Dồn dập trong 7 năm qua, trên địa bàn huyện Tiên Lãng có hàng loạt dự án nuôi thuỷ sản lớn nhất thành phố triển khai trên diện tích huyện và ngành thuỷ sản quy vùng chuyên nuôi thuỷ sản nước lợ hơn 1600 ha. Tuy nhiên, phần lớn dự án đứng trước nguy cơ phá sản. Hệ thống đầm nuôi bỏ không hoặc sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng đến phát triển thủy sản theo quy hoạch của huyện và thành phố.
Đầu tư lớn, kết quả nhỏ giọt
Tổng giám đốc Công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu Hải Phòng Đồng Xuân Oanh cho biết: “Dự án nuôi tôm công nghệ cao ở Tiên Lãng có tổng mức đầu tư 46 tỷ đồng, nhưng mỗi năm, trung bình ngân sách chỉ rót hơn 1 tỷ đồng. Vốn ngân sách cấp nhỏ giọt, khiến doanh nghiệp rất khó xoay xở. Do vậy, thiếu tiền đền bù, huyện Tiên Lãng chỉ cấp 45 ha trong tổng số 91 ha được quy hoạch cho dự án. Hiện doanh nghiệp lấy kinh phí đền bù của diện tích nuôi thủy sản của Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Đình Vũ sang để khởi động lại dự án sau 5 năm tạm dừng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên doanh nghiệp chưa thể triển khai sản xuất tôm công nghiệp, phần lớn diện tích vẫn cho công nhân nuôi quảng canh”.
Dự án xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp của Công ty Công nghệ Việt Mỹ cũng trong tình cảnh như vậy. Quy mô của dự án lên tới 988 ha với tổng mức đầu tư bằng vốn tự có trong 3 giai đoạn 76 tỷ đồng. Nhưng do chưa trồng rừng phòng hộ, các đầm và hệ thống cấp, thoát nước trong khu nuôi tôm công nghiệp của công ty bị hư hại nặng sau các đợt bão và triều cường. Bên cạnh đó, công ty gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Chỉ trong vòng 6 năm, công ty phải thay tới 13 giám đốc. Cán bộ có chuyên môn điều hành dự án thiếu trầm trọng. Đội ngũ công nhân kỹ thuật vận hành không được đào tạo tay nghề kịp thời. Từ khi triển khai hoạt động (năm 2003) đến nay, công ty liên tục lâm vào tình trạng thua lỗ. Mục tiêu của dự án ban đầu là khu nuôi tôm công nghiệp, nay thực chất chỉ là khu vực nuôi tôm quảng canh cải tiến, kém hiệu quả. Cam kết ban đầu của công ty là đầu tư 76 tỷ đồng vốn nước ngoài cho dự án, đến nay “bất khả thi”. Còn dự án nuôi tôm công nghiệp Đông- Tây Hưng (Tiên Lãng) với quy mô 130 ha, tổng kinh phí đầu tư 28 tỷ đồng, song mới được giải ngân hơn 5 tỷ đồng. Do thiếu vốn, lại rải mành mành sau mỗi năm, hiện chưa có sản phẩm tôm công nghiệp. Dự án đang loay hoay tìm kiếm nhà đầu tư mới…
Dự án đầu tư vùng nuôi ngao quy mô lớn do Bộ Khoa học- Công nghệ môi trường (cũ) đầu tư với kinh phí hơn 2 tỷ (2007- 2008) tại xã Vinh Quang. Trong đó, dự án đã có kinh phí 600 triệu đồng để xây dựng trại sản xuất ngao giống và xây dựng mô hình khảo nghiệm. Tuy nhiên, do người dân không giao lại đầm nuôi trước đây theo nghị quyết của huyện nên địa phương không thể chỉ ra địa điểm cụ thể để xây dựng trại ngao giống nên dự án phá sản vì không chủ động được nguồn con giống tại chỗ. Dự án này cũng đành bỏ lửng, khiến quy hoạch vùng nuôi ngao tới vài nghìn ha của huyện không thể triển khai thực hiện.
Khu vực nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả và sai mục đích của Công ty Công nghệ Việt-Mỹ tại xã Vinh Quang (Tiên Lãng). |
Hỏng quy hoạch vùng
Vùng nuôi thủy sản nước lợ của huyện tập trung tại các xã Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng. Tại các vùng này đều có dự án nuôi trồng thủy sản đầu tư hạ tầng dở dang, kém hiệu quả. Một số dự án nuôi tôm công nghiệp nhưng do cơ sở hạ tầng không được đầu tư đồng bộ, bỏ dở dang trong nhiều năm nên hiện trên diện tích đất được giao, các chủ dự án chủ yếu nuôi thủy sản theo phương pháp quảng canh. Chẳng hạn, dự án nuôi tôm công nghiệp Việt Mỹ, hiện người quản lý đang tạm cho một số hộ dân thuê đầm để nuôi tôm và cá rô phi. Dự án nuôi tôm công nghiệp của Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng phần lớn diện tích cho công nhân nuôi thủy sản quảng canh… Tại các vùng ven biển thuộc các xã trên, hầu hết hộ dân nuôi trồng thủy sản thực hiện chủ trương khai hoang, lấn biển của huyện. Sau đó, huyện cho các hộ dân thuê trong thời gian 15 năm, nhưng đến thời điểm này sắp hết hạn hợp đồng nên huyện chủ trương quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại; chia nhỏ các đầm vùng diện tích lớn, bảo đảm mỗi hộ thuê không quá 5ha đầm. Huyện yêu cầu các hộ dân ở khu vực này trả diện tích về cho các xã quản lý sau đó, xã sẽ giao lại các hộ dân đúng theo Luật Đất đai. Mục đích của huyện lập lại trật tự việc nuôi trồng thủy sản, giúp nguời dân đầu tư có trọng điểm, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, một số hộ nuôi trồng thủy sản không nắm rõ chủ trương của huyện, có tâm lý lo mất đầm, vùng đang sản xuất nên chưa thực hiện đúng quyết định của huyện, đồng thời lại bỏ mặc đầm, vùng không sản xuất…
Từ chỗ chủ động xây dựng quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung, quy mô lớn, áp dụng phương pháp nuôi công nghiệp để đạt giá trị kinh tế cao, vì nhiều nguyên nhân, quy hoạch này bị phá vỡ, gây khó khăn cho phát triển nuôi thủy sản của địa phương./.
Hoàng Yên