Phấp phỏng sống ở chung cư: Sẵn sàng “sống chung với... cháy“

Trước khi đến với các giải pháp căn cơ, lâu bền, cư dân cần tự trang bị kỹ năng, phương tiện PCCC cho gia đình mình (Ảnh: T.Hưng)
Trước khi đến với các giải pháp căn cơ, lâu bền, cư dân cần tự trang bị kỹ năng, phương tiện PCCC cho gia đình mình (Ảnh: T.Hưng)
(PLO) - Có nhiều lý do để các gia đình, nhất là giới công nhân viên chức trẻ tuổi, người có thu nhập thấp chọn căn hộ chung cư để “lạc nghiệp”. Nhưng với an toàn cháy, nổ như hiện nay, nhiều gia đình thấy không thật sự được “an cư”. Để đến với các biện pháp căn cơ, lâu bền cần có thời gian, trước mắt, các hộ dân cần tự trang bị những kỹ năng tự bảo vệ...

Tâm tư người ở chung cư

Sau hàng loạt vụ cháy vừa qua, anh Tuấn, đang sống tại một chung cư ở khu vực Linh Đàm (quận Hoàng Mai) “lo sốt vó”. “Vợ tôi thì nhất mực rẻ mấy cũng bán. Nhưng tính toán nát nước, hai vợ chồng phải ở lại” - anh Tuấn chia sẻ.

Cách đầu tiên mà hai vợ chồng thích nghi để “sống chung với lũ” là rà soát  các thiết bị điện trong nhà. “Vợ tôi đã phải bỏ trọn một tháng lương mua các thiết bị hỗ trợ thoát nạn. Tôi có trách nhiệm lo cho cô con gái 5 tuổi nếu không may có cháy” - anh Tuấn nói và cho biết nhiều hộ dân ở đây cũng đang trong tâm trạng như anh chị.

Dọn về tòa chung cư tại khu vực Văn Quán (quận Hà Đông) chưa đầy một tháng, anh Dũng (quê Quảng Ninh) bày tỏ: “nếu chưa về ở, có khi tôi cũng bán”. Tự trấn an, anh Dũng cho rằng, đa số cháy là các khu nhà giá rẻ, chủ đầu tư có tai tiếng về thi công.

Sống nhiều năm ở một căn hộ chung cư tại quận Cầu Giấy, vợ chồng anh Nam, chị Hằng thấy ở chung cư có nhiều tiện ích, hợp với các các gia đình trẻ. Sau mấy vụ cháy hai vợ chồng rèn tâm lý nếu không may “bà hỏa” ghé thăm thì phải bình tĩnh đối phó. “Đổi nhà đâu có dễ?" - chị Hằng nêu thực tế.

Thời gian qua, trên nhiều tải khoản Facebook cá nhân, các diễn đàn của khu chung cư, nhiều cư dân bày tỏ lo lắng khi đang phải hàng ngày phấp phỏng canh “giặc lửa”. Các cư dân mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm vào cuộc, kiểm tra, tiến hành các biện pháp cần thiết có thể để bảo vệ an toàn cho người dân.

Nỗi lo trên là dễ hiểu khi mà cơ quan PCCC Hà Nội cho biết hàng chục công trình chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Thủ đô dù chưa được phê duyệt an toàn về PCCC nhưng chủ đầu tư vẫn đón cư dân vào ở.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nói, tuy chưa có điều tra xã hội học quy mô lớn nào song các cuộc “điều tra bỏ túi” của những người quan tâm đã phản ảnh rõ tâm lý bất an của những người sống trong các tòa chung cư sau những sự cố.

Ông Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, bản thân người Việt cũng chưa thực sự sẵn sàng khi chuyển đổi phương thức sinh sống từ những ngôi nhà nhỏ, kiên cố dưới đất tới chung cư cao tầng. Khi chuyển sang sống ở những tòa nhà chung cư, người dân cần trang bị đầy đủ kiến thức về vấn đề phòng chống cháy nổ cũng như kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau nhiều vụ cháy mới diễn ra, những người có ý định tìm mua căn hộ chung cư đã quan tâm nhiều hơn đến tính pháp lý, việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư dự án trong công tác an toàn PCCC.

Nước xa khó cứu lửa gần

Để đến với các biện pháp căn cơ, lâu bền cần có thời gian, trước mắt, các hộ dân cần tự trang bị những kỹ năng tự bảo vệ bản thân và gia đình mình. 

Theo các chuyên gia PCCC, đầu tiên các cư dân cần đọc, hiểu kỹ những nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở nơi mình ở. Tuân thủ các nguyên tắc an toàn PCCC trong việc sử dụng nguồn lửa, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, tham gia các buổi hướng dẫn kỹ năng PCCC. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho cảnh sát PCCC, báo cho chính quyền hoặc công an nơi gần nhất. Đặc biệt là không cố dập lửa nếu đám cháy lớn.

Thường xuyên kiểm tra, bảo trì thiết bị PCCC (Ảnh: T.Hưng)
Thường xuyên kiểm tra, bảo trì thiết bị PCCC (Ảnh: T.Hưng) 

Không tồn chứa số lượng lớn những chất nguy hiểm gây cháy, nổ trong nhà như: xăng, dầu, bình gas mini. Trường hợp hộ gia đình buôn bán các mặt hàng dễ cháy như quần áo, đệm, chăn... thì phải để ở những nơi cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bố trí sắp xếp tạo khoảng cách giữa các mặt hàng và khoảng cách thoát nạn cần thiết.

Hệ thống điện cần phải lắp đặt, sử dụng đúng kỹ thuật, không tự ý lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện; lắp đặt các thiết bị bảo vệ, ngắt tự động khi có sự cố chập điện xảy ra. Không để thiết bị điện sinh nhiệt lớn gần bếp điện, quạt sưởi ấm, đồ dùng làm bằng vật liệu dễ cháy.

Khi sử dụng gas cần lưu ý: khóa van bình gas trước, sau đó mới khóa van bếp. Khi ngửi thấy mùi khí ngay lập tức cảnh báo cho mọi thành viên trong gia đình tuyệt đối không bật công tắc điện, hay bất cứ dụng cụ, thiết bị nào có phát sinh tia lửa mà nhanh chóng mở tất cả các cửa để thông gió; kiểm tra cụm van, bình gas, đường ống, xác định vị trí rò rỉ bằng nước xà phòng.

Cố định tạm thời vị trí rò rỉ hoặc tháo dây dẫn gas và mang bình ra nơi thoáng gió và thông báo cho nơi cung cấp gas hoặc đơn vị PCCC để xử lý. Khi xảy ra cháy gas tại vị trí bếp, đường ống, cụm van điều áp hãy tìm cách khóa van bình gas, sử dụng bình chữa cháy, các vật dụng (chăn ướt, nước) để dập cháy và báo cho lực lượng cảnh sát PCCC biết.  

Một lưu ý quan trọng, việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã vào những ngày lễ, Tết tại mỗi gia đình cần cách xa những nơi có chứa chất nguy hiểm cháy, nổ; phải có người canh để chống cháy lan.

Theo thống kê, hầu hết các vụ cháy chung cư xảy ra thời gian vừa qua, các cư dân đều rơi vào trạng thái hoảng loạn và hỗn loạn, dễ dẫn đến xô xát, bị thương hoặc khiến đám cháy lây lan. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo cần cố gắng giữ bình tình, không hoảng loạn.

Luật sư Trần Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, theo Thông tư 214/2003 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công an thì các chủ hộ bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ. “Đây là biện pháp mang tính căn cơ lâu bền cho chủ căn hộ” - ông Tú nhấn mạnh.

Ông Tú cũng cho biết, đối với bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư đã có Nghị định 130/2006, Thông tư 220/2010, Thông tư liên tịch 214/2013 giữa Bộ Tài chính  - Bộ Công an quy định chi tiết thi hành chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc...

Theo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 01 ngày 4-1-2013 thì nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m2 trở lên phải tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình và có trách nhiệm đóng góp chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung.

“Ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật nêu trên, các cư dân có thể tự bảo vệ mình bằng cách mua sản phẩm bảo hiểm cho các tài sản bên trong căn hộ. Hiện các sản phẩm bảo hiểm này đã được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm triển khai, gồm bảo hiểm cho tài sản có bên trong mỗi căn hộ chung cư mà cư dân không phải liệt kê danh sách các tài sản trong nhà khi mua bảo hiểm” - Luật sư Trần Anh Tú nêu khuyến cáo.

Những nguyên nhân dễ gây cháy lớn

Theo thống kê, những nguyên nhân chính gây cháy lớn, gồm: do phát hiện cháy không kịp thời (thời gian cháy tự do quá lâu); việc chữa cháy tại chỗ ngay từ đầu không kịp thời; cháy lớn do báo cháy chậm (không biết số điện thoại của cơ quan PCCC dẫn đến báo cháy chậm); cháy lớn do tập trung quá nhiều số lượng chất cháy (hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt tập trung nhiều ở một chỗ, gây khó khăn cho công tác cứu chữa và di chuyển tài sản). Đặc biệt là không chấp hành các kiến nghị của cơ quan PCCC. Trong sản xuất, sinh hoạt, việc sử dụng điện còn tùy tiện thiếu hiểu biết và không có trách nhiệm quản lý trụ nước chữa cháy.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.