Với giới nghệ sĩ nói chung và ca sĩ nói riêng, “ông lớn” giúp sự nghiệp của họ thăng hoa không chỉ có các nhãn hàng, đơn vị kinh tế, bầu sô “mát tay” mà còn gồm cả báo, đài và các trang mạng xã hội.
Nhiều năm qua, đài truyền hình, đài phát thanh đã là bệ đỡ cho rất nhiều giọng ca vô danh trở thành “giọng ca của mọi nhà”. Chỉ cần được “lên truyền hình” thì dù có hát miễn phí, catse thấp, ca sĩ cũng vui lòng. Việc được “lên truyền hình” cũng đồng nghĩa với tên tuổi được công nhận. Nhưng đó là suy nghĩ của ngày trước.Thừa và thiếu với truyền hình
Ảnh minh họa |
Khi đài và kênh truyền hình - đặc biệt là kênh về âm nhạc - nở rộ khiến khán giả chán chê với ca nhạc, không ít ca sĩ đã phải cân nhắc về tần suất xuất hiện trên truyền hình. Nhiều ca sĩ như Quang Dũng, Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Thu Minh... đã mạnh dạn từ chối hát trong một số chương trình ca nhạc (dù có hay không truyền hình trực tiếp) của các đài. Không chỉ các chương trình ca nhạc, ngay cả các trò chơi truyền hình, các cuộc trao đổi (game show, talk show)... cũng được chèn ca nhạc vào khiến khán thính giả càng thêm ngán ngẩm với cái gọi là ca nhạc. Ca sĩ Hà Anh Tuấn là một trong những gương mặt thường từ chối tham gia game show, talk show, anh muốn tránh phủ sóng tối đa để dành sức lực cho những dự án âm nhạc của riêng mình và tạo sự mong đợi cho khán giả ở những nơi anh chọn xuất hiện. Còn Thu Minh, trong một lần trò chuyện, đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm hạn chế “lên truyền hình” trong thời điểm hiện tại, với mong muốn tạo cảm giác nhớ nhung nơi khán giả và cũng để giữ cảm xúc cho chính mình trong các sô nhạc “sống” nhằm kéo bạn yêu nhạc đến với sân khấu có bán vé. Đó chỉ là hai trong số khá nhiều ca sĩ thực tài chọn giải pháp xuất hiện có chọn lọc trên truyền hình, nhằm tự cứu mình và cứu thị trường âm nhạc hỗn tạp hiện tại. Tuy nhiên, kết quả của sự cân nhắc đó không mấy khả quan mà hậu quả khá nặng nề: mất cơ hội được đề cử ở những giải thưởng âm nhạc của các đài vì “ít đóng góp cho đài”, hoặc không được mời lên sóng trong những chương trình hay dịp đặc biệt. Thực tế cho thấy các đài phát thanh, truyền hình là nơi chắp cánh cho rất nhiều tài năng trẻ nhưng cũng là nơi khiến giá trị các ngôi sao ca nhạc bị đánh tráo. Rất nhiều thí sinh còn đang nuôi mộng chinh phục khán thính giả cũng dễ dàng được khoác lên mình tên gọi thật “kêu”: “thần tượng âm nhạc”, “ngôi sao tiếng hát truyền hình” hay “ngôi sao của bạn”... Điều này không chỉ làm những giọng ca măng non dễ rơi vào ảo tưởng, không thể tiến xa trong sự nghiệp mà còn khiến các ca sĩ thực tài cảm thấy bất ổn, bất bình, có phản ứng tiêu cực và thể hiện sự chán nản trong sáng tạo nghệ thuật mà Diva Thanh Lam từng đề cập trong một lần trả lời phỏng vấn. Đó cũng là lý do vì sao dù khủng hoảng thừa chương trình ca nhạc trên truyền hình, nhưng luôn thiếu chương trình có chiều sâu với sự góp sức của các giọng ca đầy nội lực.Ảo tưởng từ các ấn phẩm giải trí Nơi gây nhiều ảo tưởng nhất cho ca sĩ trẻ không phải là nhà đài mà là các ấn phẩm giải trí như các tạp chí tuổi teen, tạp chí nữ giới và một vài trang báo mạng. Lướt qua những kênh truyền thông này sẽ thấy vô số ca sĩ non nghề với những dòng tin và hình ảnh không liên quan gì đến hoạt động âm nhạc. Chính việc những giọng ca không dám hát “sống” nhưng lại được tung hô (dù chỉ trên những ấn phẩm giải trí) với đủ mọi ngôn từ ưu ái nhất đã làm “mủi lòng” các danh ca thực thụ. Ca sĩ K. chia sẻ: “Tôi không muốn kể lể chuyện chồng con và cũng không có khả năng ăn mặc hớ hênh nên không có cửa xuất hiện trên báo mạng. Tôi cũng không đạt được tiêu chí quậy - quái - quyến rũ của một tạp chí nọ nên cũng khó là gương mặt trang bìa của tạp chí phụ nữ. Và tôi cũng ngượng khi phải đứng hát cùng sân khấu với mấy ca sĩ teen, nên hiếm có dịp nhận sô hát ở tụ điểm hay lên truyền hình. Vậy nên lâu rồi tôi không nghĩ đến việc tiếp tục cống hiến hết mình cho âm nhạc nữa”. Tâm sự của K. cũng là tâm sự của rất nhiều ca sĩ thực tài và có lòng tự trọng khác. Điều đó lý giải vì sao hiện có quá nhiều giọng hát hay từ chối đứng cùng sân khấu với các ca sĩ trẻ, dẫu catsê không thấp ở thời buổi khó kiếm sô này. Khi thị trường nhạc Việt trở nên nhũng nhiễu, rối loạn và lệch hướng, những giọng hát có nội lực lui về ở ẩn, các nhạc sĩ danh tiếng vì thế cũng chán nản với ca khúc. Những Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Tuấn Khanh, Việt Anh, Dương Khắc Linh, Quốc Trung, Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn... đều dần chuyển sang sáng tác khí nhạc, nhạc cho phim, nhạc cho kịch, nhạc cho phim quảng cáo...
Một thị trường không ngôi sao Đó cũng là nhận định của ca sĩ Phương Thanh trước thực trạng lình xình của thị trường nhạc Việt. Phương Thanh từng ghi tên vào hàng ngũ “siêu sao” nhờ hợp đồng quảng cáo trị giá 200 lượng vàng vào năm 2001. Mỹ Tâm giữ chức vô địch bán đĩa với hơn 150.000 đĩa (gốc) Yesterday and now bán ra trên thị trường. Đan Trường là thiên vương của giới teen với gần 61.000 người hâm mộ trong và ngoài nước. Cẩm Ly thống trị dòng nhạc dân ca gần 10 năm qua. Còn Đàm Vĩnh Hưng, giọng hát của anh vang lên khắp các sân khấu lớn nhỏ trong lẫn ngoài nước... Nhưng các ngôi sao, “kỷ lục gia” kể trên đều đã và đang bước vào “đại lộ hoàng hôn”. Còn những gương mặt mấp mé ngưỡng ngôi sao vẫn chưa tỏa sáng bởi chưa thể phá kỷ lục của người đi trước. Với tình thế khó khăn hiện tại, ngay cả các ngôi sao ca nhạc lẫn ca sĩ thường thường bậc trung đều đang hoạt động cầm chừng. Không ít người đã đổi nghề, làm thêm nghề tay trái hoặc thực hiện những dự án nhỏ xung quanh âm nhạc để lấy ngắn nuôi dài. Nhiều giọng ca hàng đầu và những giọng hát tiềm năng đã chấp nhận việc tổ chức các đêm diễn với quy mô nhỏ nhưng chất lượng và hợp túi tiền với người nghe để giành lại khán giả. Hai tháng vừa qua là thời điểm tương đối sôi nổi khi các buổi diễn có thu phí ở những nhà hát, phòng trà, bar nhỏ của Thanh Lam, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng... tại TP.HCM và Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý... ở Hà Nội đều chật kín khách. |
Theo Tuổi Trẻ