Hơn 4 năm qua, dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng ông Đoàn Minh Hùng (SN 1960, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) đã cưu mang tám đứa trẻ mồ côi. Đồng thời, ông còn mở lớp học tình thương dạy chữ cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ giúp các em có tri thức để sau này bước vào đời. Nghĩa cữ tương thân, tương ái của ông Hùng không chỉ cao đẹp mà còn góp phần làm giảm đi những tệ nạn xấu cho xã hội.
Tảo tần gieo chữ cho trẻ nghèo
Nhiều năm nay, người dân khu phố 5 (phường Bình Trị Đông) đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông gầy gò, nét mặt phúc hậu đạp xe cọc cạch đến từng con hẻm để bán đĩa hát, sửa cân dạo. Mọi người càng yêu mến ông Hùng khi biết rằng, với khoản thu nhập ít ỏi ấy, ông vẫn nhận nuôi 8 đứa trẻ mồ côi và duy trì 3 lớp học tình thương gần 80 học sinh từ vỡ lòng cho đến lớp 5.
Phần lớn các học trò của ông Hùng đều có hoàn cảnh khó khăn. Đứa thì ở tỉnh theo cha mẹ lên Sài Gòn bán vé số, đi làm phụ hồ. Cũng có đứa là dân Sài Gòn gốc nhưng gia đình nghèo kiết xác, lo cái ăn hằng ngày còn vất vả nên cha mẹ chúng nào dám nghĩ đến chuyện cho con học chữ. Đáng thương hơn là những đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống cùng ông bà, đi nhặt ve chai kiếm chén cơm.
Đưa mắt nhìn đám học trò đang say sưa nắn nót từng con chữ, ông hãnh diện: “Bọn trẻ rất ham học, lại thông minh hơn mình tưởng. Khi được học chữ, chúng tiếp thu nhanh, lại rất siêng, luôn đến lớp sớm để kiểm bài cho nhau. Hiện nay, các cháu đã biết đọc, biết viết, tính toán rất nhanh. Hằng năm, đều có đứa vào các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập. Điều đó khích lệ tinh thần tôi rất nhiều”.
Ông Hùng sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở Vũng Tàu, cha mẹ đều là giáo viên tiểu học nên từ nhỏ cậu bé Hùng luôn mơ ước sau này sẽ theo nghiệp “gõ đầu trẻ”. Những năm chiến tranh ác liệt cả nhà ông phải vào Sài Gòn để lánh nạn và tìm kế mưu sinh. Sau nay, dù tất bật lo chuyện cơm áo nhưng ông vẫn ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo.
Năm 2009, ông Hùng tình cờ thấy hai đứa trẻ bán vé số, vì không biết chữ nên chúng tính tiền cứ nhầm lẫn hoài. Thương bọn trẻ này, mỗi sáng ông dành ra 2 giờ để dạy chúng học chữ. Nhiều lúc mải học, hai đứa trẻ không đi bán vé số nên bị cha mẹ chúng la mắng, vì vậy không ít lần người thầy bất đắc dĩ này phải bỏ tiền túi ra mua vé số giúp chúng. Cảm thấy việc dạy học đem lại niềm vui nên từ đó, ông Hùng nhận dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo ở cùng xóm trọ. Ban đầu, lớp học chỉ có 5-6 em, dần có đến 20 em. Chúng được học chữ vào mỗi tối từ 18h đến 20h30.
Để đưa lũ trẻ cơ nhỡ này vào nề nếp thật không phải là một chuyện dễ dàng. Vốn đã lăn lộn vào đời từ bé nên các em thường xuyên chửi thề, rồi quậy phá đánh nhau cùng bạn học, lại chẳng có kiến thức cơ bản gì. Biết học trò mình thiếu thốn tình cảm nên ông Hùng không la mắng chúng mà dùng lời lẽ khuyên bảo, rồi ân cần chỉ dạy.
Không những vậy, ông Hùng còn thường xuyên đến nhà thăm hỏi động viên gia đình từng đứa học trò, còn tự bỏ tiền túi ra để lo chi phí sách vở, bút mực cho chúng. Cảm nhận được tình cảm ấm áp của thầy, lũ trẻ dần trở nên ngoan ngoãn và học hành chăm chỉ hơn, đọc viết thành thạo, không còn nghịch phá như trước. Tiếng lành đồn xa nên bọn trẻ tìm đến ông Hùng học chữ ngày càng đông. Điều này khiến ông rất vui nhưng kèm theo đó là nỗi lo vì nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào số tiền lãi bán đĩa hát và tiền công sữa cân dạo ít ỏi của ông.
Thương người như thể thương thân
Từ ngày mở lớp học tình thương, gia đình ông Hùng gặp rất nhiều khó khăn, túng thiếu. Thế nhưng, điều đó không làm vơi đi tấm lòng nhân ái của người đàn ông này khi ông lại tiếp tục cưu mang 8 đứa trẻ mồ côi và một cụ già không nơi nương tựa. Mỗi người một cảnh khổ nhưng được sự đùm bọc của ông Hùng, họ cảm thấy ấm áp hơn và tin yêu vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Trong số họ, đáng thương nhất là hoàn cảnh của cụ bà Tắc (SN 1930). Trước đây, nhà bà cụ rất khá giả nhưng bị con cái giành tài sản rồi bỏ rơi nên ngày ngày, cụ phải lê thân già đi bán dầu gió và chuỗi hạt để kiếm cơm. Đầu năm 2010, trong một lần đi sửa cân dạo, ông Hùng gặp cụ bà ngất xỉu ở chợ vì kiệt sức nên ông đã rước cụ về nuôi và chăm sóc như mẹ ruột.
Bên cạnh đó, mỗi đứa trẻ cơ nhỡ được ông Hùng cưu mang là một câu chuyện buồn đầy nước mắt. Cháu Lạc Văn Phú (hiện đã 13 tuổi) khi vừa chào đời thì cha đã bỏ rơi để theo nhân tình tìm hạnh phúc mới. Năm Phú 4 tuổi thì mẹ của em lại bị kẻ gian lừa bán sang Trung Quốc rồi biệt tăm từ đó. Ngày ấy, Phú cùng bà ngoại sống lang thang khắp nơi bằng nghề lượm lặt ve chai. Khi gần kiệt sức thì bà lão gắng gượng dẫn cháu ngoại tìm đến nhà ông Hùng để nhờ nuôi dùm.
Nhắc đến gia đình, Phú nghẹn ngào: “Giờ con cảm thấy vui khi được sống cùng ông ngoại Hùng và các em. Con nghe bà ngoại nói mẹ con bị bán ra nước ngoài làm ở đợ nên không biết khi nào mới về đây sum hợp được với con. Giờ đây, con chỉ biết phải gắng học và phụ giúp ông ngoại lo cho các đứa em”.
Những đứa trẻ khác cũng rất đáng thương, có đứa bị bại não nằm liệt giường mọi chi phí thuốc men và vệ sinh hằng ngày đều do tự tay vợ chồng ông chăm sóc. Thương bọn trẻ bất hạnh nên ông Hùng xem các em như con cháu ruột thịt và hết lòng chăm lo chúng từng miếng ăn, giấc ngủ.
Mấy năm nay, vừa duy trì lớp học tình thương, vừa nuôi dưỡng bọn trẻ cơ nhỡ và lo cho 2 đứa con trai học đại học mà nhiều lúc ông Hùng như muốn gục ngã vì cảnh thiếu trước, hụt sau. Ông phải vay mượn khắp nơi mới có thể trang trải qua ngày.
Năm 2011, lúc lớp học gần như bế tắc, ông Hùng phải về quê bán đất, bán nhà được hơn 200 trăm triệu đồng để xoay sở. Một phần tiền ông thuê căn nhà rộng rãi hơn, để bọn trẻ học được thoải mái. Phần tiền còn lại ông mở một quán cơm chay nhỏ để mưu sinh và kiếm thêm kinh phí. Hằng ngày, không cần biết quán cơm bán lãi được bao nhiêu, ông Hùng luôn dành hơn 80 phần cơm để phát miễn phí cho đám học trò nghèo đầu những giờ học để đảm bảo cho các em no lòng mà tiếp thu bài tốt.
Ông tâm sự: “Những lúc quán cơm ế ẩm, tôi không biết làm cách nào để xoay sở. Có lúc tôi muốn buông xuôi nhưng thấy bọn trẻ hăng say học chữ, mình lại không đành lòng. Thôi thì gắng chèo chống đến đâu hay đến đó. Tuổi trẻ bây giờ dễ sa vào tệ nạn nên mình phải càng quan tâm và dạy dỗ chũng kỹ hơn để chúng nhận thức được giá trị cuộc sống mà sống có ích”.
Suốt 3 năm qua, hằng ngày, từ 8 giờ sáng, ông đã đạp xe rong ruổi hàng chục cây số đến các chợ ở các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM để sửa cân cho bà con tiểu thương đến 3h chiều mới về đến nhà. Buổi tối, sau khi dạy học cho bọn trẻ, người thầy này lại đẩy xe đi bán đĩa hát đến 12h khuya mới về nghỉ ngơi.
Với những khoản thu nhập này, phần nào giúp ông trang trải được cuộc sống đại gia đình và duy trì lớp học và nuôi các con ông đến ngày ra trường. Hiện nay, hai người con ông Hùng đã có việc làm ổn định, sau những giờ đi làm về họ lại cùng cha đứng lớp để gieo chữ cho những học sinh nghèo.
Sau vài năm, gắn bó với niềm đam mê dạy học giúp đời, giờ đây những đóng góp của ông Hùng đã được bà con khu phố ủng hộ tích cực. Họ yêu mến và gọi ông là ông “Bụt” của trẻ em nghèo. Hiện nay, niềm vui lớn nhất của ông Hùng là đám học trò của mình không chỉ biết đọc, biết viết mà năm nào cũng có đứa vào học ở các trường công lập và những đứa trẻ cơ nhỡ mà ông cưu mang lại rất hiếu thảo và xem ông như người thân.
Hải Đăng