Phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19: Siết chặt chi tiêu, tiết kiệm ngân sách

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ.
(PLVN) - Chiều 8/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018…

Phải giữ được thành quả chống dịch

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Dịch Covid-19 được các nước xem là đại dịch. Tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và đặc biệt nhất là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã triển khai các giải pháp hiệu quả, đã kiểm soát và đẩy lùi được dịch Covid-19. 

Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho các nước, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tổng cầu giảm. Kinh tế nhiều nơi lâm vào suy thoái nhưng Việt Nam quý I vẫn đạt tăng trưởng 3,82%. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ nhưng so với các nước vẫn là thành công trong đẩy lùi được dịch bệnh, sớm khôi phục phát triển kinh tế.

ĐB Ngân đề nghị, trong các mục tiêu tới đây phải xác định mục tiêu phải giữ cho được thành quả chống dịch, không lơ là, không chủ quan, không nôn nóng mà phải kiểm soát cho được tình hình dịch bệnh. Cùng với đó là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được an sinh xã hội. Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, phải làm sao cho doanh nghiệp giữ được chân người lao động. 

Đề cập đến giải ngân đầu tư công, ĐB cho biết, từ nguồn vốn năm 2019 giải ngân không hết chuyển qua năm nay cộng với ngân sách dành cho đầu tư phát triển là gần 700.000 tỉ đồng, nếu triển khai tốt sẽ thúc đẩy độ lan tỏa kinh tế, kéo theo thu hút đầu tư xã hội lớn. Vì vậy, cần đẩy nhanh triển khai đầu tư công theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, chống thất thoát và tính tiết kiệm; tránh đầu tư dàn trải hoặc triển khai thiếu kiểm soát; tăng cường khâu kiểm toán các khoản chi phí… 

Cùng với đó, ĐB Ngân cũng đề nghị làm tốt thị trường nội địa, thúc đẩy phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hỗ trợ xúc tiến thương mại đầu tư. Về giải pháp dài hạn, cần tiếp tục quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; trong đó với khu vực nhà nước cần nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, mạnh dạn cổ phần hóa, thoái vốn và sử dụng vốn đó để đầu tư cho các doanh nghiệp chủ lực và hiệu quả, kết cấu hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) cho rằng chính sách phải đi kèm với dự báo tình hình sát hơn, cụ thể hơn. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, dự báo tình hình thời gian tới để có đối sách phù hợp. Báo cáo của Chính phủ phải phân tích một cách cụ thể hơn nữa khu vực nào bị tác động nhiều nhất, khu vực nào cần tập trung phát triển để đề xuất với Quốc hội những chính sách phù hợp.

“Trong bối cảnh khó khăn thì phải có chính sách đi đúng đối tượng, tạo sự đồng thuận xã hội mà không mất quá nhiều nguồn lực của đất nước. Quốc hội cần đặt ra vấn đề siết chặt chi tiêu, tiết kiệm chi ngân sách hay nói cách khác là “thắt lưng buộc bụng” chứ không chỉ đơn giản là chậm tăng lương cho cán bộ, công chức.

Phải kiểm soát chặt, nghiêm ngặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên và chi đầu tư. Đề nghị báo cáo của Chính phủ phải nhấn mạnh tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu ngân sách, đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm ngắm vào các dự án có khả năng đầu tư tốt, thấy khả năng đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả, phải quan tâm phát triển dự án đầu tư công ở các vùng miền…

Đẩy nhanh chuyển đổi số

Liên quan đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch, ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) đề nghị có chính sách phát triển nguyên liệu trong nước vì khi phụ thuộc vào nước ngoài thì ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thúc đẩy công nghiệp chế biến để nông nghiệp phát triển ổn định.

Chủ trương của Chính phủ đã có rất nhiều nhưng thực tế chưa phát triển đúng tiềm năng, định hướng. Đề nghị phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển nhanh từ kinh tế truyền thống (khai thác tài nguyên thô tạo ra sản phẩm tiêu dùng, chất thải thải ra môi trường lãng phí, ô nhiễm môi trường) sang kinh tế tuần hoàn (tái chế, tái sử dụng chất thải, rác thải thông qua ứng dụng công nghệ); đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. 

“Qua đại dịch Covid 19, phát triển kinh tế số là điều then chốt để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Để phát triển kinh tế số, Đảng và Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, thông tư, nghị định. Nhưng kinh tế số phải là kinh tế xã hội hóa chứ nếu tập trung vào một vài doanh nghiệp lớn sẽ bế tắc, không phát huy được nguồn lực doanh nghiệp vừa và nhỏ” - ĐB Bình nói.

Về lĩnh vực giáo dục, ĐB Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo đã làm tốt công tác phòng chống dịch, triển khai hiệu quả các giải pháp với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên, tạm dừng đến trường nhưng không dừng học.

Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tổng thể ảnh hưởng của dịch bệnh tới lĩnh vực giáo dục đào tạo để có chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ cho khu vực vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, cần đánh giá ảnh hưởng của dịch với khối các trường tư thục để kịp thời có chính sách hỗ trợ, đảm bảo chất lượng đào tạo. 

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...