “ném đá”, chửi bới hoặc “tẩy chay” nặng nề, với những người nổi tiếng thì mất đi cả sự nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi tất cả đi qua, nhìn lại, có lẽ chính người lên tiếng tố cáo sẽ thấm thía hơn ai hết hậu quả của cơn nóng giận. Ngoài việc mất đi bình yên cho bản thân, biến mình thành “con rối” mua vui cho công chúng, thì những hành động ấy cũng khiến những người bạn đời trở mặt, trở thành kẻ thù của nhau. Và nỗi đau, sự tổn thương nặng nề nhất thuộc về những đứa trẻ, khi cha mẹ chọn cách tàn nhẫn nhất, ồn ào, tai tiếng để tấn công nhau trên mạng. Ngoài ra, các thành viên khác của gia đình cũng phải chứng kiến chuyện nhà mình thành đề tài bàn luận, cười cợt của dư luận.
Còn trên phương diện pháp luật, hầu hết những người đem chuyện nhà lên mạng cũng không lường được rằng, hành vi của mình có nguy cơ cao vi phạm quy định pháp luật. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Thế nên, hành vi tung tin nhắn riêng tư lên mạng chính là hành vi phạm luật. Cạnh đó, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh, nên việc phát tán hình ảnh, clip người khác lên mạng, dù là của bạn đời mình, vẫn là hành vi trái luật. Nếu trong quá trình “bóc phốt” kèm theo thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm thì vi phạm quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Các mức phạt cho các hành vi này nhẹ thì phạt tiền, nặng thì phạt tù, kèm theo các thông tin cải chính, xin lỗi.
Có thể thấy, hành động “bán” chuyện gia đình lên mạng nhất thời có thể giúp xả giận, sự ồn ào, ủng hộ của cư dân mạng cũng có thể khiến người bị tổn thương thấy được xoa dịu tạm thời. Nhưng đằng sau đó là những hệ lụy khôn lường về gia đình, đối diện với pháp luật, đó là những hậu quả mà mỗi người cần cân nhắc trước khi có hành động “cả giận mất khôn”.