Một nghịch lý đã tồn tại nhiều năm của dòng phim ra rạp trong nước, đó là chất lượng ngược lại với doanh thu. Có một thời, những “Tèo em”, “Cô dâu đại chiến”, “Long ruồi”, “Hương Ga”… lập nên những kỉ lục phòng vé, nhưng đồng thời cũng tạo nên những trăn trở cho giới chuyên môn, bởi nói về tính nghệ thuật hay giá trị nhân văn thì những bộ phim này hầu như không cao.
Có cả trường hợp phim bạo lực, đề cao phi nhân tính đã bị cơ quan quản lý cấm chiếu nhưng người xem vẫn ùn ùn tìm kiếm những bản lậu để xem, tạo ra cả một “cơn sốt” như phim “Bụi đời Chợ Lớn”.
Cạnh đó, không phải không có những bộ phim cảm động với những ý nghĩa nhân văn tốt đẹp. Tuy nhiên, các phim này lại hầu hết rơi vào trường hợp “ế vé”. Hai nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này đó là phim tính nghệ thuật, ý nghĩa thì lại xa rời thị trường, hoặc nhiều trường hợp là “làm chưa tới” với cách thể hiện còn sơ sài, cẩu thả.
Chính vì thế, thị trường điện ảnh Việt đôi khi xuất hiện những bộ phim “nửa nạc, nửa mỡ”, kiểu như nghệ thuật cũng không hẳn mà giải trí cũng chưa phải như “Chàng trai năm ấy”, “Đường đua”, “49 ngày”…
Ở phim truyền hình, tình hình thậm chí còn ít khởi sắc hơn. Thời gian gần đây, Truyền hình Việt đánh dấu sự lấn sân ồ ạt của các “hot girl”, “hotboy”, “chân dài”… đình đám trong các lĩnh vực ngoài điện ảnh. Thế nhưng, tỉ lệ nghịch với nhan sắc là khả năng diễn xuất. Những cách diễn không chuyên, nhàn nhạt thiếu chiều sâu đã khiến khán giả ngán ngẩm.
Việc khan hiếm kịch bản hay cũng khiến phim truyền hình đi vào lối mòn. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ xoay quanh khai thác mối quan hệ tiền – tình, ngoại tình, tranh giành gia sản, mẹ chồng – nàng dâu… Đó là chưa kể đến quá nhiều “hạt sạn” trong các phim truyền hình khiến khán giả thất vọng.
Từ hai thực tế trên, có thể hiểu lý do vì sao cùng thời điểm ra rạp, khá hiếm phim Việt đủ sức cạnh tranh phòng vé với các phim của Hollywood, Hàn, Trung Quốc… Và vì sao các nhà sản xuất phim Việt luôn cân nhắc khi chọn thời điểm ra mắt cho sản phẩm của mình, tránh “đối đầu trực diện” với các bộ phim ngoại “bom tấn”.
Còn phim truyền hình thì Mỹ, Hàn hay các quốc gia “mới nổi” về phim truyền hình như Ấn Độ, Thái Lan hay Philipines đã và đang tiếp tục chinh phục khán giả bởi sự mới mẻ, đa dạng và cách làm “tới nơi tới chốn” của mình.