Phát triển nuôi trồng thủy sản: Loay hoay bài toán quy hoạch

Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành quy hoạch phát triển ngành thủy sản trong đó có mục tiêu chủ yếu là phát triển ngành nuôi trồng thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành quy hoạch phát triển ngành thủy sản trong đó có mục tiêu chủ yếu là phát triển ngành nuôi trồng thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Theo đó, 5 vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ mặn trọng điểm được quy hoạch ở Kiến Thụy, Tiên Lãng, Cát Hải, Hải An và Đồ Sơn. Tuy nhiên, đến nay, quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm này hầu hết  bị phá vỡ. Trong khi đó, có những vùng nuôi như ở Cát Bà lại  có tình trạng phát triển ồ ạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Có cũng như không

Ông Đào Bá Điện, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT), cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 2 vùng nuôi thủy sản nước lợ đang bị phá vỡ quy hoạch là vùng ven đê biển 1 trên địa bàn hai quận Dương Kinh và Đồ Sơn, vùng nuôi thủy sản ven biển quận Hải An, với lý do bị  dành đất cho các dự án. Điều đáng lo ngại là do quy hoạch bỏ lửng, đất nuôi trồng thủy sản kẹt giữa đất dự án nên người dân và các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong sản xuất.

Phá vỡ hạ tầng vùng nuôi
Theo ông Hoàng Đình Mỹ, Phó giám đốc Xí nghiệp dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, trước đây, cả khu vực đê biển 1 chạy dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng có diện tích nuôi thủy sản nước lợ là gần 700 ha, đến nay, diện tích còn lại khoảng 300 ha. Phường Tân Thành còn 175 ha, Hải Thành còn khoảng 48 ha. Phần lớn diện tích nuôi thủy sản của hai địa phương đã dành đất cho hàng loạt các dự án khu công nghiệp Đồ Sơn, khu đô thị Our city, sân Gôn Đồ Sơn…Sau khi giao cho dự án sân gôn Đồ Sơn 248 ha đầm nuôi thủy sản, xí nghiệp nuôi thủy sản Đồ Sơn còn 109 ha đầm giao cho 83 công nhân và hơn 100 người dân. Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy hiện cũng còn 280 ha giao khoán cho 407 hộ nuôi, nhưng hơn 60% hộ nuôi cầm chừng vì hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản đã xen giữa các dự án, bị phá vỡ hạ tầng, ba bề bốn bên đều ô nhiễm. Đến thời điểm này, các chủ đầm đều  bỏ sản xuất, để mặc một vùng ô nhiễm, hoang hóa.

Nhiều diện tích đầm nuôi thủy sản của người dân phường Hải Thành (quận Dương Kinh) bị ô nhiễm do nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Ảnh: Phương Duy

Nhiều diện tích đầm nuôi thủy sản của người dân phường Hải Thành (quận Dương Kinh) bị ô nhiễm do nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
                                                                                                         Ảnh: Phương Duy

Báo cáo của Phòng Kinh tế quận Hải An thể hiện rõ, hiện nay, diện tích nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn quận còn khoảng 1.100 ha, giảm 783 ha so với năm 2007. Phần lớn diện tích nuôi thủy sản nước lợ ở khu vực này dành cho các dự án công nghiệp, đô thị. Vùng Vũ Yên có diện tích nuôi thủy sản nước lợ là 300 ha nhưng tại đây đang phải nhường đất cho hàng loạt dự án xây dựng đô thị và khu công nghiệp Bắc sông Cấm. Khu vực bán đảo Đình Vũ theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2001-2010, đây là vùng nuôi trồng thủy sản lớn với diện tích hơn 1000 ha. Tuy nhiên, chỉ sau khi công bố quy hoạch có 3 năm, toàn bộ vùng này đã phải nhường đất cho các dự án công nghiệp. Đến thời điểm này, toàn bộ khu vực này đã thành khu công nghiệp Đình Vũ, một số diện tích chưa thu hồi, người dân vẫn tận dụng nuôi thủy sản. Vùng Đông Nam Hải Tràng Cát có diện tích đầm nuôi thủy sản là 127 ha hiện cũng dành diện tích cho phát triển đô thị, nhà máy nên hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản ở khu vực này bị băm nát. Vùng Tràng Cát diện tích nuôi trồng thủy sản 800 ha nhưng phần lớn diện tích này cũng dành cho các dự án lớn như đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, dự án nhà máy xử lý rác Tràng Cát, dự án của công ty Hapaco…nên cũng không còn diện tích nuôi thủy sản.

“Đi cũng dở, ở lại thì kẹt”
“Do bị thất bát liên tục nên công nhân phải bỏ đầm thủy sản, xoay đủ nghề kiếm sống”- anh Trịnh Hữu Đằng, công nhân Xí nghiệp dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn vừa cắt tóc cho khách hàng vừa khẳng định- Tôi đầu tư nuôi trồng thủy sản từ những ngày đầu thành lập xí nghiệp. Nhưng từ năm 2005, tôi phải dành 3 ha đầm nuôi thủy sản cho dự án sân gôn Đồ Sơn. Được ít tiền đền bù, năm 2006, tôi tiếp tục đầu tư 1,5 ha đầm tại khu vực sát kênh T600. Nhưng cũng từ năm 2007 đến nay, vụ nuôi nào tôi cũng bị thất bát, tôm cua chết hàng loạt vì đầm nuôi  nằm kẹt giữa các dự án là khu Công nghiệp Đồ Sơn, sân gôn Đồ Sơn và dự án khu đô thị Our City. Môi trường vùng nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nước thải của khu công nghiệp Đồ Sơn đổ thẳng ra mương thủy lợi chung, hệ thống thủy lợi bị chia cắt vì các dự án. Nghe nói, khu vực dọc đê biển 1 này đều chuyển sang quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị nhưng chưa có cơ quan chức năng nào công bố cho các hộ dân và doanh nghiệp ở đây biết rõ về sự thay đổi quy hoạch, thời gian cụ thể bao giờ dừng hoàn toàn việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở đây”.
Ông Vũ Văn Hòa, hộ nuôi tôm ở khu vực Tràng Cát (quận Hải An) cho biết: “Nuôi quảng canh cũng chịu thất bát liên tục vì đầm kẹt giữa các dự án công nghiệp nên nguồn nước nuôi thủy sản bị ô nhiễm nghiêm trọng, hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, cơ sở hạ tầng vùng nuôi bị phá vỡ. Đặc biệt, nhiều khu vực ao đầm tự nhiên trước đây là ao nuôi thủy sản thì nay đã trở thành hồ điều hòa trong khu dân cư, khu công nghiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều hộ nuôi thủy sản ở Đình Vũ, Tràng Cát đã buộc phải bỏ không đầm vì ô nhiễm dù đất thủy sản chưa được các dự án thu hồi”
Đầm nuôi trồng thủy sản xen kẽ với các dự án công nghiệp, đô thị cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản ở hai khu vực này ở trong cảnh “dở khóc, dở cười”. Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Đình Vũ có 170 ha đầm nuôi thủy sản hiện cũng bị thu hồi toàn bộ để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp của thành phố. Cán bộ, công nhân của xí nghiệp buộc phải chuyển vào làm việc tại khu nuôi thủy sản của Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng tại xã Tiên Hưng, Tiên Lãng. Ngoài ra, tại khu vực Tân Vũ và Tràng Cát, dự án nuôi tôm công nghiệp theo phê duyệt có tổng diện tích 328 ha với tổng mức đầu tư gần 86 tỷ đồng. Khu vực này cũng có sự thay đổi về quy hoạch sử dụng đất. Các khu đầm 1 và 2 dành cho công trình đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, khu đầm 3 được quy hoạch trở thành vùng phát triển đô thị. Đến thời điểm có thông báo dừng thực hiện, dự án triển khai được 2 gói thầu hạng mục hạ tầng thuộc vốn ngân sách theo đúng tiến độ cấp vốn của thành phố (5,3 tỷ đồng). Đến năm  2008, UBND thành phố có văn bản yêu cầu dừng thực hiện dự án này. Hai xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, Kiến Thụy, từ năm 2008, cũng phải bỏ không khá nhiều diện tích nuôi thủy sản vì ô nhiễm nguồn nước. Do các công nhân bỏ đầm nuôi, nợ sản phẩm nên doanh nghiệp thường xuyên phải vay tiền ngân hàng để duy trì sản xuất và luôn trong cảnh nợ lương công nhân.


Cát Hải là địa phương có tiềm năng hơn 10 nghìn ha mặt nước biển phát triển nuôi thủy sản nước mặn. Từ năm 1995 đến nay, nghề nuôi cá lồng bè ở Cát Hải phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, diện tích thực sự đưa vào sử dụng nuôi biển mới khoảng 2000 ha. Do thiếu quy hoạch, nuôi cá lồng bè phát triển tự phát với công nghệ nuôi đơn giản, không chú ý con giống, công tác thú y thủy sản, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, đối mặt với ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…

Đầm nuôi thủy sản tại Đình Vũ (Hải An) đang “nhường chỗ” cho phát triển các dự án công nghiệp. Ảnh: Phương Duy

Đầm nuôi thủy sản tại Đình Vũ (Hải An) đang “nhường chỗ” cho phát triển các dự án công nghiệp.                                                                    Ảnh: Phương Duy

Chậm quy hoạch, phát triển tự phát
Năm 1990, 5 lồng bè nuôi thủy sản xuất hiện tại vùng biển Cát Bà từ sự liên kết giữa Công ty Ca Thay (Hồng Kông) và Công ty thủy sản Cát Hải. Nhưng phải đến năm 1995, khi khai thác thủy sản hiệu quả thấp, người dân Cát Hải mới bắt đầu chú ý đến phát triển nuôi cá lồng bè gắn với phục vụ du lịch. Ban đầu, để phát triển nghề mới này, cùng với khuyến khích ngư dân chuyển từ khai thác thủy sản sang nuôi cá lồng bè, chính quyền địa phương  hỗ trợ vốn các hộ tham gia dự án. Việc nuôi cá lồng bè lúc đó khá “hấp dẫn”: đầu tư không lớn, giá thành con giống lại rẻ, phương thức nuôi đơn giản vì nguồn thức ăn cho cá được tận thu từ thiên nhiên; nhu cầu tiêu thụ loại cá này đối với khách du lịch ngày một nhiều; khả năng xuất khẩu lớn. Hơn thế, các hộ nuôi nhàn, không phải tìm đầu ra bởi các tư thương từ Quảng Ninh, nội thành Hải Phòng, nhà hàng, khách sạn...về tận nơi thu mua. Do vậy, số lượng lồng bè nuôi thủy sản tăng nhanh sau mỗi năm. Năm 2000, toàn huyện có 70 bè cá với 560 ô lồng. Hiện nay, có 588 lồng bè nuôi cá biển với 11.696 ô lồng, tăng 3.999 ô lồng so với năm 2005. 
Số lượng ô lồng nuôi cá tăng nhanh chóng mặt nhưng chủ yếu là tự phát, đồng thời việc neo đậu chưa có quy hoạch và sự quản lý của Nhà nước. Nhiều hộ dân tự do khoanh vùng mặt nước để nuôi thả, các bè nuôi lắp đặt không theo quy định nào, vị trí lại quá gần nhau khó khăn cho việc di chuyển. Các bè nuôi mọc lên dày đặc tại 3 khu vực: vịnh bến tàu du lịch 246 bè nuôi; vịnh bến bèo gần 240 bè nuôi, vịnh Lan Hạ gần 50 bè nuôi. Gần đây, tại khu vực Vịnh Lan Hạ xuất hiện nhiều bè nuôi tự do của ngư dân huyện Thủy Nguyên và tỉnh Quảng Ninh neo đậu. Nhiều hộ dân còn có sáng kiến không làm lồng bè nuôi mà quây phên nứa, quây lưới ngay trên mặt vịnh để nuôi thủy sản. Đáng ngại hơn, trong số trên có tới 65 bè, gồm 930 ô lồng không có giấy phép, 452 bè gồm 2.763 lồng tự ý cơi nới và 56 dậu đóng trái phép xuống vịnh. So với số liệu điều tra cách đây 1 năm, tăng 4 bè, 1.145 ô lồng, 452 mảng tre và 20 bãi tu hài. Điều đáng chú ý là chỉ có 148 bè của ngư dân huyện đảo, còn 383 bè là của ngư dân đến từ huyện Thuỷ Nguyên, tỉnh Quảng Ninh và các nơi khác, nên rất khó quản lý.

Lợi bất cập hại
Việc nuôi lồng bè, phát triển ồ ạt, tự phát không theo quy hoạch nào đang đưa đến nhiều hệ lụy. Lĩnh vực nuôi cá lồng bè, các hộ dân vẫn sử dụng phương thức nuôi đơn giản trong lồng lưới nổi, đối tường nuôi chủ yếu là các giống cá song, cá giò, cá Hồng Mỹ, cá tráp… nguồn giống chủ yếu vẫn là thu gom giống tự nhiên, thức ăn lá cá tạp tươi sống. Nguy cơ về ô nhiễm môi trường khá rõ. Thức ăn dư thừa từ nhà hàng, chất thải của cá các chất thải sinh hoạt khác của con người hoạt động trên lồng bè, chất thải của các nhà hàng du lịch trên các bè dịch vụ, xăng dầu và các chất thải từ xăng dầu từ tàu cá. Các lồng bè đặt quá sát nhau hạn chế tốc độ của dòng chảy làm giảm mức độ trao đổi, làm sạch nước, tăng nguy cơ lây lan và phát tán mầm bệnh do mật độ sinh vật trong thủy vực quá cao. Do đó, bệnh dịch thường thấy đối với cá lồng bè, đó là cá thường mắc các bệnh lở loét, đường ruột đối với cá song, bệnh sưng gan đối với cá giò. Bên cạnh đó, do phát triển nuôi ồ ạt với tốc độ chóng mặt trong khi hệ thống dịch vụ cung cấp thuốc thú y thủy sản, hóa chất và con giống… phục vụ cho nghề nuôi biển chưa hình thành, dịch vụ khuyến ngư chưa đến được với người sản xuất. Nên hiện nay, các hộ nuôi cá lồng bè trong tình cảnh thiếu nguồn cá giống chất lượng nghiêm trọng, buộc phải sử dụng giống cá của thương lái Trung Quốc, dù biết chất lượng không bảo đảm.  
Tình hình tiêu thụ cá lồng bè trong mấy năm gần đây phụ thuộc nhiều vào khả năng thu hút khách du lịch của Cát Bà và năng lực thu gom vận chuyển sản phẩm tiêu thụ ở một số thị trường tiểu ngạch như Trung Quốc, Hồng Kông. Phần lớn các hộ nuôi hải sản biển chưa chủ động tự tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Việc tiêu thụ hải sản còn phụ thuộc vào những cơ sở thu gom tại chỗ, sau đó chuyển đi các thị trường khác, dẫn đến tình trạng các hộ có thể bị ép giá tiêu thụ, tồn động sản phẩm.
Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn phát sinh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đó là tình trạng khó quản lý hộ khẩu đối với những bè nuôi tự phát từ tỉnh ngoài về neo đậu hoặc khi các hộ tự ý tháo dỡ, lắp đặt, cơi nới, di chuyển bè nuôi từ vùng này sang vùng khác… Đó là những phức tạp nảy sinh trong quản lý an ninh trật tự, việc học tập, sinh hoạt cộng đồng, phúc lợi xã hội của trẻ em, người già cũng như người dân sống trên các bè. Thêm vào đó, tình trạng cá chết liên tục khiến nhiều hộ dân nuôi lồng bè ở Cát Bà trước nguy cơ điêu đứng thất bát. Nhiều người dân đầu tư nuôi cá lồng bè chán nản, muốn bỏ bè cá lên bờ, về quê sinh sống nhưng không thể, vì đã đầu tư không ít tiền vào ô lồng. Đâm lao phải theo lao. Theo trưởng phòng nông nghiệp- PTNT huyện Cát Hải Vũ Đình Khượng, việc quy hoạch phát triển nuôi cá lồng bè quá chậm khiến cho nhiều giải pháp để lập lại trật tự vùng nuôi của địa phương gần như không khả thi. Tháng 9 vừa qua, thành phố đã công bố quy hoạch nuôi hải sản, đây là lần đầu tiên nuôi biển có quy hoạch dẫn đường. Để thực hiện được quy hoạch này, trước mắt, huyện Cát Hải cần phải làm rất nhiều việc để khắc phục hậu quả của tình trạng phát triển ồ ạt, tự phát trong nhiều năm qua.

 (Còn tiếp)
 Hoàng Yên

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.