Nghị định 114/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về DS-KHHGĐ đã ra đời được 6 năm. Thật đáng buồn, sau hơn 2.000 ngày, Nghị định 114 vẫn còn khá xa lạ và không phát huy được hiệu quả với cuộc sống người dân. Tính đến nay, ngành DS-KHHGĐ từ Trung ương đến địa phương số trường hợp bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực DS-KHHGĐ rất khiêm tốn.
Hình minh họa |
Nghị định 114 - mỗi nơi hiểu một phách
Nguyên nhân làm cho việc xử phạt bị…“mắc nghẹn” là bởi một số hành vi quy định không rõ ràng, cụ thể khiến cho cán bộ mỗi nơi hiểu một phách nên khó thực thi xử phạt, còn người dân thì “không biết đâu mà lần!”
Hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300.000 đồng đối với việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh con một bề”.
Bà Nguyễn Thị Ninh (cán bộ dân số tỉnh Hải Phòng) đưa ra thực tế, do tư tưởng trọng nam kinh nữ còn tồn tại khá nặng nề, nhận thức về vấn đề bình đẳng giới của người dân còn hạn chế nhất là người dân sống ở vùng nông thôn, miền núi, nên đối với người sinh con một bề thường là đối tượng bị cá nhân khác trong cộng đồng có hành vi làm tổn thương. Nhưng gây tổn hại danh dự, nhân phẩm tới đâu và hành vi nào được coi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì Nghị định 114 cũng như các văn bản pháp luật khác chưa đưa ra khái niệm cụ thể dẫn đến tình trạng khó xác định hành vi để có cơ sở xử phạt.
Ngoài ra, hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 8: “Ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, sinh con trai, sinh con gái” bị xử phạt. Tuy nhiên, không có quy định nào xác định là sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con nên dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về những khái niệm trên. Trên thực tế do một số người dân có quan niệm chọn ngày đẹp, giờ đẹp để sinh con nên đã ép buộc người phụ nữ đang mang thai sinh non thai nhi.
Những trường hợp như vậy có địa phương cho rằng đã vi phạm Điểm b Khoản 2 Điều 8 là ép buộc sinh sớm. Cũng có địa phương hiểu rằng sinh sớm là việc sinh con trước độ tuổi đã được khuyến cáo (nữ trước 22 tuổi, nam trước 24 tuổi) nếu có hành vi ép buộc sinh con trước độ tuổi trên thì đó là hành vi ép buộc sinh sớm. Hiện nay, không có văn bản nào quy định khoảng cách giữa các lần sinh như thế nào được coi là dày, số lượng con bao nhiều coi là nhiều. Vì vậy dẫn đến tình trạng không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Điều này, vô tình đã “ngáng chân” những người thi hành nhiệm vụ.
Loay hoay thu thập chứng cứ
Ngoài một số hành vi quy định không rõ ràng, tại Nghị định 114 hiện có nhiều hành vi khó thu thập được chứng cứ để có cơ sở xử phạt. Ví dụ như hành vi ép buộc người khác phải sử dụng biện pháp tránh thai (Điểm c Khoản 1 Điều 8); hành vi ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, sinh con trai, sinh con gái (Điểm b Khoản 2 Điều 8); hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh tinh thần để ép buộc người sử dụng biện pháp tránh thai phải thôi sử dụng biện pháp tránh thai (Điểm a Khoản 2 Điều 8); xâm phạm thân thể người khác bắt họ phải sử dụng biện pháp tránh thai hoặc ngừng sử dụng biện pháp tránh thai , ép buộc người có con một bề sinh thêm con (Điểm b Khoản 3 Điều 8)…
Chủ thể loại hành vi này là người bị ép buộc thường có quan hệ về hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, họ có sự lệ thuộc với nhau về vật chất hoặc tinh thần. Do vậy, trên thực tế những hành vi đó đã xảy ra nhưng vì người bị ép buộc có sự lệ thuộc nên thường không tố giác hành vi vi phạm. Mặc khác, do truyền thống văn hóa của người Á Đông, đây là lĩnh vực nhạy cảm, xảy ra phần nhiều trong nội bộ gia đình, dòng tộc, người bị hại thường là phụ nữ coi đây là chuyện gia đình, cam chịu thiệt thòi không tố cáo người thân của mình trước pháp luật. Vì vậy, trên thực tế diễn ra hành vi này nhưng những người vi phạm vẫn không bị áp dụng các chế tài do không có chứng cứ để có cơ sở xử phạt.
Qua cuộc khảo sát thực địa ở địa phương cho thấy hành vi bói toán, bắt mạch, xác định qua triệu chứng, siêu âm để xác định giới tính thai nhi xảy ra khá phổ biến, tuy nhiên chủ thể có loại vi phạm này thường thông báo kết quả cho người có nhu cầu bằng lời nói, bằng động tác, ám hiệu… và có sự đồng thuận của người đang mang thai. Hơn nữa việc thông báo đó không có người làm chứng, cũng không được thể hiện trên bất cứ hiện vật nào, do đó việc thu thập chứng cứ là rất khó và công tác xử phạt vẫn loay hoay…trong “ngõ cụt”.
Việc triển khai Nghị định 114 trên thực tế còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Để Nghị định này đi vào cuộc sống, nên chăng, ngành Dân số cần sớm sửa rõ một số quy định trong Nghị định 114 không rõ ràng để dễ xác định hành vi vi phạm, có quy định xử phạt cụ thể để tránh có nhiều cách hiểu và thực thi khác nhau. Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy thanh tra DS-KHHGĐ từ Trung ương đến địa phương để củng cố công tác thanh tra trong đó có công tác xử phạt vi phạm hành chính Ngoài ra, ngành DS-KHHGĐ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền tới người dân để hạn chế mức thấp nhất hành vi vi phạm, góp phần đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ.
Thùy Dương