Muôn vàn lý do
Ngày 19/2/2019, Công an xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) nhận được thông báo của gia đình hai nữ sinh L.T.B.X và V.T.P (Trường THCS Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) về việc hai em bỗng dưng mất tích sau khi đến nhà bạn chơi cách đây mấy ngày.
Công an vào cuộc và trong buổi chiều cùng ngày đã tìm thấy hai nữ sinh đang chơi ở một ngôi nhà hoang trong xã. Khi được hỏi lý do bỏ nhà đi, cả hai đều cho biết vì bố mẹ cấm sử dụng điện thoại và bị đánh.
Ít ngày sau, ngày 25/2/2019, báo chí đưa tin về vụ việc nữ sinh Đ.T.P (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Bình Yên, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) bỗng dưng mất tích sau khi đi học. Khoảng 1 tuần sau, gia đình nữ sinh lại thông báo đã tìm thấy con ở nhà chị họ, do muốn giấu gia đình nên P đã không nhắn tin, gọi điện về nhà. Lý do P bỏ đi được gia đình chia sẻ vì bị mẹ mắng.
Tháng 7/2019, tài khoản Lan Anh đã đăng tải lên Facebook thông tin cháu gái B.N.Y.N (10 tuổi) cùng bạn học là cháu T.U đang đạp xe đạp chơi dưới sân chung cư thì bỗng nhiên bị mất tích. Không chỉ nhờ cậy mạng xã hội lan toả thông tin tìm kiếm giúp, cả hai gia đình còn thông báo với công an. Ngay trong buổi đêm hôm đó, Công an phường Trung Hòa đã đưa 2 cháu về nhà an toàn. Được biết, nguyên nhân vụ việc là do cháu T.U bị mẹ mắng và nói sẽ đánh cho một trận nên cháu đã rủ Y.N cùng bỏ nhà ra đi.
Chiều ngày 3/8/2019, Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) thông báo đã tìm thấy em T.T.T. L (15 tuổi, trú tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà). Trước đó vài ngày, L đã cầm theo 2 điện thoại của bố mẹ rời khỏi nhà mà không nói với gia đình là đi đâu.
Tối đến, không thấy con gái về, bố mẹ L và người thân mới tá hỏa đi tìm kiếm nhưng không có tin tức. T.L sau đó được công an tìm thấy khi đang đi chơi đêm ở phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). Tại cơ quan công an, L nói bỏ nhà ra đi là do buồn chán vì thi trượt lớp 10.
Trên một diễn đàn, một thành viên tuổi teen đã đưa ra hai lý do để “biện hộ” cho hành động đi bụi của bạn bè mình. Nếu lược qua những suy nghĩ ngông dại của tuổi trẻ thì ý kiến của bạn trẻ này cũng có nhiều điều khiến phụ huynh giật mình suy ngẫm: “Điều thứ nhất là cha mẹ nhiều khi không hiểu rõ rằng con họ không hề muốn họ coi chúng như những đứa trẻ.
Chuyện cha mẹ lo lắng cho con nhiều quá, cấm đoán con nhiều quá có hại hơn là có lợi. Mà cái hại đầu tiên là bố mẹ và con cái không hiểu nhau, gây không khí căng thẳng trong gia đình. Điều thứ hai là cha mẹ không hiểu rõ là con họ muốn họ tôn trọng chúng.
Mọi người đều là công dân, đều có quyền tự do cá nhân, người khác không được phép xâm phạm. Vậy mà nhiều người thường có thói quen lục lọi đồ đạc của con để kiểm tra. Làm như vậy chẳng ai là không giận và cảm thấy mình bị xúc phạm...”.
Đêm 16/8/2019, lực lượng công an cũng đã tìm thấy nữ sinh N.T.V.A (sinh năm 2003, trú tại Yên Phong, Bắc Ninh) tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Trước đó, tối 12/7, V.A xin phép gia đình đi sinh nhật bạn, tuy nhiên đến khuya không thấy về, điện thoại không gọi được.
Rất nhiều kịch bản xấu về việc bắt cóc, buôn bán nội tạng, cướp giết hiếp… đã được cộng đồng mạng đưa ra tiên đoán khiến gia đình vô cùng lo lắng. Sau khi được tìm thấy bình an, nữ sinh V.A cho biết lý do bỏ nhà đi vì cảm thấy chán nản nên muốn đi tìm việc làm.
Gần đây nhất, ngày 15/11/2019, bà Nguyễn Thị Châu (42 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã đến Công an huyện Quỳnh Lưu trình báo về việc con gái Hồ Thị Ng (15 tuổi) mất tích nhiều ngày. Đến ngày 18, công an phát hiện Ng đang ngồi trên xe máy với 2 người lạ và đã bàn giao cho gia đình. Ng cho biết em bỏ nhà đi là “tự nguyện” theo các bạn vì thấy buồn và không thông báo cho gia đình.
Cùng thời gian này, Công an xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) cũng ráo riết tìm kiếm Lê Thị M (SN 2003) được gia đình báo mất tích sau khi học thêm môn Toán vào tối 12/11. Hai hôm sau, Công an đã tìm thấy M tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, M nói tự bỏ nhà đi…
Nỗi niềm ẩn chứa đằng sau
Với nhiều người, việc những đứa trẻ đang yên đang lành bỗng dưng bỏ nhà ra đi là một hành động khó chấp nhận. Đã và đang có rất nhiều “chiếc mũ định kiến” chụp lên đầu những đứa trẻ ấy như: Bỏ nhà theo trai, bản tính thích tự do, hoang đàng, không biết thương cha mẹ, sống ích kỷ..., mà ít có câu hỏi nghiêm túc đặt ra rằng nguyên nhân nào đã khiến những đứa trẻ quyết định làm chuyện liều lĩnh và cũng rất nguy hiểm đó.
Sở dĩ nói là liều lĩnh và nguy hiểm, vì không một đứa trẻ bỏ nhà đi nào biết được điều gì đang chờ mình ngoài kia. Đã có nhiều vụ việc xảy ra với trẻ bỏ nhà đi và để lại hậu quả nghiêm trọng như bị lạm dụng tình dục, bị lừa bán hoặc hiếp dâm.
Đơn cử như ngày 22/7/2019, Nguyễn Thị V.A (SN 2003, quê Yên Phong, Bắc Ninh) bỏ nhà đi hơn 1 tuần khiến gia đình nháo nhào tìm kiếm. Sau khi được tìm thấy ở Hà Nội, V.A khai, vì chán nản nên muốn đi tìm việc. Trong quá trình bỏ nhà đi, em đã từng suýt bị kẻ xấu lừa nhưng may mắn trốn thoát. Sau đó, V.A tiếp tục lang thang khắp nơi để xin việc nhưng không ai nhận do tuổi nhỏ.
Trước đó, TAND TP Hà Nội cũng đã đưa Đoàn Văn Vinh (SN 1991, ở Tuyên Quang) ra xét xử phúc thẩm tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Theo bản án sơ thẩm, Vinh quen cháu T (SN 2002, quê Thanh Hóa) qua điện thoại. Biết T. muốn ra Hà Nội xin việc làm, Vinh chủ động gọi điện cho T, bảo ra Hà Nội và sẽ giúp đỡ. Tuy nhiên, T đã không xin việc cho cô bé như đã hứa mà đưa vào nhà nghỉ để thực hiện hành vi giao cấu...
Nhóm trẻ em tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia đối thoại. |
Trên thực tế, đứa trẻ nào cũng khát khao được sống trong một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, được hưởng trọn vẹn tình yêu thương của cả cha và mẹ. Và vì thế, khi điều đó không đạt được, với một số trẻ sẽ có vô khối lý do để bỏ nhà đi như: Sợ cha mẹ đánh mắng (là nguyên nhân thường gặp khiến các em bỏ nhà đi); cuộc sống gia đình không hạnh phúc làm trẻ thấy chán chường, không muốn ở nhà; cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, khiến trẻ bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình; được quan tâm quá mức cũng là lý do khiến trẻ cảm thấy mất tự do, muốn thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của cha mẹ; bị bạn xấu lôi kéo…
TS. Lê Nguyên Phương, người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam cho rằng hành động bỏ nhà ra đi thường xảy ra ở trẻ tuổi vị thành niên, vì ở lứa tuổi này nhận thức của trẻ chưa phát triển đầy đủ để có thể cân nhắc các hậu quả của hành vi.
Khả năng diễn đạt ý tưởng và cảm xúc của mình với người xung quanh, cũng như những kỹ năng điều hoà và kiểm soát những rung động cảm tính của trẻ, cũng còn giới hạn. Vì vậy, trẻ thường cảm thấy bất lực trước những yêu cầu của người khác và có thể xem như những đòi hỏi mang tính áp bức đối với chúng.
“Hành động bỏ nhà ra đi ở trẻ vị thành niên là ý muốn giành lại quyền làm chủ cuộc đời của mình. Trẻ có thể cho rằng cha mẹ là nguyên nhân của tất cả những khó khăn trong cuộc sống của mình, những yêu cầu của cha mẹ là áp lực không thể chịu đựng được. Trong một số trường hợp, trẻ muốn chứng tỏ sự trưởng thành và tự lập của mình. Trong nhiều trường hợp khác, chúng chạy trốn tình trạng cha mẹ ly dị, bạo hành, xâm hại, kỳ thị giới tính, cùng các khủng hoảng tại trường” - TS Lê Nguyên Phương lý giải.
Bản thân phụ huynh phải “chữa bệnh” cho chính mình
Em Lê Trần Kim Linh – học sinh tại TP HCM (thay mặt cho nhóm trẻ em tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia đối thoại “Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình phạt thể chất và tinh thần trẻ em” ngày 13/12):
“Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị đánh mắng, bạo hành tại gia đình, nhà trường, nhưng theo em chủ yếu vì cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em và cũng chưa tin tưởng chúng em, để từ đó có các biện pháp giáo dục, đồng hành cùng chúng em. Trẻ em không thể nên người nhờ đòn roi và trừng phạt thể chất, tinh thần của trẻ là vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, dù bất kỳ người đó là ai, cha mẹ hay thầy cô”.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc:
“Độ tuổi từ 10-18 là lứa tuổi mà đứa trẻ có những biến động mạnh mẽ về tâm, sinh lý. Ở độ tuổi này, trẻ có thể nói dối bố mẹ hoặc tỏ thái độ phản kháng, buồn bã, đau khổ khi có xung đột trong gia đình xảy ra. Nếu trong độ tuổi này, một đứa trẻ bỗng thường xuyên nói dối bố mẹ và bỏ nhà đi tức là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình có vấn đề.
Theo đó, cuộc sống quá nhiều áp lực, bố mẹ mải mê kiếm tiền và không dành thời gian cho con trẻ khiến trẻ cảm thấy bơ vơ, cô đơn. Trong khi trẻ có rất nhiều nhu cầu của tuổi mới lớn, thích khám phá, thích tự do yêu đương, thích làm đẹp, thích vui chơi… thì phụ huynh lại cấm cản, không lắng nghe.
Nhiều bố mẹ chỉ biết quan tâm tới điểm số, ép con học cho bằng bạn, bằng bè, mắng chửi. Dần dần, trẻ học cách nói dối, bỏ nhà đi để giải thoát bản thân. Cũng có trẻ bỏ đi để được bố mẹ quan tâm hơn.
Cha mẹ nên thường xuyên tổ chức các cuộc họp gia đình, qua đó cùng con cái thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Cha mẹ cần thẳng thắn, quyết liệt nhưng không được áp đặt con cái. Bên cạnh đó, cha mẹ đừng áp đặt suy nghĩ, quan điểm của mình lên con cái ở tuổi vị thành niên, thay vào đó, hãy để con nói lên nguyện vọng của mình.
Đừng cố gắng kiểm soát trẻ bằng hành vi mắng chửi, đòn roi hay bày tỏ thái độ thờ ơ với trẻ mà hãy quan tâm đến những mối quan hệ của con, những vấn đề con gặp hằng ngày một cách tinh tế, khéo léo, tránh làm trẻ cảm thấy mất tự do trong sự kiểm soát”.
Ông Nguyễn Hoàng Quyền, chuyên viên tâm lý học đường, giảng viên chương trình kỹ năng sống của Tổ chức OpenM:
“Thời điểm con bước vào tuổi vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái, cha mẹ cần coi những biểu hiện tâm lý “nổi loạn”, “bất thường” của con là “bình thường” và phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi, nhưng tuyệt đối không được “coi thường”. Tuy nhiên, giai đoạn này, các em cần được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn từ phía cha mẹ.
Chính sự chia sẻ và làm bạn với con sẽ là điểm tựa để các con vượt qua khó khăn và lường trước nguy hiểm trong các câu chuyện con kể về mối quan hệ của con. Khi con đã về nhà sau khi bỏ đi, cha mẹ không nên chỉ trích, chì chiết mà hãy động viên con, cùng con trao đổi một cách chân thành, giúp con hiểu hành động đó là sai và rất nguy hiểm.
Dù bận rộn đến mấy, cha mẹ hãy cố gắng sắp xếp thời gian để bên con, dù chỉ 1 giờ trong ngày nhưng hãy biến đó là “giờ vàng” để xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ - con cái, để con luôn được giáo dục và định hướng tốt nhất”.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Động - Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi):
“Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, có nhiều biến đổi mạnh mẽ về thể chất, thường xảy ra nhiều mâu thuẫn về mặt tâm lý. Ở lứa tuổi này các em muốn khẳng định mình là người lớn, muốn sống tự lập nên dễ có những hành động bồng bột, nông nổi.
Nếu các bậc cha mẹ, thầy cô giáo thiếu quan tâm, thiếu phương pháp giáo dục kỹ năng sống phù hợp thì rất dễ gây tổn thương đến tính tự trọng, tâm, sinh lý của các em ở lứa tuổi này, nếu các bậc phụ huynh còn dùng roi vọt đánh đập là phản giáo dục, gây vết hằn tâm lý cho tinh thần các em.
Khi mâu thuẫn tâm lý trong lòng các em dâng lên cao độ thì dễ dẫn đến hành động nông nổi như tự tử hay bỏ nhà ra đi tránh ảnh hưởng đến gia đình, tham gia nhóm xã hội để khẳng định mình”.
ThS Nguyễn Thành Nhân - Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Thái Bình Dương:
“Ở một góc độ nào đó, những đứa trẻ hay bỏ nhà ra đi chứng tỏ tình cảm gắn kết gia đình rất kém, cha mẹ thiếu quan tâm hoặc quá chiều con. Gia đình chưa tạo đủ lực để chống lại các vấn đề trong xã hội. Để đối phó với những tình huống này, bản thân phụ huynh phải “chữa bệnh” cho chính mình đã, phải xem lại cách quan tâm con cái và tình cảm gắn kết trong gia đình.
Cha mẹ phải dành nhiều thời gian quan tâm và nói chuyện với nhau để tạo thành “mật mã” trong gia đình. Cứ mỗi ngày như thế, qua cách nói chuyện, cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra những dấu hiệu lạ để biết con mình có đang gặp vấn đề gì hay không để can thiệp kịp thời”. X.Hoa