Tổng thống Vladimir Putin cho biết cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu vẫn có thể gây ảnh hưởng đến Nga, nếu giá cả tăng cao dẫn đến lạm phát, thúc đẩy chi phí của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm hoặc giảm nhu cầu đối với nhiên liệu vốn là nguồn thu chính của Nga.
"Điều này cũng có những hậu quả nhất định đối với chúng ta", ông Putin nói với các quan chức chính phủ cấp cao trong cuộc họp với Nội các. "Nếu nhu cầu giảm trong tiêu thụ năng lượng thì sẽ ảnh hưởng đến các công ty sản xuất của chúng ta, bao gồm cả Gazprom".
Gazprom, nhà xuất khẩu đường ống dẫn khí đốt duy nhất từ Nga, là nền tảng của nền kinh tế Nga cùng với các nhà sản xuất dầu dẫn đầu bởi tập đoàn khổng lồ nhà nước Rosneft. |
Lãnh đạo Nga chỉ ra một trong những nguyên nhân của khủng hoảng năng lượng ở châu Âu "phần lớn là những nguyên nhân chủ quan do các đồng nghiệp của chúng ta (chính phủ các nước châu Âu - PV) làm ra, nhưng những hậu quả nhất định cũng có thể gây ra cho chúng ta", ông Putin lưu ý.
Theo Tổng thống Putin, một trong những hậu quả tiềm tàng của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có thể xuất phát từ chính các biện pháp hỗ trợ người dân của một số Chính phủ châu Âu mặc dù ông khẳng định người dân nên được hỗ trợ.
Phân tích về các giải pháp hỗ trợ của người dân của một số Chính phủ châu Âu trong cuộc khủng hoảng năng lượng, ông Putin chỉ ra, việc hỗ trợ các hộ gia đình sẽ không dẫn đến việc mọi người cắt giảm lượng năng lượng tiêu thụ, mà thực tế là sẽ giảm tiêu thụ trong lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, như ngành công nghiệp kim loại và sản xuất phân bón amoniac.
“Nhưng điều này sẽ gây ra những hậu quả lớn hơn nữa khi kéo theo giá các mặt hàng khác cuối cùng sẽ tăng lên, và cuối cùng nó sẽ ảnh hưởng đến người dân", người đứng đầu Nhà nước Nga nhận định.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga không mong đợi sự cân bằng cung và cầu trên thị trường khí đốt châu Âu được cải thiện trong ngắn hạn khi tình hình đang nổi lên gây lo ngại.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. |
Ông Novak lưu ý rằng tình hình sẽ phụ thuộc vào giai đoạn thu đông và mức nhiệt độ, cũng như mức độ nhu cầu về khí đốt ở châu Âu và các thị trường khác.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang gây ra tình trạng thiếu điện trong ngành công nghiệp, Novak lưu ý. Ông giải thích: "Các doanh nghiệp luyện kim, phần lớn sử dụng điện trong sản xuất, cũng đang tạm ngừng hoạt động. Ví dụ, một nhà sản xuất kẽm lớn của Bỉ đã cắt giảm 50% sản lượng tại ba nhà máy ở Hà Lan và Pháp".
Ông Novak cho biết thêm, tình hình thị trường khí đốt vẫn còn nghiêm trọng, với giá khí đốt toàn cầu tăng gấp 3,5 lần kể từ đầu năm 2021. Giá trung bình ở châu Âu dao động khoảng 1.000-1.100 USD trên 1.000 m3, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khoảng 1.200 USD trên 1.000 m3 khí có phí bảo hiểm.
Đồng thời, Nga dự kiến nhu cầu khí đốt ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng đáng kể vào năm 2021, đặc biệt là ở Trung Quốc - 17%, ở Hàn Quốc - lên 18%. Nhìn chung, ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu khí đốt được dự báo sẽ tăng 7-8%.