Các nhà khoa học đã xác định được sao Chổi lớn nhất hiện nay. Danh hiệu này thuộc về sao chổi McNaught, được phát hiện năm 2006. Trước đây, để hình dung độ lớn của một sao Chổi các nhà khoa học thường dựa vào chỉ số đo chiều dài đuôi của chúng. Nếu theo chỉ số này, McNaught không phải là sao Chổi lớn nhất mặc dù đuôi của nó dài hơn 1,5 đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn tức 1AU = 150 triệu km, tương đương khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Mặt Trời). Hyakutake được phát hiện vào năm 1996 mới là ngôi sao Chổi chiếm vị trí lớn nhất với đuôi dài 2,4 AU. Tuy nhiên, các nhà thiên văn gần đây nhận thấy phương pháp tính toán độ lớn của sao Chổi như vậy không hoàn chỉnh bởi nó chỉ đo được độ lớn của hạt nhân của các vật thể trong vũ trụ.
Sao Chổi Hyakutake |
Trong khuôn khổ công trình nghiên cứu mới, các nhà thiên văn đã đề xuất phương pháp đo đạc mới đối với các vật thể trong vũ trụ. Với các số liệu thu được từ tàu không gian Ulysses (được sử dụng để nghiên cứu Mặt Trời), các nhà khoa học đã phân tích khu vực nhiễu động từ do các vật liệu nhiễm ion của sao Chổi tạo ra. Theo đó, khu vực nhiễu động từ của sao Chổi McNaught rất lớn. Ulysses phải mất tới 18 ngày mới có thể bay qua vùng nhiễu động này. Trong khi đó, vùng nhiễu động từ do Hyakutake tạo ra nhỏ hơn nhiều lần. Ulysses chỉ mất 2,5 ngày để bay qua. Như vậy, theo phương pháp tính toán mới McNaught đã trở thành sao Chổi lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Sao Chổi McNaught (số hiệu C/2006 P1) được nhà thiên văn học người Australia Robert McNaught phát hiện ngày 7/8/2006. Đây là ngôi sao Chổi sáng nhất trong vòng 40 năm qua. Vào tháng 1/2007, ngôi sao Chổi này có thể quan sát được bằng mắt thường vào ban ngày.
Theo Bee