Tự do tín ngưỡng được công nhận chung là một trong những quyền cơ bản của con người và được xác lập vị thế pháp lý trong hiến pháp của các nhà nước pháp quyền dân chủ. Pháp lý bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là tự do tín ngưỡng được đặt lên trên pháp lý. Câu chuyện sau đây ở Áo là một ví dụ.
Tháng 6/2005, ở thủ đô Vienna của Áo xảy ra một vụ tai nạn giao thông khiến một người phụ nữ bị thương. Khi được cấp cứu tại bệnh viện, người phụ nữ này từ chối chấp nhận truyền máu với lý do là thành viên của một nhóm phái tôn giáo mà tôn giáo này có quan điểm như vậy.
Mọi thuyết phục của các thày thuốc đều không có tác dụng, kể cả việc nói rõ là nếu không truyền máu thì người phụ nữ này sẽ chết. Ngày hôm sau, người phụ nữ này qua đời. Người chồng đòi công ty bảo hiểm phải bồi thường 5.800 Euro tiền tang lễ, 800 Euro tiền chịu đau đớn cho người vợ và 10.000 Euro tiền đau thương cho chính mình.
Công ty bảo hiểm không chấp nhận, lập luận rằng nếu đồng ý để truyền máu thì người này đã không bị chết, vì thế công ty bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm về những hậu quả từ cái chết này. Hai bên đưa nhau ra toà.
Tại phiên sơ thẩm, toà sơ thẩm đồng tình với khiếu kiện của người chồng, cho rằng người vợ đã chịu thiệt bởi tự do tín ngưỡng và người chồng cũng bị ảnh hưởng theo.
Toà này lập luận quyền tự do tín ngưỡng của người vợ đã bị hạn chế đến mức không thể chấp nhận được khi chỉ vì thế mà phải chịu thiệt thòi, tránh nhiệm của người vợ tự phải làm giảm thiệt hại do pháp luật quy định (trong trường hợp này là phải hợp tác với thày thuốc khi cấp cứu) không bị vi phạm khi hành xử theo tin ngưỡng của mình.
Vì thế, bên gây ra tai nạn phải bồi thường hoàn toàn. Sau đó, toà án tối cao Áo đã xử lại và chỉ chấp nhận bồi thường đau đớn cho người phụ nữ 600 Euro. Toà này lập luận rằng nếu người bị tai nạn từ chối những biện pháp cứu sống chính mình thì thân nhân gia đình phải tự chịu mọi hậu quả.
Ở đây có chuyện đảm bảo tự do tín ngưỡng. Khi người phụ nữ không chấp nhận truyền máu vì lý do tín ngưỡng của mình thì người ngoài không thể ép được, mặc dù ai cũng biết rằng hậu quả sẽ là cái chết.
Nhưng rõ ràng tự do tín ngưỡng của cá thể không được đưa đến tình trạng kẻ khác phải chịu thiệt hại bởi như thế còn đâu công bằng. Tự do tín ngưỡng vậy là cũng phải trong khuôn khổ pháp luật chứ!
Mạc Thầy