Để rộng đường dư luận và theo quy định của Luật báo chí, Báo PLVN xin đăng ý kiến phản hồi của ông Nho trong vụ việc này.
Theo ông Nho thì ý kiến một số hộ dân Thôn Kim Bồng (xã Kim Đường, Ứng Hòa) cho rằng trang trại của ông xả thải trực tiếp ra mương nước, gây ô nhiễm nước ngầm gây mùi hôi thối nồng nặc (khiến cho các hộ dân tại thôn Kim Bồng phải đóng cửa cố thủ trong nhà, hoặc đeo khẩu trang kín mít) là mang tính chủ quan, không có cơ sở khoa học. Thực tế, trại nuôi lợn mới hoạt động trở lại được vài tháng sau khi “trống” chuồng do dịch tả lợn châu Phi và cao điểm cũng chỉ nuôi khoảng 100 - 200 con (không thuộc diện phải làm đánh giá tác động môi trường theo quy định).
Khi hoạt động trở lại, trại lợn không hề "xả thẳng" (xả trực tiếp) nước thải ra môi trường như phản ánh của người dân mà qua hệ thống xử lý gồm: nước từ chuồng lợn được tập trung về bể để ép lấy phân khô (phục vụ trồng trọt); xử lý qua 05 bể lắng rồi mới chảy ra ngoài. Việc các hộ dân cho rằng trang trại “xả nước thải trực tiếp ra môi trường” là vội vàng, chủ quan vì chỉ quan sát bên ngoài.
Cũng theo ông Nho thì nếu ở thôn Kim Bồng xuất hiện mùi hôi thối thì nguyên nhân cũng không phải là do trang trại lợn nhà ông gây ra vì hai địa điểm này cách xa nhau một cánh đồng khoảng 400 - 500m. Còn nước thải ra môi trường của trại đã được xử lý kỹ theo quy trình nêu trên nên không xuất hiện mùi “hôi thôi nồng nặc”. Thực tế, người dân thường xuyên đi lại trên con đường cạnh trang trại hoặc canh tác trên đồng đều không có ý kiến gì về việc có mùi hôi thối do phân lợn.
Còn việc cho rằng trại lợn gây ô nhiễm nguồn nước ngầm càng thiếu cơ sở khoa học vì trang trại cách xa khu dân cư và cũng không thực hiện chôn lấp chất thải trong lòng đất.
Được biết, sau khi có thông tin từ bài báo, ngày 21/8/2020, một tổ công tác của UBND huyện Ứng Hòa đã phối hợp với UBND xã Đại Cường và Trưởng thôn Kim Bồng xuống trang trại kiểm tra và lấy mẫu nước thải để kiểm nghiệm.
Biên bản kiểm tra thể hiện: Chất thải rắn (phân lợn) được xử lý qua bể bioga, máy ép phân, 2 bể lắng (3 ngăn) và sau đó nước thải được xả ra môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, điểm xả của trang trại ra kênh I 214 đã dừng hoạt động và không có nước thải chảy ra. Nước thải sau khi xử lý được chảy qua hệ thống ống ra mương dẫn tưới đồng Giành Hoa Vàng.
Về mùi, theo đánh giá của tổ công tác của UBND huyện Ứng Hòa tại vị trí cổng trang trại và vị trí tiếp giáp thôn Kim Bồng, tổ kiểm tra “không nhận thấy mùi hôi từ trang trại phát ra”.
Tham gia kiểm tra, ông Trưởng thôn Kim Bồng (xã Kim Đường) có ý kiến, “tại thời điểm khoảng 15/8/2010, trang trại đang xây dựng, chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nên gây ra mùi phát tán vào thôn Kim Bồng, gây bức xúc cho người dân. Hôm nay, hộ ông Nho đã hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải nên mùi phát tán vào môi trường ít…”
Còn trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Cường tái khẳng định nội dung trước đó đã trao đổi với phóng viên rằng “từ khi trại lợn đi vào hoạt động, xã chưa nhận được văn bản hay kiến nghị nào của người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm do trại lợn gây ra”
Trước ý kiến của người dân xã bên, ông Sơn nêu thắc mắc “nếu có mùi hôi thối nồng nặc, tại sao người dân thôn Kim Bồng, xã Kim Đường không phản ánh với chính quyền địa phương nơi có trang trại lợn? Còn nếu cho rằng trại lợn ở khác địa bàn thì người dân cũng có thể phản ánh đến UBND huyện. Tuy nhiên, từ trước đến nay, xã Đại Cường chưa nhận được yêu cầu, chỉ đạo gì của huyện liên quan đến phản ánh của người dân xã Kim Đường về hoạt động của trại lợn này”
Tương tự nội dung này, ông Đỗ Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Ứng Hòa cũng cho hay, là đơn vị tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện công tác quản lý Nhà nước về môi trường nhưng Phòng cũng chưa nhận được phản ánh gì của người dân thôn Kim Bồng về trang trại lợn của ông Nho. Sau khi nhận được phản ánh của Báo PLVN, Tổ công tác đã về kiểm tra, lấy mẫu nước kiểm nghiệm và đang chờ kết quả.
Thông tin về tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại Kênh I 214, ông Hà cho biết, kênh nước này tiếp nhận nước từ sông Nhuệ nên đã bị ô nhiễm từ đầu nguồn (do sông Nhuệ cũng bị ô nhiễm nặng). Đã ô nhiễm từ nguồn, Kênh I 214 còn chảy qua 5 xã (dài cả chục km) nên đã phải hứng vô số nước thải sinh hoạt của dân, nước thải từ hàng vạn con vịt được nuôi trực tiếp trên kênh, nuôi từ các ao hồ, ruộng trong 05 xã và xác động vật (gà, vịt, lợn…) do người dân vứt ra… Như vậy, Kênh I 214 đã bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân chứ không phải chảy qua trang trại lợn nhà ông Nho mới bị ô nhiễm hay chảy qua đây mới bị chuyển màu đen kịt.
Về hoạt động của trang trại, ông Sơn cho biết, ông Nho bắt đầu nuôi lợn từ năm 2015 nhưng với quy mô nhỏ, mang tính chất hộ gia đình. Sau đó, do gặp dịch tai xanh và tả lợn châu Phi nên trang trại dừng hoạt động một thời gian. Mới đây, ông Nho mới thực hiện tái đàn và nâng quy mô chăn nuôi. Xã cũng tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi mô hình làm kinh tế hiệu quả nên đã hướng dẫn ông Nho lập đề án trang trại để cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong quá trình làm thủ tục, xã đã yêu cầu ông Nho phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải và có cam kết đảm bảo yếu tố môi trường. Do vậy, ông Nho đã đầu tư cải tạo từ chuồng hở thành chuồng kín, xử lý ép phân khô và xây hệ thống bể lắng. Chúng tôi thấy dù chuyển sang làm trại chăn nuôi thì mục đích sử dụng đất vẫn là làm nông nghiệp nên không hướng dẫn ông Nho làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (chỉ hướng dẫn lập đề án làm trang trại nếu chăn nuôi quy mô lớn)
Ghi nhận ý kiến của ông Phạm Văn Nho, của lãnh đạo UBND xã Đại Cường và của lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Ứng Hòa như trên, Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có kết luận của cơ quan chức năng.