Thời gian qua, hình ảnh đô thị Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi tình trạng người lang thang xin ăn “rong ruổi” trên các tuyến đường, các trung tâm văn hóa...
Xin tiền tại cây xăng 116 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng. |
“Nghề” kiếm cơm
So với một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì Hải Phòng được xem là TP có trẻ em, người lang thang xin ăn nhiều nhất.
Theo quan sát của PLVN, tình trạng người lang thang, xin ăn diễn ra phổ biến ở các hàng quán trên nhiều tuyến phố đặc biệt là các tuyến phố trung tâm như vườn hoa Trần Phú, vườn hoa Trần Hưng Đạo, đài phun nước trước Nhà hát lớn…, bởi đây là nơi vui chơi, đông người qua lại.
Trên đường Trần Phú dễ bắt gặp hình ảnh của nhiều cặp mẹ con bồng bế nhau, người mẹ miệng phì phèo điếu thuốc bế đứa con nhỏ trên tay cho uống sữa. Những đối tượng này thường không có nhà ở, nên cây cột điện được trưng dụng là nơi nhét đồ đạc, quần áo… Bóng những người lang thang, xin ăn đi lại dật dờ mọi lúc mọi nơi đã làm mất đi mỹ quan, hình ảnh của TP.
Anh Nguyễn Đình Tiến, nhân viên kinh doanh Cty Vietpay than phiền: “Mỗi lần đi công tác ở Hải Phòng tôi lại thấy người xin ăn dường như nhiều hơn, phố nào cũng có. Ngồi một quán trên đường Đinh Tiên Hoàng, chưa uống hết ly cà phê đã có tới 4-5 người đến ngửa mũ xin tiền. Hiện tượng này làm mất đi hình ảnh đẹp đẽ của TP hoa phượng”.
Không chỉ ở các tuyến phố, vườn hoa trung tâm mà tại nhiều hàng quán, cây xăng trên đường Lạch Tray, Tô Hiệu hay Trần Nguyên Hãn cũng đều có những hình ảnh tương tự. Bà Phạm Thu Hà, một chủ quán ăn đêm tại khu vực này cho biết: “Đường này thì khỏi phải nói rồi, nhiều ăn xin lảng vảng lắm. Lang thang cơ nhỡ có mà nghiện hút xin tiền thì còn có nhiều hơn. Đêm đến cứ chích thuốc xong lại mò từ đường tàu ra lải nhải chìa tay xin tiền khách, ngày nào cũng vậy, riết rồi thành quen”.
Tại các cổng trường Đại học như ĐH Hàng hải Việt Nam, ĐH Hải Phòng, người lang thang xin ăn còn ngồi chây ỳ ở cổng trường nhất là giờ tan tầm trưa và chiều tối. Khu vực cầu Lạc Long, cầu Niệm, các cổng đình chùa, bến xe cũng tập trung nhiều đối tượng người lang thang, xin ăn, những đối tượng này thường “ngã đâu là giường”, nhặt được gì là ăn…
sau khi được cho tiền, ông Nguyễn Văn Thành (64 tuổi, quê Thủy Nguyên), đối tượng thường lang thang, xin ăn trên đường Trần Nguyên Hãn, đoạn cần cầu Niệm (Lê Chân), cho biết: “Tôi còn mẹ già đau ốm, vợ bị ung thư, 5 ngày nay rồi không xin đủ tiền mua được bát bún. Tôi lang thang khắp nơi, ngủ trên vỉa hè. Xin bao giờ có tiền mua bún cho mẹ và vợ mới về”...
Đi được một đoạn, người đàn ông dáng hình gầy gò ngồi bệt bên lề đường vơ rác, người đi đường động lòng trắc ẩn lại dúi cho ông vài nghìn....
Người lang thang bới rác làm động lòng trắc ẩn người lưu thông trên đường Trần Nguyên Hãn, Lê Chân, Hải Phòng. |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nhằm giải quyết, thu gom người lang thang cơ nhỡ, xin ăn, góp phần giữ gìn trật tự an toàn, mỹ quan TP, nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân, hạn chế tình trạng tái diễn người lang thang, ăn xin, UBND TP Hải Phòng mới ban hành kế hoạch số 7564 về giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn TP giai đoạn 2012-2015.
Đề án nêu cao vai trò của các cá nhân, tổ chức, các ban ngành trên địa bàn TP, trong đó, cơ quan thường trực là Sở LĐ-TB&XH. Đối tượng cần thu gom, giải quyết không chỉ có người lang thang xin ăn, người mắc bệnh tâm thần đi lang thang mà bao gồm cả những người đánh giày bán báo, bán hàng rong... có thái độ chèo kéo khách du lịch đặc biệt ở trung tâm TP.
Mặc dù công tác thu nhận, giáo dục văn hoá, dạy nghề và đưa người lang thang hồi gia, hồi quê ít nhiều đã được lãnh đạo TP quan tâm triển khai, song không ít người lang thang đưa hồi gia hôm trước, hôm sau đã thấy xuất hiện trên đường phố.
Như đã nêu ở trên, vấn nạn người lang thang, xin ăn vẫn hoành hành mọi lúc mọi nơi mà tập trung nhiều nhất vẫn thuộc các tuyến phố trung tâm. Đó là chưa kể đến người tâm thần lang thang, người có hoàn cảnh cơ nhỡ không nhà cửa hoặc mồ côi không nơi nương tựa lảng vảng quanh các đình chùa, trường học, khu vực bến xe, cầu, chợ… Đến thời điểm hiện nay, việc giải quyết triệt để thực trang này vẫn là vấn đề còn “bỏ ngỏ” của Sở LĐ-TB&XH Hải Phòng.
Thực tế, để giải quyết triệt để vấn nạn người lang thang, xin ăn không phải là việc triển khai trong một sớm một chiều mà cần có sách lược cũng như chiến lược lâu dài của TP, là một trong những vấn đề an sinh xã hội đặt ra cho TP trong những năm tiếp theo.
Năm tới 2013, Hải Phòng được Chính phủ chon là nơi diễn ra sự kiện lớn “Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng”. Vì thế, để giữ gìn mỹ quan đô thị, đảm bảo an ninh trật tự cũng như mang đến cho du khách trong và ngoài nước hình ảnh đẹp về một TP hoa phượng, thì việc đẩy mạnh giải quyết người lang thang, xin ăn là việc làm hết sức cấp bách và cần có sử chỉ đạo, theo dõi sát sao, sự vào cuộc đồng thuận của lãnh đạo các cấp, các ngành.
Hương Trà