Trong bối cảnh quân đội Syria tiếp tục cuộc tổng tấn công quy mô lớn hòng giành lại quyền kiểm soát toàn bộ thành phố Aleppo, người đứng đầu Hội đồng Quốc gia Syria đã lên tiếng kêu gọi các nước vũ trang cho quân nổi dậy.
Quân nổi dậy Syria. Ảnh: AP |
Những lời kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Syria (SNC) Abdulbaset Sayda được đưa ra sau khi các nước phương Tây cảnh báo về một cuộc tấn công đẫm máu ở Aleppo – thành phố đông dân nhất và giữ vị trí quan trọng thứ 2 sau thủ đô Damascus.
“Chúng muốn các thứ vũ khí có thể ngăn chặn được xe tăng và máy bay chiến đấu” – ông Sayda nói tại một cuộc họp báo ở Abu Dhabi. Ông Sayda cũng thúc giục những người anh em và bạn bè Ả rập hỗ trợ Quân giải phóng Syria (FSA). Cho đến nay, quân nổi dậy Syria vẫn chưa nhận được bất kỳ sự trợ giúp về quân sự nào từ nước ngoài trừ việc các quốc gia Vùng Vịnh hồi tháng 4 vừa qua đã đồng ý trả “lương” cho các binh lính của FSA.
Sayda cũng cho rằng “hình mẫu Yemen”, trong đó Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã được ân xá để đổi lấy việc từ chức, sẽ không thể áp dụng tại Syria. “Các vụ thảm sát đang xảy ra. Chúng tôi tin rằng Tổng thống Bashar al-Assad cần phải bị xét xử. Ông ta là tội phạm và không được để thoát”, ông Sayda nói.
Sayda cho biết thêm rằng SNC có thể sẽ thảo luận về các kế hoạch thành lập một chính phủ chuyển tiếp với các nhóm nổi dậy tham gia vào cuộc chiến. “Chúng tôi đang nghiên cứu về một chính phủ chuyển tiếp và chúng tôi sẽ liên lạc với tất cả các lực lượng tại Syria”, ông Sayda cho biết.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 28/7 đã cảnh báo rằng sự hỗ trợ quốc tế cho lực lượng đối lập tại Syria sẽ dẫn tới tình trạng “đẫm máu hơn” và không có hy vọng về việc chính quyền Damascus chấp nhận nhượng bộ phe đối lập. “Bi kịch là điều có thể xảy ra tại Aleppo và phe đối lập cũng phải chịu một phần trách nhiệm”, Ngoại trưởng Nga cảnh báo trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba tại thành phố Sochi của Nga. Ông Lavrov cũng cho biết Nga sẽ không xem xét cho Tổng thống Assad tị nạn.
Phái viên chung của Liên hợp quốc và châu Phi Kofi Annan ngày 28/7 nói rằng ông “quan ngại” trước những báo cáo về mức độ tập trung quân đội và vũ khí hạng nặng xung quanh Aleppo, dấu hiệu báo trước một cuộc chiến sắp xảy ra. “Việc leo thang xây dựng quân đội là bằng chứng thêm cho thấy cộng đồng quốc tế cần phải làm việc với nhau để thuyết phục các bên rằng chỉ có một sự chuyển đổi về chính trị, dẫn đến ổn định về chính trị mới có thể xử lý cuộc khủng hoảng này” – ông Annan nói.
Các nhà hoạt động cho biết, các cuộc giao tranh đã xảy ra quyết liệt tựi Aleppo kể từ rạng sáng 28/7. Các khu vực tập trung quân nổi dậy đã bị nã pháo cả ngày, trong khi máy bay chiến đấu của chính phủ lượn lờ ở gần mặt đất.
Đến cuối ngày 28/7, lực lượng nổi dậy đã kiểm soát phần lớn thành phố. Nhóm quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, 29 người đã thiệt mạng tại Aleppo trong ngày 28/7 và con số người tử vong trên cả nước là 168 người. Trực thăng và pháo kích vẫn tiếp diễn ác liệt trong ngày 29/7, báo hiệu giai đoạn quyết định của cuộc chiến tại Aleppo.
Hãng tin
SANA dẫn lời một quan chức Aleppo nói rằng binh lính sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi thanh trừng được các nhóm vũ trang và khôi phục hòa bình cho cư dân. Quan chức này cũng nói rằng quân chính phủ đã nhận được một lô vũ khí và đạn dược mới nhưng không cho biết nguồn gốc.Giới phân tích nhận định, trận chiến ở Aleppo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả 2 phe. Với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, đây là phép thử quan trọng khi chính quyền Tổng thống Assad đã cam kết lực lượng chính phủ sẽ duy trì được quyền kiểm soát tại 2 thành phố chính – Aleppo tại phía Bắc và thủ đô Damascus.
Trong khi đó, với phe chống đối, Aleppo là “chìa khóa” giúp khống chế miền Bắc, mở đường cho việc tái hiện lại các sự kiện đã xảy ra tại thành phố Benghazi của Libya trước đây. Chiếm được Aleppo, phe đối lập sẽ thiết lập được vùng đệm an toàn cho việc tổ chức lại hàng ngũ, huấn luyện các tay súng và tiếp nhận vũ khí từ bên ngoài.
Minh Ngọc (theo BBC, Reuters)