Hoang tưởng về ngoại hình là trạng thái tâm lý tiêu cực, trong đó đối tượng lo âu quá mức đến những khiếm khuyết của cơ thể, thậm chí ngay cả khi những khiếm khuyết đó không tồn tại.
Bệnh do đâu?
Khi xã hội với những quy luật bất thành văn cho thấy, những người có ngoại hình đẹp sẽ luôn được chào đón và dễ thành công hơn người có ngoại hình xấu, thì mong ước có một ngoại hình hoàn hảo luôn là niềm khao khát chính đáng và cháy bỏng của con người. Vì vậy, việc những người không may phải sở hữu một gương mặt góc cạnh, chiếc mũi to quá khổ, chiều cao khiêm tốn, chiếc chân dị tật… do bẩm sinh, lão hóa hay tai nạn… thường có tâm lý rụt rè, nhút nhát.
Khi mặc cảm về sự xấu xí của mình quá lớn, nhiều người bị ám ảnh đến mức bộc lộ những biểu hiện bất bình thường của bệnh lý. Ví dụ, một người chỉ vì chiếc mũi hơi tẹt mà luôn luôn đưa tay che mặt và hạn chế tiếp xúc với người khác; người chỉ vì vài nếp nhăn trên cổ do tuổi tác mà sống ẩn dật tránh xa bạn bè... họ đều có xu hướng và biểu hiện của chứng rối loạn trong việc tự cảm nhận ngoại hình cơ thể của bản thân, thường bi quan hóa cuộc sống.
Làm gì với bệnh
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Kent và Bufalo, Mỹ cho thấy, những người luôn chịu sức ép về việc phải làm sao để trở nên hấp dẫn trước mặt mọi người thường sợ hãi khi bị từ chối và bị coi thường hơn những người khác. Những người này thường cảm thấy cô đơn, cảm thấy bị người khác coi thường và thường dẫn đến rối loạn trong suy nghĩ, trầm cảm… Mặc dù gây trở ngại lớn trong các hoạt động xã hội nhưng người bệnh thường chịu đựng trong nhiều năm trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ vì cảm thấy xấu hổ nếu phải thừa nhận căn bệnh.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, chứng hoang tưởng ngoại hình là do nhiều yếu tố kết hợp tạo ra như: yếu tố sinh học, tâm lý, mối quan hệ xã hội... và độ tuổi trung bình mắc phải thường rơi vào khoảng 16-17. Tuy nhiên, không có nghĩa là người cao tuổi không mắc bệnh khi sự lo âu về quá trình lão hóa thường xảy ra, nhất là phụ nữ. Vì vậy, để có thể phòng tránh căn bệnh này một cách hiệu quả, cha mẹ nên lưu tâm định hướng cho con có cái nhìn đúng về vẻ đẹp tâm hồn và hình thể ngay khi con ở trong độ tuổi dậy thì. Ngoài ra, việc khuyến khích giới trẻ và những phụ nữ bước vào tuổi trung niên tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện thể thao, sống lành mạnh để giữ được tinh thần sảng khoái, kéo dài tuổi xuân…/.
Biểu hiện của bệnh
- Nghĩ về khiếm khuyết hằng ngày.
- Hay so sánh mình với người khác.
- Nghiêm khắc quá mức trong việc ăn kiêng và tập thể dục.
- Sử dụng quần áo, trang điểm hoặc các cách khác một cách quá mức để che đi phần “thiếu sót”.
- Soi gương thường xuyên hoặc ngược lại rất ghét soi gương và liên tục sờ, kiểm tra khiếm khuyết.
- Phiền muộn, lo âu và ở một số trường hợp có ý nghĩ tự sát.
- Tránh xuất hiện nơi đông người…
Tạp chí Psychology Today trong một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng có tới 56% phụ nữ và 43% nam giới không hài lòng với ngoại hình của mình, trong đó bất mãn lớn nhất ở cả hai giới là hình dáng bụng sau đó đến trọng lượng cơ thể.
Phong Linh