Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân trong phòng, chống SXH và cho rằng, với sự thay đổi của thời tiết ngày càng cực đoan, người dân cần nhận thức rõ để chủ động ứng phó với bệnh dịch SXH. Ở đây vai trò của công tác tuyên truyền cơ sở rất quan trọng.
Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH khu vực Tây Nguyên, chiều 7/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính đến ngày 30/7, cả nước ghi nhận 49.049 trường hợp mắc tại 48 tỉnh, thành phố, 17 trường hợp tử vong. Trong đó miền Nam là 28.407 trường hợp (chiếm 57,9%); miền Trung ghi nhận 12.673 trường hợp (chiếm 25,8%); khu vực Tây Nguyên là 7.411 trường hợp (chiếm 15,1%). Hiện tỷ lệ người dân mắc bệnh SXH tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên cao gấp vài lần đến hàng chục lần so với mức trung bình của cả nước là 48,2/10 vạn dân.
Hôm nay (8/8), Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị tập huấn trọng điểm để trang bị thêm kiến thức phòng, chống dịch SXH cho cán bộ y tế 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum. Trước đó, Bộ Y tế gửi công điện các tỉnh tăng cường phòng chống bệnh SXH, đề nghị triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt loăng quoăng (bọ gậy); giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa hất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật; tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH...