Những đứa trẻ bị “nhốt” tuổi thơ
Mới 5 tuổi, bé Hữu Nghĩa (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), con chị Hoan đã thành thạo các trò chơi điện tử trong máy vi tính của chị. Cứ lúc nào rỗi, bé lại đòi mở máy của chị để chơi. Ban đầu, chị Hoan lấy làm tự hào khi thấy con mình thông minh, đánh điện tử cứ là “nhoay nhoáy”. Được bố mẹ “bật đèn xanh”, cu cậu ham mê chơi điện tử lúc nào chẳng hay. Chồng chị Hoan chiều con tới nỗi đi công tác nước ngoài về, sắm hẳn cho cu cậu cái ipad (máy tính bảng) trị giá hơn chục triệu đồng để chơi game.
Có máy trong tay, hàng ngày, Nghĩa chơi tới 4-5 tiếng đồng hồ. Sau 2 tháng làm “game thủ”, bé Nghĩa xanh xao, luôn miệng chán ăn, đôi mắt lúc nào cũng lờ đờ, mệt mỏi. Đi học mẫu giáo về, cô giáo than phiền là bé Nghĩa không chịu học bài, không chịu chơi với các bạn, luôn miệng xưng là “chiến binh”, là “anh hùng trái đất”, là “giang hồ bất diệt”... Chưa hết, bé Nghĩa sẵn sàng đánh bạn khi nổi cáu.
Cô giáo bé Nghĩa còn cảnh báo: “Nếu gia đình cứ tiếp tục “giam” bé Nghĩa trong nhà với những trò chơi điện tử thì rất có thể bé sẽ bị rối loạn tâm lý và sức khỏe”.
Không mải chơi game như bé Nghĩa, bé Diệu Trang (4 tuổi, ở khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) lại thường hay quanh quẩn góc nhà chơi một mình. Bé đã quá quen chơi thui thủi một mình. Bởi lẽ bố mẹ bé Trang không cho bé ra ngoài cửa, xuống khu tập thể chơi với các bạn. Theo anh Trung - bố bé Trang thì ở ngoài cửa bụi bậm, bẩn thỉu, chơi với các bạn sợ nhiễm bệnh.
Anh chị đã nhốt bé Trang trong nhà từ tấm bé với cô giúp việc. Vì quá giữ gìn, không được ra nắng gió, không được vận động, nên bé Trang da trắng bủng, xanh xao, yếu ớt, cứ trở trời là ốm đau. Chưa kể tới việc, lên 4 tuổi mà bé Trang chỉ nói được vài từ rời rạc, với vốn từ ít ỏi, khả năng vận động chậm chạp.
Thấy con không mấy phát triển thể chất và tâm hồn, cũng như chị Hoan, vợ chồng anh Trung bắt đầu hoảng và đã tìm đến các nhà giáo dục học, tâm lý học để được tư vấn.
Nhờ đồng dao phá “cũi”
Sau khi được tư vấn, chị Hoan và anh Trung đã tìm được “giáo án” cho các con mình. Đó là, cho lũ trẻ “xuống đường” chơi và hát các bài đồng dao cùng các bạn đồng lứa.
Đồng dao là những bài hát nhỏ, gắn với các trò chơi dân gian và có giai điệu âm nhạc thật vui tươi, dễ nhớ, dễ thuộc với các em thiếu nhi. Và mỗi khi có thời gian rỗi, hát đồng dao và chơi các trò chơi tập thể như: chi chi chành chành, tập tầm vông, đập chuồn chuồn, rồng rắn lên mây… luôn là những sinh hoạt giải trí không thể thiếu được đối với các em.
Nói về sự cuốn hút của hát đồng dao với thiếu nhi, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Đặng Hoành Loan cho biết: “Trẻ em thích đồng dao là bởi: thứ nhất các từ trong các câu vè vần ấy mà các từ ấy các em không bao giờ hiểu cả. Cho đến lớn vẫn chưa chắc đã hiểu. Thí dụ như: chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa rất khó hiểu thế nhưng cái tiết tấu chi chi chành chành ấy hấp dẫn trẻ em. Mà tiết tấu chi chi chành chành ấy lại kết hợp với tiếng vỗ tay và các động tác nhảy múa thì vô cùng lý thú với các em. Tôi nói là: đầu tiên khi trẻ em mới biết ngồi, bố mẹ đã dạy thả đỉa ba ba chớ bắt đàn bà phải tội đàn ông….”.
Có thể thấy việc học văn hóa cơ bản qua đồng dao và trò chơi không dạy chữ, thế mà các em vẫn đếm, vẫn tính nhẩm, cộng trừ từ “chuyền một” đến “chuyền chuyền mười”, từ “năm lên sáu” hay “bốn lên bảy” trong trò chơi chuyền chuyền... Trò chơi “đánh ô ăn quan” dạy trẻ em tính nhẩm về chia, trừ, quan sát chiều ngược, chiều xuôi để động não một cách tự lực chỉ có bạn mà không có thầy. Thật là một cách giáo dục có ý nghĩa.
Trò chơi còn giáo dục thể lực ở trẻ. “Đánh chuyền” với động tác “nâng lấy một, chộp lấy đôi, sang tay qua, ra tay chống” chẳng phải có tác dụng luyện gân, các cơ ở cổ tay, cánh tay, khuỷu tay cho bé gái sao? Trò “đánh khăng” ít nhiều là môn thể thao là sự vận động toàn diện kết thúc với chạy, nhảy, đuổi bắt, cõng nhau.
Còn bao trò chơi khác với cách thức luyện tập khác nữa. Quan sát kỹ ta thường thấy các trò chơi thường lặp đi lặp lại. Người lớn xem hay chơi có thể chán, nhưng với trẻ em đó là một việc thú vị. Cùng cách chơi “Đuổi bắt” nhưng được các em biến hóa xê dịch trong nhiều trò chơi... Qua trò chơi, các em được dịp rèn luyện mắt, chân tay, luyện thính giác, khướu giác...Và sau cùng đồng dao và trò chơi như những chất keo nối kết những tình bạn trong sáng, ngây thơ giữa lũ trẻ với nhau qua các trò chơi.
Trở lại câu chuyện của bé Nghĩa và bé Trang, sau khi được bố mẹ “phá cũi” cho ra ngoài sân, xuống khu tập thể nhà mình chơi và hát đồng dao cùng các bạn. Sau một thời gian, Nghĩa và Trang khỏe mạnh, nhanh nhẹn hẳn lên. Các bé thuộc rất nhiều bài đồng dao, dĩ nhiên, từ vựng của các bé tăng nhiều lên trông thấy. Các bé đã chơi hòa đồng, vui vẻ với các bạn, sức khỏe thể chất và tinh thần ngày một phát triển.
Những năm gần đây, một số tỉnh, thành đã tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa tìm về tuổi thơ. “Ngày hội tuổi thơ” là chủ đề chuỗi các hoạt động diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) vào năm 2019 với các hoạt động hát đồng dao “Thả bươn” của các em thiếu nhi dân tộc Thái, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. 30 bạn thiếu nhi dân tộc Thái tham gia phần hát đồng dao này.
Con Cuông là huyện miền núi vùng cao biên giới của tỉnh Nghệ An, đồng bào dân tộc Thái chiếm đa số. Dân tộc Thái tại huyện Con Cuông ngoài ca múa nhạc truyền thống còn có văn hóa đồng dao từ lâu đời được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đồng dao của dân tộc Thái có rất nhiều loại khác nhau trong đó có Hát thơ (Bắt bướm - Thả bí; Bắt con đom đóm - Thả túm; Cú bắt gà - Kếch kếch; Khái bắt trâu - Iếng ời; Đố trăng - Thả bươn).
Hát đồng dao cũng gắn liền với các trò chơi dân gian truyền thống và thưởng phạt bằng cõng, bế nhau khiến người chơi luôn thích thú, sảng khoái cùng ganh đua, trổ tài. Trong phần này còn giới thiệu các trò chơi dân gian: Đánh khăng; chọi gụ; bịt mắt đánh trống; tó má lẹ; thi đánh trống chiêng; múa sạp, múa xòe…, giao lưu với du khách đặc biệt là các bạn thiếu nhi.
Đồng dao của dân tộc Thái giúp các em nhỏ được vui chơi giải trí, tăng cường khả năng nhận thức, phát triển tư duy ngôn ngữ. Những lời hát đồng dao đã giáo dục cảm xúc cho các em trong quan hệ với thiên nhiên, xã hội, và sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, các em còn được giáo dục về lòng kiên trì, tính trung thực và lòng dũng cảm.
Những tiết mục vui nhộn do học sinh Trường Dân tộc Nội trú THCS Con Cuông đã khiến du khách thích thú bởi sự trong sáng, ngây thơ nhưng giọng hát vô cùng mạnh mẽ, vui tươi, những động tác múa vô cùng dứt khoát và điêu luyện. Đó là tiết mục Hát vui hội mùa xuân sáng tác của Nghệ nhân Lương Nghiệp. Tiếp đó là Ca dao vui tiếng chuyển mùa, Khắp: Hỏi con chim chích. Du khách đặc biệt chú ý với bài đồng dao Thả bươn đố trăng: Vào những buổi tối trăng sáng trên bãi cỏ rộng, các em nắm tay nhau nhìn trời và cùng hát vang: “Ông trăng ơi trăng vàng – Hai cô nàng giã gạo; Hai già cho lợn ăn – Hai con rắn bện thường, Hai con Rồng cổ vằn – Châu chấu biết bừa ruộng, Gà còn biết ru con ngủ ngày – Sâu đóm bò trên cầu vẽ bản, Anh mời thần đánh trống – Anh mời thông gia uống rượu, Đánh sắt đánh đồng – dắt trâu lên bản thượng – rước đưa dâu rôn ràng, ma cà rồng đậu trước cửa sổ - ma chồn bay đậu cầu thanh – ông vò vè đậu nóc nhà”.
Trong khuôn khổ chương trình còn có các hoạt động trải nghiệm “Ngày hè của em”. Trong đó có phần trình diễn, trưng bày, giới thiệu về nhạc cụ truyền thống; phần trải nghiệm, học thử nhạc cụ. Các em cũng được chơi trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc như: Ném pao, đánh cù của dân tộc Mông; đẩy gậy của dân tộc Mường, tó má lẹ của dân tộc Thái, ném vòng của dân tộc Cơ Tu, đi cà kheo, thả diều…
... Hình ảnh các em tụm năm tụm bảy rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê... vào những buổi chiều tối ở các sân chơi gần nhà hay ở trường mầm non, trường tiểu học đẹp tới nao lòng. Các bé đã tìm lại được tuổi thơ của mình.
Đồng dao giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ
Theo TS.Giáo dục Nguyễn Thụy Anh thì, đồng dao giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ do đồng dao phong phú về từ vựng, hình ảnh sống động từ “cơm trắng”, “cây mía”, “con chó” cho đến “phú ông”, “nhà Trời”... Đồng dao còn giúp trẻ hòa đồng và hội nhập với thiên nhiên thông qua những hình ảnh gần gũi, quen thuộc xung quanh trẻ như “con cá”, củ khoai, “cây cam”, “cây quýt”, “trời mưa”, “bong bóng”...
Đồng dao là kênh học tập giúp trẻ tìm hiểu, khám phá về thế giới xung quanh mình với đa dạng các sự vật, hiện tượng từ gần gũi nơi góc nhà, chái bếp như “củ khoai chấm mật” đến xa xôi như chuyện “chú bán dầu qua cầu mà té”, “phật ngồi phật khóc”.
Thông qua đồng dao, trẻ biết phê phán thói hư tật xấu, học được cái tốt, cái hay. Đồng dao còn có tác dụng luyện trí nhớ cho trẻ em, kích thích sự sáng tạo thông qua các trò chơi phải vận dụng trí óc như ô ăn quan, đánh chuyền...