Chưa bao giờ điện ảnh Việt Nam lại “được mùa” phim kinh dị như vậy. Từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, gần chục hãng phim đua nhau trình làng những bộ phim mong muốn khán giả “tim đập, tay run”. Dường như, làm và xem phim kinh dị đang là mốt thời thượng của các hãng phim cũng như khán giả.
“Rừng” phim kinh dị
Khi được hỏi nguyên nhân nào khiến khán giả thời nay ưa chuộng phim “tim đập, tay run” thì đa phần trả lời rằng nó đã khuấy động những sợ hãi tiềm thức của người xem. “Tóm” được câu trả lời này, phim kinh dị Việt hiện đang sinh sôi nảy nở với tốc độ cũng rất kinh dị.
Tuy nhiên, không phải bây giờ, điện ảnh Việt Nam mới có phim kinh dị. Phim kinh dị Việt Nam đã xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ 20. Khi đó, từng có một vài bộ phim thực sự kéo người xem đến rạp như “Lệ đá” (1971), “Con ma nhà họ Hứa” (1973). Vào đầu thập niên 1990, khán giả yêu điện ảnh Việt bắt đầu được chứng kiến sự trở lại của thể loại phim kinh dị với “Ngôi nhà oan khốc” và “Chiếc mặt nạ da người” của đạo diễn Nguyễn Chánh Tín.
Rồi vài năm gần đây, một số hãng phim tư nhân mới bắt đầu tham gia làm phim kinh dị như hãng Phước Sang hợp tác với Hàn Quốc làm phim “Mười”, Hãng phim Chánh Phương cho ra mắt “Suối oan hồn”, “Ngôi nhà bí ẩn”, “Chết lúc nửa đêm”.
Tuy nhiên, so với trước đây, phim kinh dị hiện nay ngày càng dày đặc và huyền bí hơn. Chỉ tính từ cuối năm ngoái, khán giả đã được tim đập thình thịch với “Lời nguyền huyết ngải” (ĐD: Bùi Thạc Chuyên), “Bẫy cấp 3” (ĐD: Lê Văn Kiệt), “Cột mốc 23” (ĐD: Nguyễn Quốc Duy) thì sang đầu năm nay, khán giả lại có thể nín thở chờ đón các phim “Căn nhà trong hẻm” (ĐD: Lê Văn Việt), “Bàu trắng” (ĐD: Nguyễn Trọng Khoa), “Những con búp bê”, “Mùa Noel năm ấy” (Hãng phim Chánh Tín), “Con ma nhà họ Hứa” (ĐD: Thanh Hương)…
Trong các bộ phim ấy, có lẽ bộ phim “Ngôi nhà trong hẻm” được khán giả chờ đón nhất. Dù tới ngày 14/2 mới ra mắt tại Việt Nam nhưng “Ngôi nhà trong hẻm” đã được dư luận quốc tế đặc biệt chú ý khi xuất hiện trên IMDB – trang web lớn nhất thế giới về phim ảnh.
Sau khi được Twitchfilm ca ngợi, “Ngôi nhà trong hẻm” được lên mạng IMDB vào giữa tháng 1/2012 và ngày đầu tháng 2, bộ phim đã được Hawaiian Film Festival- nơi nhiều phim Châu Á được ra mắt trên thế giới - bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng chất lượng khi phim ra mắt để đưa vào liên hoan phim sắp tới.Là tác phẩm của đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt, hợp tác cùng nhà sản xuất Trần Trọng Dần và Chung Minh, “Ngôi nhà trong hẻm” kể về bi kịch xảy của một cặp vợ chồng trẻ khi họ mất đi đứa con đầu lòng do người vợ bị sẩy thai.
Trở về ngôi nhà của mình sau một thời gian dài nằm viện, người vợ bị dằn vặt vì sự mất mát lớn lao đó, cô bắt đầu có những hành động kỳ quặc. Cũng trong thời gian này, ngôi nhà họ sinh sống cũng bắt đầu có những thay đổi lạ thường. Để mọi việc có thể trở lại như cũ, người chồng đã cố gắng giúp vợ mình vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này, tuy nhiên dường như tất cả những cố gắng đó lại làm cho mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ và đáng sợ hơn.
Đến khi mọi thứ trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát, đôi vợ chồng đã buộc phải chiến đấu tới cùng để cứu vãn hạnh phúc của họ và hoá giải những bí ẩn tại “căn nhà trong hẻm” trước khi quá muộn.
Cám dỗ khó bỏ
Điểm mặt tất cả các phim, có thể thấy chất “liêu trai” thấm đẫm trong hầu hết các chuyện tình giữa ma và người, cộng thêm một vài linh hồn oan khuất lởn vởn đòi nợ máu; những cảnh ma trong phim đều hiện lên giữa một không gian với những ngọn nến leo lét, ánh trăng mờ ảo; không khí lạnh lẽo, âm u... kèm theo những tiếng gào thét, tiếng rên la ghê rợn.
Đó chỉ là yếu tố, còn sử dụng chúng như thế nào để tạo nên logic cho câu chuyện và cảm giác sợ hãi thật sự cho khán giả là cái tài của mỗi nhà làm phim.
Đối với các nhà sản xuất, phim kinh dị chưa bao giờ là dễ làm. Cái khó đầu tiên là truyền được nỗi sợ hãi đến với khán giả vì xem phim kinh dị mà không sợ là thất bại. Có nhiều cách để làm, chẳng hạn như hiệu ứng quay phim, cách kể chuyện, diễn xuất của diễn viên, thắt nút các sự kiện…
Các yếu tố khác, đạo diễn có thể kiểm soát nhưng hiệu ứng kỹ thuật hạn chế thì quả là một thách thức. Cái khó thứ hai là một phim kịch kinh dị không chỉ là truyền nỗi sợ hãi mà còn gây xúc động bởi thông điệp và nội dung của bộ phim. Hai sứ mạng này phải cân đối và hài hòa với nhau để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật thật sự. Đó là chưa kể vấn đề kiểm duyệt.
Phim kinh dị mà xem chẳng kinh dị là thực trạng chung hiện nay. Nếu làm đúng thể loại này sẽ vi phạm Luật Điện ảnh: không cho phép những cảnh quay gây sợ hãi, bạo lực, hoang mang, truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan. NSƯT Nguyễn Chánh Tín (Hãng phim Chánh Tín) từng thốt lên: “Làm phim kinh dị ở Việt Nam quá phức tạp và gian khổ, do phải trải qua quá nhiều khâu xét duyệt từ khi xin giấy phép cho đến khi hoàn tất hậu kỳ. Đó là chưa kể khi phim ra rạp lại bị cắt xén những hình ảnh, phân đoạn hấp dẫn, gây khó hiểu cho người xem”.
Còn Nghệ sĩ Phước Sang - Giám đốc Hãng phim Phước Sang thẳng thừng: “Làm phim kinh dị ở Việt Nam không khéo sẽ thành phim "dị nghị", phim tốn tiền đầu tư mà khi chiếu thì bị cắt bỏ hết các phân đoạn bị cho là "mê tín dị đoan", chiếu lên không "ép phê" gì hết, khán giả chê không xem. Là một nhà sản xuất, tôi chẳng dại gì mà làm phim kinh dị."
Có thể thấy, phim kinh dị ở Việt Nam đang là một thách thức, vì còn những cách nhìn khác nhau về thể loại này, cũng như việc thiếu kinh phí, thiếu kinh nghiệm, đạo diễn làm sao tuân thủ đầy đủ những luật lệ, phong tục mà vẫn gây được cảm giác sợ hãi cho khán giả? Tuy vậy, với một lượng khán giả lớn chờ đón, thể loại phim này đang vẫn là một cám dỗ khó bỏ, nên ngày càng có nhiều hãng phim muốn “liều mình như chẳng có” để làm tiếp.
Thùy Dương