Những ngày hè nóng bỏng chưa chắc đã là thời gian chăn gối nhiều nhất trong năm, song số chị em bị nhiễm một loại virus lây lan qua đường tình dục có tên là papilloma lại đạt đỉnh điểm vào giai đoạn này. Theo giới chuyên môn, thủ phạm có thể là ánh nắng.
Giới khoa học từ lâu đã nghi ngờ rằng, ánh nắng có thể ẩn giấu một sức mạnh nào đó tác động lên xu hướng phát triển một số căn bệnh ở phụ nữ, trong đó có cả ung thư. Bằng chứng tiêu biểu nhất là việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng sẽ gây ung thư da.
Tiến sĩ William Hrushesky thuộc trung tâm y tế của Cơ quan quản lý Cựu chiến binh ở Columbia (Mỹ) mới đây đã phát hiện ra ánh nắng có thể tác động đến tính nhạy cảm của cơ thể phụ nữ đối với virus papilloma chuyên lây nhiễm qua đường tình dục. Loại siêu vi trùng này là thủ phạm số một gây ra căn bệnh ung thư cổ tử cung. Hầu hết người bệnh không có triệu chứng rõ rệt ngoài những mảng mụn cóc lấm tấm ở bộ phận sinh dục.
Trình bày tại hội nghị của Hiệp hội nghiên cứu Ung thư Mỹ hôm qua, Hrushesky đã nhấn mạnh rằng chỉ riêng mức độ quan hệ tình dục vào mùa hè chưa đủ để giải thích hiện tượng trên. Không ai có thể nói chính xác khi nào con người làm tình nhiều nhất, ngoài việc dựa vào thời điểm số trẻ em được thụ thai cao nhất.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với các số liệu thu thập ở Hà Lan, ông nhận thấy sự thụ thai diễn ra nhiều nhất vào tháng 3, trong khi tỷ lệ phụ nữ nhiễm virus papilloma cao nhất lại rơi vào tháng 8 chói chang. Điều này chứng tỏ phụ nữ dễ nhiễm virus papilloma vào mùa hè không phải do chuyện chăn gối.
Theo Hrushesky, ở phái yếu, nguy cơ nhiễm virus là không thay đổi nhiều trong suốt năm, song chính sự gia tăng ánh nắng vào mùa hè đã gây ra sự chênh lệch lớn. Nguyên nhân là ánh nắng đã kìm hãm sức sản xuất kháng thể của hệ miễn dịch và làm giảm tính năng động của các tế bào miễn dịch T – lực lượng chủ yếu chống lại sự lây nhiễm.
Một vài nghiên cứu trước đó cũng đã ghi nhận mối liên hệ "ma quỷ" giữa ánh nắng và hệ miễn dịch khiến virus herpes gây bệnh mụn rộp và virus adeno dễ xâm nhập vào cơ thể hơn.
Hrushesky và cộng sự đã phân tích hơn 900.000 kết quả thử nghiệm Pap (loại test không phát hiện ngay virus papilloma, mà nhận diện các tế bào phát triển bất thường tiêu biểu của bệnh) ở miền nam Hà Lan từ năm 1983 đến 1998.
Kết quả cho thấy, những năm, tháng có ánh nắng càng nhiều thì tỷ lệ nhiễm virus papilloma càng cao. Trong đó, tháng 8 là thời điểm nóng nhất ở đây, và cũng là lúc số người nhiễm virus papilloma cao nhất. Tuy nhiên vào tháng 9 mát mẻ, tỷ lệ Amắc bệnh lại giảm đột ngột.
[links()]
Theo Bác sĩ gia đình