Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần phát triển đô thị ven biển Duyên hải Miền Trung theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.
Tại hội thảo đã có nhiều vấn đề đặt ra như thực trạng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ven biển, ven sông, định hướng phát triển đô thị ven biển, ven sông theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững, đề xuất các giải pháp quy hoạch không gian đô thị ven biển, sông…được các đại biểu góp ý, bàn bạc.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong nội dung quy hoạch có vấn đề rất quan trọng là quy hoạch phát triển đô thị.
Ở khu vực tiếp giáp với TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam có những đô thị hiện hữu mang tính chất đặc thù. Trong đó đô thị Điện Bàn tiếp giáp với Đà Nẵng, như một không gian mở rộng về phía Nam của đô thị Đà Nẵng, mở rộng về phía Bắc của đô thị Hội An.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có đô thị Hội An, một đô thị di sản văn hóa thế giới đang chịu áp lực đô thị, sức chịu tải của vùng lõi đô thị này vô cùng lớn.
Chính vì thế để duy trì và phát triển đô thị di sản Hội An cần giải quyết những vấn đề áp lực đối với đô thị cổ. Nếu không chính sự phát triển nội tại, sự phát triển về du lịch sẽ làm gia tăng quá trình hủy hoại đô thị này.
Phố cổ Hội An là một đô thị thuộc di sản văn hóa thế giới. |
Theo KTS Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du lịch phát triển.
Các đô thị biển có thể phát triển chức năng chủ đạo đem lại bản sắc khác biệt như: sinh thái, nghỉ dưỡng, đô thị đại học, kinh tế tài chính, ngư nghiệp, cảng biển hay giao thương quốc tế... Nó có thể tạo thành một mạng lưới đô thị biển quốc gia đa dạng, kết nối với nhau qua hệ thống đường thủy cũng như đường bộ ven biển.
Tuy nhiên, đối với khu vực ven biển quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng. Quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo", gây lãng phí đất đai.
Để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, cần thực hiện một số giải pháp như cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển...