Hành vi lợi dụng hoạt động dạy nghề để trục lợi, lạm dụng sức lao động của người học nghề có thể bị phạt 150 triệu đồng. Tuyển sinh sai đối tượng, tiêu chuẩn có thể bị phạt tới 50 triệu đồng.
Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, hành vi lợi dụng hoạt động dạy nghề để trục lợi, lạm dụng sức lao động của người học nghề có thể bị phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cơ sở dạy nghề vi phạm quy định này còn bị đình chỉ hoạt động từ 12 – 24 tháng. Đồng thời, cơ sở dạy nghề còn buộc phải hoàn trả cho người học các khoản đã thu, cũng như buộc phải khôi phục quyền lợi học tập cho người học,…
Để bảo đảm chất lượng đào tạo, tùy theo mức độ vi phạm dự thảo đề xuất hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng tới 10 triệu đồng đối với hành vi dạy không đủ số giờ học quy định trong chương trình cho mỗi môn học hoặc mô đun.
Đặc biệt, dự thảo quy định rõ: Vi phạm điều kiện thực hiện môn học gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo được quy định trong chương trình môn học hoặc mô đun có thể bị phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng. Nếu tổ chức đào tạo khi chưa có chương trình dạy nghề theo quy định có thể bị phạt tới 50 triệu đồng.
Cũng theo dự thảo này, hành vi khai man hồ sơ tuyển sinh hoặc tiếp tay cho việc khai man hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển có thể bị phạt từ 300.000 – 500.000 đồng.
Đối với hành vi vi phạm quy định về số lượng, đối tượng, tiêu chẩn tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề nghề có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tới 60 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ sở đào tạo còn bị buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển; buộc trả lại các khoản đã thu của người học; buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học và có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề tới 12 tháng.
Theo Chinhphu.vn