Bệnh nhi nữ là H.N.R.N (sinh năm 2016) trú tại xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
Theo người nhà cháu N, ngày 17/7, bệnh nhi khởi phát các triệu chứng sốt cao, đau đầu, được đưa đi khám và nhập Trung tâm Y tế huyện Krông Năng điều trị.
Đến ngày 20/7, N được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán sốt cao kéo dài/ theo dõi Viêm não màng não.
Ngày 25/7, kết quả xét nghiệm N dương tính với bệnh Viêm não Nhật Bản.
Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, CDC đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Krông Năng và Trạm Y tế xã Ea Hồ tiến hành điều tra véc tơ truyền bệnh Viêm não Nhật Bản, xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân và tăng cường công tác truyền thông cho người dân các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh Viêm não Nhật Bản B.
Kết quả điều tra ghi nhận môi trường xung quanh nhà bệnh nhân có ao hồ, nước đọng, gần nhà có ruộng lúa, các hộ xung quanh nhà bệnh nhân có nuôi bò, heo là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh Viêm não Nhật bản sinh sôi, phát triển. Tại nhà bệnh nhi ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là véc tơ truyền bệnh Viêm não Nhật Bản B tại cộng đồng.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2024, CDC Đắk Lắk cũng ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản tại huyện Ea Kar là một người đàn ông 52 tuổi. Ca bệnh đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản tại địa phương này được ghi nhận vào tháng 5/2024, là một thanh niên sinh năm 2004, trú ở xã Krông Jing, huyện M’Đrắk.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với những di chứng vĩnh viễn như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót.
Bệnh viêm não Nhật Bản phổ biến từ tháng 5 đến tháng 7, vì đây là mùa muỗi hoạt động nhiều, cũng là mùa chim đến ăn trái chín. Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất.
Khi bị viêm não Nhật Bản trẻ sẽ có các biểu hiện như: Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kém đáp ứng hạ sốt. Đau đầu, buồn nôn, dần dần rối loạn tri giác (ngủ gà, li bì, đau đầu hoặc hôn mê).
Co giật, thường là co giật toàn thân. Gồng duỗi hoặc ưỡn, rối loạn nhịp thở, tiêu tiểu không tự chủ.
Bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng dẫn đến hôn mê và tử vong. Nếu qua giai đoạn đó có thể diễn tiến di chứng tùy theo mức độ tổn thương não. Tỉ lệ tử vong khoảng 10 - 20%.
Vaccine chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có viêm não Nhật Bản.