Phải tháo bỏ các ngón chân trái vì tự chữa tê chân

Bàn chân của bệnh nhân bị hoại tử. Ảnh: BVCC
Bàn chân của bệnh nhân bị hoại tử. Ảnh: BVCC
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Bỏng Lê Hữu Trác vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bệnh nhân bị hoại tử bàn chân do tự ý dùng thuốc đông y điều trị không đúng chỉ định.

Bệnh nhân là ông N.V.B bị tê chân không rõ nguyên nhân. Ông theo hướng dẫn truyền miệng sử dụng thuốc đông y thành phần gồm trầu không, địa liền, gừng và bó lại làm nóng để quấn vào bàn chân tự chữa bệnh, dẫn đến bị bỏng.

Sau khi bị bỏng, ông ngâm nước mát và tự thay băng tại nhà. Sau 1 tuần không khỏi, tổn thương bỏng tiến triển nặng hơn nên ngày 13/3, bệnh nhân vào Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác điều trị.

Khoa Điều trị Bỏng Người lớn tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trong tình trạng tỉnh, chẩn đoán bỏng diện tích 20cm2 độ V các ngón bàn chân trái.

Trước đó, bệnh nhân khoẻ mạnh, gia đình khoẻ mạnh.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được chỉ định thay băng hằng ngày, dùng kháng sinh, cắt lọc hoại tử bàn chân, kiểm tra tổn thương cho thấy do đắp thuốc đông y dẫn tới hoại tử khô quắt lan rộng đến các ngón chân còn lại.

Sau 8 ngày theo dõi các ngón chân bị hoại tử hết không còn khả năng bảo tồn, bác sĩ chỉ định tháo bỏ các ngón bàn chân trái. Trong quá trình điều trị người bệnh đã được điều trị tích cực, sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau, thay băng, phẫu thuật và chăm sóc vết thương hằng ngày. Quá trình điều trị bệnh nhân này khó khăn và lâu dài.

Qua trường hợp trên, các bác sỹ đưa ra một số khuyến cáo: Đắp vào vết thương bỏng hoặc vết thương các loại lá cây hay thuốc nam chưa được kiểm chứng và không đảm bảo vệ sinh là việc làm rất nguy hiểm, có thể gây ra tổn thương hoặc tổn thương nặng hơn. Thậm chí, có trường hợp phải tháo bỏ chi thể như trường hợp bệnh nhân B. bị tháo hết các ngón bàn chân trái hoặc bị nặng hơn nữa nhiễm khuẩn huyết dẫn tới tử vong.

Khi bị tê chân không rõ nguyên nhân thì cần phải đến các cơ sở y tế uy tín để khám và phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tê chân.

Không sử dụng thuốc đông y để tự chữa bỏng khi không rõ chỉ định cho bệnh lý hiện có. Khi bị bỏng do nhiệt khô cần phải sơ cứu bỏng đúng cách, bệnh nhân cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng).

Khi có bất thường về bệnh bỏng cần dừng ngay tự chữa và đến cơ quan y tế gần nhất để khám và điều trị.

Không ít trường hợp nhập viện cấp cứu do tự ý dùng thuốc chữa bệnh tại nhà.

Cụ thể, ngày 11/5, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã tiếp nhận điều trị cho 1 bệnh nhân nữ bị hoại tử vùng da ngực. Người này biết mình bị ung thư vú nhưng không điều trị, tự ý đắp thuốc nam tại nhà dẫn đến hậu quả phải cắt toàn bộ tuyến vú...

Cùng ngày, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận cấp cứu cho người đàn ông bị xơ gan nhưng không nhập viện điều trị, về nhà tự dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Chỉ đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng, người bệnh mới đến bệnh viện khám.

Môt trường hợp khác bị hoại tử bàn tay. Bệnh nhân là nam, 46 tuổi, vào viện trong tình trạng sốt, mu bàn tay trái chảy mủ, hoại tử, xám, sưng đau nóng đỏ ấn đau.

Trước khi vào viện 7 ngày bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn, nhưng không đến viện điều trị mà tự đắp thuốc nam tại nhà dẫn đến bàn tay chảy mủ, hoại tử.

Tin cùng chuyên mục

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Đau đầu kéo dài, bé gái 9 tuổi được phát hiện có khối u não lớn

(PLVN) - Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nữ 9 tuổi, có khối u màng não lớn. Đây là ca bệnh khó vì người bệnh nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Đọc thêm

Suýt tử vong vì mắc căn bệnh thường gặp rồi đi uống thuốc nam

Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan. Ảnh: BVCC
(PLVN) - Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Cấp Cứu của đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 17 tuổi, đến từ Bắc Giang. Cách vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực không rõ sốt kèm theo mệt nhiều. Đặc biệt, trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu đã khỏi.