Sau hơn một năm triển khai chủ trương của Chính phủ về chương trình phát triển nhà ở xã hội bằng với các cơ chế ưu đãi, khuyến khích cụ thể, tại Hải Phòng ngoài các dự án nhà ở dành cho sinh viên thực hiện bằng vốn ngân sách được khởi công, nhà ở dành cho người thu nhập thấp mới chỉ có 1 dự án.
Theo quy định của các Nghị định 65, 66 và 67, doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội; được phép tăng mật độ xây dựng gấp 1,5 lần so với quy chuẩn về quy hoạch xây dựng; được áp dụng thuế suất VAT là 0% với các hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở xã hội và các hợp đồng mua bán nhà ở xã hội; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm kể từ khi có thu nhập. Doanh nghiệp còn tiếp tục được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong chín năm tiếp theo; được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% suốt thời gian còn lại của dự án... Các doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định; được vay Quỹ Phát triển nhà ở của địa phương, Quỹ Tiết kiệm nhà ở (sẽ hình thành trong tương lai) và các nguồn vốn vay ưu đãi khác; được Nhà nước bố trí các khu đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, đã có hệ thống hạ tầng kết nối ngoài phạm vi dự án để triển khai xây dựng nhà ở xã hội hoặc nhà giá thấp...
Dự án khu nhà ở sinh viên tại phường Kênh Dương (Lê Chân) đang triển khai thi công. |
Ngoài những ưu đãi chính trên, doanh nghiệp còn được các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng hỗ trợ các thủ tục hành chính như rút gọn quy trình thẩm định dự án, được chỉ định thầu, miễn phí thiết kế, khi triển khai dự án xây nhà ở xã hội…Tạo điều kiện như vậy, nhưng đa số doanh nghiệp không hưởng ứng chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Tại Hải Phòng, ngoài dự án khu chung cư Bắc Sơn do Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư khởi công từ cuối tháng 4 xây dựng nhà ở thu nhập thấp, dự kiến cuối năm nay có thêm dự án nhà thu nhập thấp của Công ty cổ phần Xây dựng phát triển nhà tại khu đô thị mới phường Đằng Hải (quận Hải An) được triển khai. 2 dự án này khi hoàn thành mới cung ứng gần 1200 căn hộ, trong khi thực tế nhu cầu này khá lớn.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, để được chấp thuận đầu tư một dự án bất động sản không chỉ khó khăn về thủ tục, thời gian mà doanh nghiệp còn phải chi phí rất tốn kém, nhưng lại không được hạch toán vào công trình khi kết thúc. Với những doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở giá thấp hiện nay đều có mặt bằng sạch, nếu tìm được vị trí phù hợp để đầu tư còn cả một chặng đường dài.
Mặt khác, việc vay vốn cũng rất khó, mặc dù chính sách khuyến khích ghi rõ: doanh nghiệp được ưu tiên vay vốn, được hỗ trợ lãi suất… nhưng lại không chỉ định ngân hàng nào liên quan phải cho vay nên không ai cho vay.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, dù đã đàm phán với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đồng ý thu xếp khoảng 7.200 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhưng việc họ cho vay bao nhiêu, như thế nào, bao giờ thì phải phụ thuộc vào kế hoạch của ngân hàng chứ không thể “bắt” họ cho vay được. |
Để chương trình phát triển nhà ở xã hội thành công cần có giải pháp đồng bộ và quyết tâm từ chính quyền đến doanh nghiệp. Cụ thể, Nhà nước tạo ra những khu vực mặt bằng sạch, có hạ tầng hoàn chỉnh để doanh nghiệp vào xây nhà ở xã hội và hưởng lãi 10%. Hoặc, Nhà nước tạo ra các quỹ đất sạch, diện tích lớn chỉ để xây nhà ở xã hội. Tại đây sẽ tập trung dây chuyền sản xuất nhà ở theo quy trình công nghiệp hoặc tập trung nguyên vật liệu với khối lượng lớn, thu hút những doanh nghiệp chưa có dự án tham gia xây dựng. Nhà nước có thể hỗ trợ giá đối với nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có thể mua được nhà, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp...để chủ trương phát triển nhà ở xã hội được thực hiện hiệu quả./.
PV