Căn cứ dự báo sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng đến năm 2020 (đạt 66 triệu tấn) và năm 2030 (đạt 250 triệu tấn), hệ thống cảng biển (HTCB) Hải Phòng sẽ được phát triển hướng tới quy mô hiện đại, trọng tâm là Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.
Theo đó, xây dựng khu bến thương mại cho tàu trọng tải lớn tại vùng cửa Lạch Huyện làm đầu mối chính xuất nhập khẩu trên các tuyến biển xa (bằng tàu công-ten-nơ 4000-6000 TEU; tàu hàng 5-8 vạn tấn) phục vụ phát triển KT-XH các tỉnh miền Bắc, quá cảnh cho vùng Tây Nam Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng công nghệ bốc xếp, quản lý, khai thác đồng bộ hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2030, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện phát triển chủ yếu ở đông nam đảo Cát Hải (dọc bờ phải luồng Lạch Huyện) với diện tích khoảng 825 ha. Về lâu dài, cảng có thể phát triển sang đảo Cát Bà, vì vậy cần dành diện tích thích hợp sau cảng để hình thành KCN dịch vụ hậu cần cảng, trong đó có trung tâm tiếp nhận phân phối công-ten-nơ, đầu mối quan trọng của hệ thống logistic. Trước mắt, từ nay đến năm 2015 ưu tiên các dự án khởi động gồm 2 bến tàu 4000 TEU, luồng cho tàu 5 vạn DWT và được hỗ trợ bởi mạng lưới cầu đường bộ gắn với mạng giao thông quốc gia về phía Đình Vũ và Yên Hưng (Quảng Ninh).
Khu bến chuyên tải cửa sông Chanh (Yên Hưng, Quảng Ninh) là cảng chuyên dùng cho tàu dầu sản phẩm thay thế Cảng xăng dầu B12 tại Cái Lân, có bến làm hàng tổng hợp, công-ten-nơ, cơ sở sửa chữa tàu biển trọng tải 10 vạn tấn, khu công nghiệp, dịch vụ, logistics. Khu bến Đình Vũ đảm nhận vai trò của Cảng Hải Phòng hiện nay, đầu mối chính làm hàng tổng hợp, công-ten-nơ đi biển gần cho Hải Phòng và vùng Bắc Bộ. Khu vực này có 2 khu chức năng chính: các bến tổng hợp công-ten-nơ nằm ở phía bắc Đình Vũ, tiếp nhận tàu 2-3 vạn tấn (diện tích 110 ha), tại đây còn có các bến chuyên dùng cho sản phẩm dầu hỏa, hoá chất nằm tiếp nối về phía hạ lưu, phục vụ các cơ sở công nghiệp phân bón, hoá chất, đến năm 2015 hoàn thiện đồng bộ 12 bến tổng hợp công-ten-nơ. Khu bến sông Cấm gồm cảng Vật Cách, Hoàng Diệu, Đoạn Xá, Chùa Vẽ, các bến nhỏ lẻ, đảm nhận vai trò bến địa phương, vệ tinh trong tổng thể cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Các nhà khoa học, quy hoạch, quản lý nhà nước, đơn vị hoạt động hàng hải cho rằng: sự điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch phát triển HTCB trên địa bàn Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo cơ hội tích hợp các yếu tố liên quan, góp thêm sức mạnh giữa các cảng trong khu vực, tăng tính cạnh tranh trong tương lai. Theo đó, không nên phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sang phía Nam đảo Cát Bà, nhằm bảo vệ đa dạng hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà. Việc phát triển mạng lưới giao thông sắt, bộ, thuỷ nội địa khu vực Đình Vũ-Cát Hải cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm yêu cầu rút và tập kết hàng hiệu quả, phục vụ cảng cửa ngõ và khu vực cảng biển Hải Phòng nói chung. Vì vậy, cần sớm hoàn thành thiết kế đồng bộ, khoa học mạng lưới giao thông trên bán đảo Đình Vũ, gắn kết với hệ thống giao thông quốc gia qua đường ô-tô, đường sắt cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Cân nhắc xây dựng tuyến đường bộ và đường sắt qua đường và cầu Tân Vũ-Đình Vũ-Cát Hải, xác định địa điểm ga lập tàu (diện tích gần 20 ha), làm đầu mối logistics cho bến công-ten-nơ Đình Vũ phục vụ toàn bộ cảng biển Hải Phòng. Xác định điểm kết nối với hệ thống đường cao tốc ven biển tại Tân Vũ, đấu nối đường nối thành phố Hạ Long với đường ô-tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng tại ngã ba kênh Đình Vũ. Để rút hàng từ Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đi các tỉnh miền Bắc thông qua quốc lộ 18,
Việc quy hoạch HTCB Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm thành phố đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, thành phố trong giai đoạn hội nhập quốc tế và khu vực./.
Hải Long