Theo báo cáo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2013, do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì; Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình xây dựng. Bản Quy hoạch này được phê duyệt ngày 9/11/2016, được chính thức công bố ngày 15/2/2017. Bản Quy hoạch này chưa được triển khai trên thực tế.
Trước tháng 5/2013, có 18 dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có một số dự án đã được cấp phép. Trong số này, 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú. Từ năm 2013 tới nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng không cấp thêm dự án nào nữa. Điều này có nghĩa tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý về chủ trương và cấp phép trước khi bản Quy hoạch được lập. Việc quản lý, xây dựng các dự án này thuộc thẩm quyền và cũng là trách nhiệm giải quyết của Đà Nẵng. Các dự án Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng; Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng.
Như vậy, quy mô phòng lưu trú của bản quy hoạch chỉ bằng 1/3 so với các dự án đã được đồng ý chủ trương trước khi bản Quy hoạch được xây dựng. Tuy nhiên, ngay sau khi bản Quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có kiến nghị, trong đó có nội dung quan trọng là đề nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà. Theo Hiệp hội này, trên bán đảo Sơn Trà chỉ nên có số cơ sở lưu trú hiện nay - khoảng 300 phòng.
Sắp tới, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, mời các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, môi trường để trao đổi, trong đó lưu ý một số kinh nghiệm làm tốt trên thế giới đối với trường hợp tương tự.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng nêu rõ chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng luôn coi Bán đảo Sơn Trà là tài sản vô giá, địa linh có môi trường thiên nhiên đa dạng độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và có vị trí đặc biệt về quốc phòng an ninh. Do đó, mọi tác động cần được thực hiện trên cơ sở khoa học, chú trọng đến yếu tố công khai, nhân văn và cầu thị. Bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ, kiểm soát bằng cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa an ninh quốc phòng, bảo tồn và phát triển.
Tại cuộc họp, đại diện bộ, ngành và thành phố Đà Nẵng cùng tập trung, phân tích về vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên cũng như sự cần thiết Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà theo hướng đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và hài hòa các lợi ích kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được lập, trình phê duyệt theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, phù hợp với quy định của các luật có liên quan; tuy nhiên, dư luận vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Điều này cho thấy công tác truyền thông chưa tốt. Trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, các bộ, ngành liên quan cần xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này. Trên thực tế Quy hoạch này chưa được triển khai, vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần đối thoại với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng để có sự thống nhất thực hiện.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có yêu cầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng báo cáo về các vấn đề liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trước ngày 30/5/2017. Tinh thần của Thủ tướng và Chính phủ là cầu thị lắng nghe, công khai, minh bạch để nhân dân, dư luận đánh giá đúng tình hình.
Phó Thủ tướng lưu ý Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cần chủ động xem xét tất cả các vấn đề để có báo cáo chính thức với Thủ tướng về kiến nghị của Hiệp hội, trong đó, cần có các kiến nghị cụ thể. Ủy ban Nhân dân thành phố cần chủ động thực hiện, bởi tất cả các dự án được cấp đều theo đúng thẩm quyền của Đà Nẵng. Đà Nẵng cần sớm làm việc với các nhà đầu tư theo đúng tinh thần cầu thị, công khai, bảo đảm sự khách quan, để trước 30/8 có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng về việc xử lý kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng đồng ý với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thời hạn 3 tháng để tổ chức các hội nghị, làm việc, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, môi trường về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Trong thời gian này, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chưa triển khai thực hiện bản Quy hoạch này.
Tinh thần chung của Chính phủ là phát triển kinh tế nhưng quan trọng là bảo đảm môi trường sinh thái. Vì vậy, sau khi các bộ, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng báo cáo, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng thông tin thêm vừa qua báo chí phản ánh về vi phạm ở Dự án du lịch sinh thái biển Tiên Sa. Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng đã có báo cáo về vấn đề này. Hiện, Văn phòng Chính phủ đang thụ lý hồ sơ, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về đầu tư xây dựng và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết. Các dự án này cũng như các dự án khác đều được phê duyệt, cấp phép từ trước, vì thế, về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm xử lý thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố cần cầu thị, lắng nghe, trao đổi, tiếp thu nếu các ý kiến đó là xác đáng./.
Thủ tướng: Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ và tới Cà Mau
Sáng 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có cuộc tiếp xúc với cử tri huyện Cờ Đỏ sau Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.