Tổng thống sắp mãn nhiệm của Pháp Nicolas Sarkozy – người được hưởng quy chế miễn trừ pháp lý trong suốt 5 năm qua - có thể sẽ sớm phải ra tòa để giải thích với các thẩm phán về 3 vụ bê bối gây quỹ tranh cử vốn đã lùm xùm từ khi ông này còn tại vị.
Ông Sarkozy. Ảnh: Reuters |
Theo Hiến pháp của CH Pháp, tổng thống không bị buộc phải ra làm chứng, bị điều tra hay truy tố trong thời gian giữ chức và 1 tháng sau khi rời nhiệm sở. Chiếu theo quy định trên, ông Sarkozy sẽ không còn được hưởng đặc quyền này vào giữa tháng 6, sau khi ông trao quyền lại cho tổng thống mới đắc cử Francois Hollande vào ngày 15/5 tới.
Điều này sẽ mở đường cho các điều tra viên triệu tập ông Sarkozy để thẩm vấn về những vụ bê bối mà ông bị “tố” là có liên quan hoặc trực tiếp làm, trong đó có vụ bán tàu ngầm cho Pakistan hồi những năm 1990 và quan hệ giữa ông Sarkozy với đảng của ông và người phụ nữ giàu nhất nước Pháp.
“Điều này đã được quy định rất rõ ràng, các thủ tục pháp lý sẽ được bắt đầu khi hết thời hạn một tháng kể từ lúc ông ấy kết thúc nhiệm kỳ của mình” – ông Matthieu Bonduelle, Chủ tịch Công đoàn thẩm phán Pháp, nói. Ông Sarkozy trước đó đã chối bỏ tất cả các cáo buộc liên quan đến các vụ bê bối vốn đã nổi lên và ảnh hưởng không nhỏ đến chiến dịch tranh cử tổng thống của mình.
Vụ bê bối tài chính đầu tiên của ông Sarkozy sẽ được đưa ra xem xét có liên quan đến Liliane Bettencourt – tỉ phú thừa kế của đế chế mỹ phẩm L’Oreal. Các điều tra viên muốn biết liệu các khoản tiền mặt rút ra từ tài khoản của bà Bettencout ở Thụy Sĩ có được dùng để tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2007 của ông Sarkozy hay không.
Patrice de Maistre – cựu quản lý tài chính của bà Bettencourt – hiện đang bị tạm giam và sẽ bị thẩm phán thẩm vấn trong ngày 17/5 về việc rút 800.000 euro (1,04 triệu USD) từ các tài khoản của Bettencout ở Thụy Sỹ trong vòng vài tháng trước khi ông Sarkozy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Theo Luật bầu cử Pháp, mỗi cá nhân hay tổ chức chỉ được quyên góp tiền tối đa 4.600 euro cho chính đảng mà mình ủng hộ. Trong khi đó, một số nguồn tin cho rằng ông de Maistre đã đưa cho các trợ lý của ông Sarkozy số tiền lên tới 50.000 euro.
Trong vụ việc thứ hai – còn được gọi là “vụ Karachi” - các thẩm phán đang muốn làm sáng tỏ một loạt các giao dịch mơ hồ và những khoản tiền “lại quả” có liên quan đến những hợp đồng mua tàu ngầm lớp Agosta của chính phủ Pháp cho Pakistan vào những năm 1990. Ông Sarkozy – người khi đó đang là bộ trưởng ngân khố đồng thời là người phát ngôn của ứng viên tổng thống Edouard Balladur - đã giận dữ bác bỏ những lời đồn đoán trên truyền thông rằng ông có biết về những khoản tiền mờ ám nói trên.
“Tôi không thể tiết lộ về việc liệu trong mỗi trường hợp nói trên, các thẩm phán đã có đầy đủ các bằng cớ để mở cuộc điều tra đối với ông Sarkozy hay chưa” – ông Bonduelle nói thêm.
Vụ việc gây đau đầu gần đây nhất là việc trang mạng Mediapart công bố một tài liệu điều tra cho thấy chính phủ của nhà lãnh đạo bị lật đổ Libya Muammar Gaddafi từng tìm cách góp quỹ cho chiến dịch tranh cử 2007 của ông Sarkozy. Ông Sarkozy đã kiện Mediapart ra tòa và gọi các tài liệu của họ là “hoàn toàn giả dối”. Một cuộc điều tra cũng đã được mở ra để xác định tính xác thực của tài liệu do Mediapart công bố.
Tháng 12/2011, người tiền nhiệm của ông Sarkozy – Tổng thống Pháp từ năm 1995 đến 2007 Jacques Chirac - đã bị tuyên 2 năm tù treo vào tháng sau khi bị tòa án buộc tội sử dụng sai công quỹ vì các mục đích chính trị khi còn làm thị trưởng Paris.
Ông Chirac bị điều tra 2 tháng sau khi rời ghế tổng thống. Trong khi đó, Tổng thống mới đắc cử Hollande đã cam kết sẽ thay đổi các quy định cho phép cơ quan tư pháp có thể tiến hành điều tra và thẩm vấn các tổng thống ngay cả khi còn tại nhiệm.
Theo các số liệu thống kê mới đây, ông Sarkozy sẽ rời điện Elysee với tài sản trị giá khoảng 2,7 triệu euro, tăng nhiều so với con số 2,1 triệu euro khi ông đắc cử tổng thống năm 2007. Ông sẽ trao quyền lại cho ông Hollande vào ngày 15/5 và có thể trở lại hành nghề luật sư.
Minh Ngọc (Theo Reuters)