Từ tình yêu quê hương vợ, mong muốn mang sản phẩm gia truyền sang giới thiệu tại Việt Nam, người đàn ông ngoại quốc ấy đã không ngần ngại đem chiếc lò than từ nước Đức xa xôi sang tận vỉa hè Việt Nam nướng xúc xích tự làm mời khách.
Xúc xích ông Tây vỉa hè
Gần một năm nay người dân Sài thành đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông ngoại quốc dáng dấp cao to lừng lững đứng bán xúc xích trên vỉa hè đường Phan Xích Long (phường Phú Nhuận, TP.HCM). Anh giới thiệu mình tên Klaus Rutt, sinh năm 1968, quốc tịch Đức, gia đình có nghề gia truyền sản xuất xúc xích nhiều đời. Từ năm 7 tuổi anh đã giúp bố mẹ trong việc sản xuất xúc xích.
Klaus bỏ việc kỹ sư để sang Việt Nam bán xúc xích |
Kể lại hành trình về Việt Nam bán xúc xích, cô vợ người Việt cho hay chồng mình vốn là kỹ sư xử lí rác thải ở Đức. Anh chị quen biết và lấy nhau tại Đức, năm 2008 chị đưa chồng về thăm Việt Nam. Lần đó tình cờ thấy các cửa hàng treo biển bán xúc xích Đức, Klaus tò mò liền mua ăn thử nhưng không hài lòng.
Anh bảo với vợ một ngày nào đó có cơ hội sẽ mang xúc xích gia truyền đến quê vợ giới thiệu. Cứ nghĩ chồng nói cho vui, nào ngờ sau đó 3 năm, khi quay lại Việt Nam du lịch, thấy các con không ăn quen đồ bán ở siêu thị, Klaus đột ngột bàn với vợ rằng sẽ về Việt Nam mở cửa hàng bán xúc xích.
Dù bạn bè, gia đình đều phản đối quyết định có phần ngược đời trên, nhưng "anh trai Tây" vẫn thẳng thừng nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty, sắp xếp hành lý về Việt Nam.
Tháng 8/2012 Klaus mở cửa hàng xúc xích Đức trên đường Phan Xích Long hiện thực hoá dự định ấp ủ bấy lâu. Bạn bè vợ chồng chị ở Đức sau khi biết chuyện Klaus nướng xúc xích bán vỉa hè Sài Gòn đều chê cười, rằng có điên mới bỏ ngang công việc ổn định ở trời Tây để đi làm ông bán rong.
Người vợ nhớ lại: “Ai cũng bảo vợ chồng tôi về nước mở khách sạn, nhà hàng sang trọng đã đành, đằng này đi bán rong vỉa hè chẳng khác nào “lên voi xuống chó”. Thú thực, tôi lúc đầu cũng ngại ngùng không dám đi bán xúc xích cùng chồng”.
Thế nhưng với Klaus, anh không quan trọng địa vị kĩ sư hay một đầu bếp bán dạo vỉa hè: “Công việc làm gì tạo cho mình niềm vui là được, trừ trộm cắp, phạm tội”.
Lúc mới khai trương, Klaus không ngần ngại, ra tận các vỉa hè nướng xúc xích mời khách đi đường ăn thử. Dần dần chiêu tiếp thị độc đáo cũng mang lại hiệu quả, thời gian sau, nhiều khách hàng “nghiền” xúc xích do Klaus chế biến đã tự tìm tới.
Thương hiệu xúc xích Đức Leon King ra đời từ đó. Mới đây, vợ chồng Klaus còn “bành trướng” sắm luôn chiếc xe bán tải bán xúc xích di động khắp TP.HCM. “Do chế biến nguyên chất nên sản phẩm có giá hơi nhỉnh so với những loại bán trong siêu thị, tuy nhiên so với bên Đức chúng tôi đã giảm tới 2/3 giá”, người vợ góp chuyện.
Vừa yêu Việt Nam, vừa yêu nghề gia truyền
Tay thoăn thoắt lật nướng những cây xúc xích vàng ươm, ông Tây hồ hởi bật mí tất cả quá trình chế biến xúc xích đều do một tay mình đảm nhận. Để đảm bảo chất lượng, ngoại trừ thịt heo, thịt bò phải mua ở Việt Nam; còn lại các loại gia vị như muối, tương ớt, bao bì… Klaus đều nhập khẩu từ Đức. Ngay món dưa cải muối ăn kèm xúc xích cũng được anh dầm chua theo công thức gia truyền người Đức.
“Tôi chế biến y hệt khẩu vị người Đức, chỉ giảm độ cay do khí hậu Việt Nam nắng nóng, ăn cay nhiều không tốt. Tuyệt đối không dùng bất kỳ chất bảo quản nào, không cần trộn thêm bột nhưng xúc xích vẫn cứng, giòn. Điều quan trọng nằm ở kỹ thuật pha trộn gia vị và cách nướng”, Klaus bập bẹ chia sẻ bằng tiếng Việt.
Cha con “vua xúc xích” Klaus Rutt |
Ông Tây chỉ tay vào chiếc lò nướng cho hay đấy là “gia sản” đầu tiên anh mang về Việt Nam khởi nghiệp nghề xúc xích. Klaus tự tin nói, nhờ chế biến nguyên chất nên ở điều kiện bình thường sản phẩm xúc xích của anh có thể sử dụng trong thời gian 5 ngày từ lúc ra lò. Nếu bảo quản trong môi trường chân không, hay tủ lạnh, hạn sử dụng lên tới 5 tuần lễ vẫn giữ nguyên vẹn hương vị.
Klaus đang sản xuất 5 loại xúc xích Đức khác nhau từ thịt bò, thịt heo phục vụ thị trường, cứ hai tháng lại cho ra lò thêm một sản phẩm mới, hy vọng sẽ giới thiệu tất cả 30 loại xúc xích gia truyền cho người Sài Gòn.
Tiết lộ lý do dẫn đến quyết định “dị” của mình, Klaus nói hoàn toàn xuất phát từ tình yêu đất nước, con người Việt Nam.
Ba tháng đầu do bất đồng ngôn ngữ, chưa quen với môi trường kinh doanh mới nên cửa hàng xúc xích từng tạm đóng cửa. Klaus không chịu bỏ cuộc, bỏ ngoài tai hàng trăm cuộc điện thoại khuyên trở về nước, ngày ngày mang lò than ra đứng các góc đường nướng từng mẻ xúc xích bán dạo gầy dựng thương hiệu.
Người vợ lúc đầu không hài lòng lắm với việc làm của chồng, nhưng chứng kiến sự nhiệt tình, cần mẫn và quyết tâm của anh, chị hứng khởi theo. Thành công đã đến, Klaus đã có đến 3 địa điểm bán xúc xích tại Sài Thành, và đó chưa phải con số cuối cùng.
Ông Tây bán hàng kiểu Tây, làm việc cũng kiểu Tây, luôn tỉ mỉ nướng từng cây xúc xích sao cho đạt chuẩn nhất, không cho phép mình ngồi mà phải đứng liên tục. Nhiều công ty, siêu thị đã ngỏ lời mời Klaus về sản xuất sản phẩm độc quyền cho họ, nhưng anh từ chối ngay: “Tôi làm việc này vì tình yêu Việt Nam, nếu cần tiền tôi đã ở lại Đức làm kỹ sư, chứ không bỏ việc sang đây”.
Theo Xa lộ pháp luật