Phận đời những phụ nữ bám nước mưu sinh

Đời bà Dum bao giờ hết phận lênh đênh?
Đời bà Dum bao giờ hết phận lênh đênh?
(PLVN) - Hàng chục năm nay, có những người phụ nữ luôn bám sông, bám nước để kiếm sống. Cái nghiệp “cướp cơm Hà Bá” lắm lúc nhiều nỗi đắng cay, nguy hiểm, bệnh tật rồi nay đây mai đó. Khổ nỗi nghiệp sông nước đã vận vào người nên họ đành chịu. 

Chông chênh một nỗi buồn 

Trời xế trưa, bà Nguyễn Thị Dum lại lủi thủi nấu nồi cơm nhỏ cho bữa trưa. Bà sống một mình trên sông Cấm (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng ). Tài sản duy nhất là chiếc thuyền nhỏ ọp ẹp do người chồng đã khuất để lại cho bà. Chồng bà mất từ năm 2002 do tai nạn khi đang đi bộ trên đường tàu. Bà nhớ mãi cái đêm định mệnh ấy, khi nghe tin dữ, người bà như đổ gục. Mười mấy năm trôi qua, bà sống một mình tại chiếc thuyền này, không nhà cửa, “không mảnh đất cắm dùi”.

Ở sông Cấm chỉ có vài nóc thuyền đậu lại, duy chỉ có bà là ở một mình. Từ ngày lấy chồng, hai vợ chồng mưu sinh trên sông vài chục năm. Công việc chính của họ là kéo lưới ở các quãng sông ít tàu thuyền kiếm cá mang lên bờ bán. Ngày trước cá nhiều, sông chưa bị khai thác nên ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Bây giờ, do đánh bắt nhiều và sông bị ô nhiễm do rác thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, khu dân cư nên việc kéo lưới cũng chẳng được là bao.

Bà Dum kể, mình có 4 người con. Cả nhà ở trên thuyền từ lúc ông bà vẫn còn sống và hành nghề đi biển. Một người con trai do xô xát, đánh nhau mà phải đi tù. Một cậu làm phu hồ trên bờ. Hai cô con gái cũng lấy chồng sớm rồi cũng đi sông nước. Từ ngày chồng mất, một mình bà trên quãng sông này, chỉ có mênh mông sóng nước với tuổi già. Người bạn duy nhất để bầu bạn là chú chó lông vàng mà bà đặt tên là “cậu Cún”. Các con đi mưu sinh kẻ dưới sông, người trên bờ, thi thoảng ghé qua thăm. Còn bà vẫn lủi thủi một mình nên bà coi “cậu Cún” như người bạn, một thành viên của gia đình bà. Sợ “cậu” lên bờ bị người ta câu mất, rồi buồn vì không có ai tâm sự nên mọi sinh hoạt đều ở dưới thuyền.

Những ngày mưa lớn bão về, bà lại ở lại bám thuyền tát nước để tài sản duy nhất không bị nhấn chìm. Sợ nhất những tháng mưa bão, lúc nào cũng  trực chờ để canh thuyền, mất thuyền là mất tất cả. 

“Mỗi mình tôi ở đây cũng buồn lắm. Ngày nào cũng ngồi nhìn ra đoạn sông trước mặt. Ở lâu nó quen đấy, nhưng sợ nhất lúc ốm đau không có ai bên cạnh, rồi chẳng biết thế nào”, tiếng thở dài buồn cả một quãng sông. Bà lay lay lồng ngực, bóp lấy hai chân còn đang tê nhức.

Bà Dum nghỉ đi thuyền được 2 tháng nay. Tuổi già cập cửa, bà đi khám bác sĩ bảo bị suy vành tim không làm được việc nặng, rồi căn bệnh huyết áp, đau khớp vài bữa lại hành hạ lúc trái gió trở trời. Vì vậy, bà nghỉ hẳn ở nhà, làm việc quen nay cũng thấy nhớ những ngày đi sông đánh cá, tuy có vất vả nhưng cũng đỡ buồn hơn ngồi ở nhà. 

Bà Dum cô đơn trên sông Cấm cùng cậu “cún” tại chiếc thuyền nhỏ
Bà Dum cô đơn trên sông Cấm cùng cậu “cún” tại chiếc thuyền nhỏ

Canh cánh những nỗi lo

Nhà chị Luyến là gia đình trẻ nhất ở xóm chài nghèo Lạc Long (thuộc sông Tam Bạc, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng). Sau khi được gả về nhà anh Lanh, chị cùng chồng và các con sống ở thuyền. Cùng cảnh đi thuyền, sự thấu cảm của những người sông nước đã đưa họ về với nhau sau đám cưới giản dị.

Cả gia đình 5 người sống trên một chiếc thuyền cũng được vài mét. Chiếc thuyền không quá lớn, đủ để mọi sinh hoạt cho gia đình. Mọi hoạt động từ ăn uống, nấu nướng đến ngủ, nghỉ đều diễn ra trên thuyền. Trước đây, xóm chài vẫn dùng nước sông để phục vụ sinh hoạt. Nhưng mấy năm gần đây, sông ô nhiễm quá nên phải mua nước trên bờ để dùng. Cứ mỗi tháng 2 lần, đựng vài mấy thùng phi để dùng dần. Tuy vậy, nước máy cũng chỉ để ăn, còn giặt giũ và tắm rửa vẫn dùng nước sông vì sợ tốn kém.

Bế đứa con vừa mới sốt, chị Luyến lo lắng vì con chị ốm đã mấy hôm nay. Chị chia sẻ, ở đây mọi người đều là dân tứ xứ về ở, đều chung phận sông nước cạnh kề. Sống trên sông quanh năm ẩm thấp nên sức khỏe là điều mà người dân đều lo lắng, đặc biệt là trẻ con. Chị Luyến cho hay trẻ con hay bị ốm vặt, như con chị vài bữa lại ốm, lúc thì sốt do muỗi đốt, lúc thì tiêu chảy do nước không đảm bảo. 

“ Đứa con bé nhà tôi đi viện là lo lắm, mỗi lần cũng vài trăm bạc, nặng thì tiền triệu. Trẻ con ốm thì cả nhà đều lo, công việc cũng không an tâm. Chúng tôi cố gắng lắm mới có cái thuyền tử tế để ở, giờ lên bờ lo đủ thứ nên cứ cố bám trụ ở đây.” 

Như những người phụ nữ trên sông khác, chị đều có chồng đi biển. Những người đàn ông bám trụ nơi đầu sóng, còn họ ở nhà trông con, bám thuyền. Cuộc sống lênh đênh cứ thế, với những nỗi nhọc nhằn hằn lên cuộc sống của họ. Phụ nữ ở thuyền quen nắng gió, cục mịch, chỉ biết thương chồng, thương con. Chị Luyến bày tỏ: “Đêm nay, anh nhà lại đi biển. Họ thuê anh đi lặn, chị ở nhà cũng lo lắm. Nhưng cuộc sống phải mưu sinh nên mình chấp nhận. Chỉ mong ông trời thương, cho chồng con khỏe mạnh, dù vất vả cũng vui lòng”.

Sống lênh đênh trên sông, chị Luyến canh cánh những nỗi lo
Sống lênh đênh trên sông, chị Luyến canh cánh những nỗi lo

Những mong ước nhỏ nhoi

Nhà cô Lan đông nhất xóm chài này. Cô sinh được 6 người con. Cả nhà sống chung với nhau trên chiếc thuyền ở bến Lạc Long. Ở đây ai cũng biết nhà cô đông con. Đứa nhỏ nhất học lớp 3, hai đứa khác đang học cấp 2, một em bỏ học từ sớm để đi thuyền với bố, một em đi làm than ở Quảng Ninh, cô con gái lớn cũng đã lấy chồng. 

Cô vừa kết thúc công việc nội trợ khi trời sang buổi chiều. Ngày nào cũng vậy, công việc của cô bắt đầu từ sáng sớm đi chợ bán cá, trưa về nấu cơm cho các con ăn và chiều ở nhà trông cháu ngoại. Còn chồng và người con trai 17 tuổi đi sông từ sáng đến tối mới trở về nhà. Cô kể: “Cái nghề sông nước nó bấp bênh lắm. Không phải hôm  nào cũng có cá để đi kéo mà phụ thuộc vào ngày nước lên, nước xuống. Có ngày con nước về đêm, chả kịp ngủ nên vợ chồng cô và con lại kéo nhau dậy đi làm cho kịp.” 

Sống ở đây được vài chục năm, cô quen với cái sông này như chính cuộc đời mình. Việc sông nước vất vả, nếu chỉ trông chờ vào việc đánh cá thì không đủ ăn. Chồng cô và con đi làm thêm bằng nghề lặn biển, có ai mất đồ thì lại thuê đi tìm. Có khi là mò sắt, nhôm rơi ở dưới sông để bán. Dẫu vậy, công việc chỉ mang tính thời vụ, tháng nhiều được 2, 3 lần, có tháng thì không. Bấp bênh là thế nhưng gia đình cô vẫn quyết bám trụ tại đây sống qua ngày.

Cô kể rằng mình cũng có quê, cô là người Hải Dương nhưng sống xa quê từ nhỏ. Ở quê, cô vẫn có anh em họ hàng, nhưng chỉ mình nhà cô không có đất nên đành lênh đênh sống trên thuyền. Bỏ quê cũng được vài chục năm, cô ít về phần vì không có nhà, phần vì nghèo không có điều kiện.

Từ khi các cháu đi học nên nỗi lo ngày càng đè nặng. Nhưng cô và chồng cũng cố gắng cho các con đi học đầy đủ. “Nhà tuy nghèo nhưng tôi cố cho các cháu ăn học đầy đủ. Bố mẹ đã không biết chữ, cuộc sống cũng thấm khổ. Giờ chúng nó cũng như tôi thì khổ quá. Có ăn học mới nên người được, chỉ mong thoát được cái nghèo thôi.” – cô Lan chia sẻ.

Ước mong duy nhất của cô Lan là các con được đi học đầy đủ
Ước mong duy nhất của cô Lan là các con được đi học đầy đủ

Từ ngày sinh các cháu, hai vợ chồng cô Lan cố gắng đi vay mượn, làm lụng mua thêm một chiếc thuyền nữa để các con có chỗ ăn ngủ, học tập. Chiếc thuyền vài mét, nằm vừa sải 3, 4 người là chỗ ăn ngủ, học hành của 3 đứa nhỏ. Đứa nào cũng ngoan và chăm học. Thương bố mẹ vất vả nên sau mỗi giờ học ở trường chúng lại ở nhà trông nhau, cùng nhau ôn bài. Nhìn đàn con nhỏ ngoan ngoãn, cô Lan cũng vui lòng vì các con đều hiểu chuyện và chăm học. Cô chỉ mong mình và chồng đủ sức khỏe để kiếm kế sinh nhai, đủ cho các con một cuộc sống không dư giả nhưng hạnh phúc. “Được đi học” là mong mỏi duy nhất của người phụ nữ tần tảo, chịu thương, chịu khó trên quãng sông này. 

Những người phụ nữ quen việc sông nước, cả đời họ gắn với sự chông chênh. Sóng vỗ mạn thuyền, vất vả cực nhọc là vậy nhưng họ vẫn hy sinh cho chồng con. Cái nghiệp “cướp cơm Hà Bá”, lắm lúc nhiều nỗi đắng cay, nguy hiểm, bệnh tật rồi nay đây mai đó. Khổ nỗi trót mang nghiệp sông nước, nó vận vào người đành chịu. 

Trời xẩm tối, dòng sông Cấm tĩnh lặng trong một màu đen. Ánh đèn leo lắt nơi mạn thuyền cũng chừng một, hai năm nay. Bà Dum ngồi một mình nhìn ra quãng sông trước mặt, tay bà ôm lấy chú chó tri kỷ, văng vẳng vài câu hát: 

“Mười hai bến nước đời như cánh hoa lục bình/

Mặc cho con sóng cuốn trôi tháng ngày lênh đênh…”.

Giọng bà buồn đến ám ảnh, khàn đục, cũng chênh vênh rồi lạc đi. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.