Một nghiên cứu cho thấy cứ mỗi giờ tại công sở mà nhân viên hoang phí vào Facebook, họ lại mất 3 giờ làm tại nhà để giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc. “Sự phân biệt giữa thời gian làm việc và thời gian riêng tư không hoàn toàn rạch ròi nữa”, Jeffery Cole, Giám đốc Trung tâm Tương lai số, nói và cho biết ngày càng nhiều nhân viên sử dụng thời gian công sở để làm những việc cá nhân. Đó cũng là một trong những vấn đề mà các ông chủ doanh nghiệp đang đặt ra. “Tôi thường xuyên nghe các giám đốc than phiền thời gian làm việc bị nhân viên tiêu phí vào những việc như mua sắm trực tuyến, lên Facebook. Song họ không cần phải phàn nàn. Chúng tôi nhận thấy cứ mỗi giờ trên công sở mà nhân viên tiêu phí vào các việc cá nhân, họ sẽ phải làm bù đến 3 giờ tại nhà”. Tuy nhiên, trong khi mọi người sẵn sàng mang việc về nhà làm, họ lại không thích hoàn toàn làm việc từ xa. “Bởi vì họ nhớ đồng nghiệp”, Cole nói. Gần đây, một cuốn sách mang tên “Wellbeing: The Five Essential Elements by Tom Rath and Jim Harter”, phát hiện ra rằng cho phép nhân viên truy cập đến các mạng xã hội như Facebook và Twitter có thể giúp nâng cao năng suất làm việc.
Theo cuốn sách, mọi người cần phải có khoảng 6 giờ mỗi ngày cho các tương tác xã hội của họ, dù họ là người nội tâm hay hướng ngoại. Điều đó sẽ mang lại sự thoải mái, hài lòng, sức khỏe và sự vui vẻ cho các nhân viên, tất nhiên những điều đó khiến nhân viên làm việc hiệu quả hơn. Từ năm 2000, Trung tâm Tương lai Số của Trường Đại học phía Nam California, đã thực hiện nghiên cứu tác động của máy tính, Internet và các công nghệ liên quan đến con người. Và trong năm 2010 này, họ đã khảo sát người dùng đến từ 30 quốc gia trên thế giới. Tiến sỹ Cole cho biết theo nghiên cứu, một xu hướng đang nổi lên là con người ngày càng gia tăng lượng thời gian trước màn hình, dù là màn hình máy tính, TV hay ĐTDĐ. Năm 1975, trung bình một người ở châu Âu, Australia và Bắc Mỹ dành 16 giờ mỗi tuần trước 1 màn hình. Nhưng đến năm ngoái, thời lượng đã tăng lên 36 giờ và trong 5 năm tới, dự đoán sẽ tăng lên 50 giờ. “Chúng tôi nghĩ thời gian trước màn hình đang bùng nổ”, Cole nói. “Nếu nhìn vào lớp thanh thiếu niên ngày nay, hầu như không mấy khoảnh khắc chúng không ở trước một màn hình nào đó, ngay cả khi ngủ và khi ở trường" Tiến sỹ Cole nói có 80% các thanh thiếu niên ngủ mà ĐTDĐ vẫn để trong tầm tay của họ.
Theo ICTnews